LA02.165_Quản trị rủi ro tín dụng theo Hiệp ước Basel 2 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam
Hướng nghiên cứu của luận án
Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu từ các công trình nghiên cứu liên quan, xác định khoảng trống và câu hỏi cho nghiên cứu, luận án sẽ tập trung vào giải quyết các vấn đề cơ bản:
Về lý luận: Hệ thống những vấn đề cơ bản về quản trị rủi ro tín dụng theo Basel 2 tại ngân hàng thương mại. Luận án của NCS không đi sâu vào các vấn đề lý luận kinh điển mà tiếp cận quản trị rủi ro tín dụng theo quan điểm hiện đại, gắn các chuẩn mực của Hiệp ước Basel 2 vào thực tiễn quản trị rủi ro tín dụng tại Agribank. Cụ thể: luận án hệ thống các chuẩn mực và điều kiện thực hiện các chuẩn mực của Basel 2 về chiến lược và khẩu vị rủi ro tín dụng (khả năng chấp nhận rủi ro tín dụng), tổ chức bộ máy quản trị rủi ro tín dụng, chính sách quản trị rủi ro tín dụng, qui trình và thủ tục quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại.
– Làm rõ lợi ích đối với ngân hàng thương mại khi thực hiện quản trị rủi ro tín dụng theo Basel 2 và các điều kiện để triển khai quản trị rủi ro tín dụng theo Basel 2 tại ngân hàng thương mại
Về kinh nghiệm quốc tế: Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn triển khai áp dụng Basel 2 về quản trị rủi ro tín dụng tại một số ngân hàng thương mại trong và ngoài nước, luận án đúc kết những bài học kinh nghiệm tốt nhất, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý các khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai Basel 2 để vận dụng tại Agribank trong thời gian tới.
Về thực trạng và đề xuất giải pháp thực hiện: đánh giá đúng thực trạng quản trị rủi ro tín dụng và mức độ đáp ứng chuẩn mực Basel 2 về quản trị rủi ro tín dụng tại Agribank trên các nội dung cơ bản: chiến lược và khẩu vị rủi ro tín dụng, chính sách quản trị rủi ro tín dụng, tổ chức bộ máy quản trị rủi ro tín dụng, qui trình và thủ tục quản trị rủi ro tín dụng. Từ đó, NCS đề xuất các giải pháp để triển khai quản trị rủi ro tín dụng theo Basel 2 theo lộ trình phù hợp với khả năng thực hiện tại Agribank và chủ trương triển khai Basel 2 của NHNN, mục tiêu cuối năm 2020 Agribank đạt chuẩn Basel 2 về quản trị rủi ro tín dụng.
Đóng góp mới của luận án
– Luận án phân tích, làm rõ lợi ích đối với ngân hàng thương mại khi thực hiện quản trị rủi ro tín dụng theo Basel 2 và các điều kiện cần thiết để ngân hàng thương mại triển khai quản trị rủi ro tín dụng theo Basel 2.
– Nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quản trị rủi ro tín dụng theo Basel 2 tại một sốngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài, luận án khẳng định: không có một “kịch bản” chung cho lộ trình triển khai Basel 2, nhưng để triển khai thành công, cần hoàn thiện văn bản pháp lý, thành lập Ủy ban chuyên biệt để triển khai, để đo lường được rủi ro tín dụng theo phương pháp xếp hạng nội bộ (IRB), giai đoạn đầu có những phân đoạn vẫn phải tiếp cận theo phương pháp chuẩn hóa (SA). Những nhận xét này thực sự có giá trị cho Agribank trong việc triển khai quản trị rủi ro tín dụng theo Basel 2 .
– Phân tích, đánh giá thực trạng quản trị rủi ro tín dụng tại Agribank, luận án đã chỉ ra: tuy đã xây dựng chiến lược, khẩu vị rủi ro, chính sách và các chức năng kiểm soát rủi ro tín dụng, nhưng so với yêu cầu của Basel 2, Agribank còn có khoảng cách về trình độ quản trị rủi ro tín dụng, hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu, hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, đo lường rủi ro tín dụng và vốn cho rủi ro tín dụng, năng lực đội ngũ cán bộ và minh bạch thông tin.
– Đề xuất các giải pháp và điều kiện thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1: tập trung sắp xếp bộ máy quản trị rủi ro tín dụng, rà soát nhân sự, hoàn thiện các văn bản nội bộ và kiểm soát chất lượng tín dụng. Giai đoạn 2: tập trung hoàn thiện kho dữ liệu và đầu tư công nghệ, đo lường rủi ro tín dụng theo cách tiếp cận xếp hạng nội bộ cơ bản đối với một số phân đoạn khách hàng, xây dựng qui trình đánh giá đủ vốn nội bộ và công khai thông tin theo trụ cột 3- Basel 2.