LA02.155_Quản trị rủi ro tài chính của doanh nghiệp Việt Nam
3. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
– Luận giải những vấn đề lý luận về rủi ro tài chính và QTRRTC trong DN;
– Đánh giá thực trạng QTRRTC tại các DN niêm yết phi tài chính ở Việt Nam
– Kiểm chứng mối quan hệ giữa QTRRTC và giá trị DN
– Đề xuất các khuyến nghị nhằm tăng cường công tác QTRRTC trong DN niêm yết phi tài chính ở Việt Nam.
Mục đích nghiên cứu được cụ thể bằng các câu hỏi nghiên cứu dưới đây:
– Thái độ của các DN Việt Nam đối với rủi ro tài chính như thế nào?
– Nhân tố nào tác động đến công tác QTRRTC của các DN Việt Nam?
– Các DN đã sử dụng những biện pháp nào để QTRRTC? Công cụ phái sinh có phải biện pháp tốt nhất để phòng tránh rủi ro tài chính cho các DN Việt Nam trong điều kiện kinh tế hiện nay hay không?
– QTRRTC tại các DN Việt Nam có tác động như thế nào đến giá trị DN? Nếu không thì nguyên nhân là gì?
4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
4.1.Đối tượng nghiên cứu
Luận án tập trung đi sâu vào công tác QTRRTC (bao gồm nhận diện, đo lường, kiểm soát và tài trợ tổn thất/thiệt hại về rủi ro tài chính) trong hoạt động kinh doanh của các DN phi tài chính, tồn tại dưới hình thức DN cổ phần niêm yết. Các rủi ro tài chính được nghiên cứu bao gồm (rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất, rủi ro biến động giá, rủi ro đòn bẩy tài chính và rủi ro tín dụng thương mại).
Đề tài nghiên cứu các DN phi tài chính đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (tập trung vào các ngành Bất động sản, Xây dựng, Nông – Lâm – Thuỷ sản, Công nghiệp và Vận tải- Kho bãi), thời gian nghiên cứu từ 2010- 2014.
Tại sao là DN niêm yết? Theo thống kê, danh sách 1.000 DN nộp thuế lớn nhất hằng năm có đóng góp không nhỏ của các DN niêm yết, cho thấy mức độ kinh doanh hiệu quả cũng như vai trò to lớn của các DN này trong việc đóng góp ngân sách quốc gia. Một điểm đáng lưu ý là, bên cạnh yếu tố kinh doanh hiệu quả, nguyên nhân khiến các DN niêm yết được đánh giá cao đến từ sự minh bạch thông tin. Chính vì vậy, việc nghiên cứu các DN niêm yết được coi là hàn thử biểu đại diện cho nền kinh tế.
Tại sao là DN phi tài chính? Rủi ro tài chính trong các DN phi tài chính có điểm khác biệt đặc thù so với rủi ro tài chính trong ngân hàng và các định chế tài chính. Hơn nữa, các tổ chức tài chính thường có phòng ban hoặc bộ phận quản trị rủi ro riêng được thành lập, hoạt động dưới sự giám sát thường xuyên của các cơ quan quản lý, trong khi đó, không phải DN sản xuất kinh doanh nào cũng có phòng quản trị rủi ro chuyên biệt.
Khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2008 và tác động rõ nét đến kết quả sản xuất kinh doanh của DN Việt Nam từ năm 2010. Bởi vậy, khoảng thời gian 2010- 2014 được lựa chọn để nghiên cứu. Ngoài ra, năm 2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 210/BTC-2009 yêu cầu các DN phải báo cáo công cụ tài chính để QTRRTC trong báo cáo tài chính hàng năm. Khoảng thời gian 2010 -2014 cũng là khoảng thời gian cho phép nhìn lại tình hình QTRRTC của DN sau khi có chỉ đạo của cơ quan Nhà nước.
5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nhằm phục vụ mục tiêu nghiên cứu và trả lời cho các câu hỏi nghiên cứu, luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
Phương pháp thu thập số liệu:
+ Phương pháp nghiên cứu tại bàn: phân tích, tổng hợp các số liệu lịch sử nhằm đánh giá rủi ro tài chính của DN niêm yết.
+Phương pháp điều tra, khảo sát: Tiến hành khảo sát các DN phi tài chính niêm yết về thực trạng QTRRTC trong DN Việt Nam.
+ Phương pháp chuyên gia: tổ chức seminar lấy kiến các chuyên gia vềbảng hỏi; thu thập ý kiến các chuyên gia về quản trị rủi ro/ QTRRTC được đăng tải trên các trang web.
Phương pháp xử lý số liệu:
+ Các thông tin được thống kê và tính toán trong exel.
+ Để đánh giá tác động của QTRRTC tới giá trị DN, tác giả sử dụng phần mềm Eview với phương pháp SUR (Seemingly Unrelated Regression).
6. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN
Nghiên cứu góp phần làm rõ những vấn đề lý luận gắn liền với QTRRTC tại các DN Việt Nam hiện nay.
Về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu có ý nghĩa như một bước tổng kết sau 5 năm cơ quan quản lý Nhà nước ban hành Thông tư 210/2009 TT-BTC về QTRRTC, giúp cơ quan quản lý Nhà nước nhìn rõ hơn tình hình QTRRTC ở các DN phi tài chính Việt Nam, từ đó có các giải pháp tăng cường thích hợp.
Kết quả nghiên cứu sẽ giúp các DN:
– Nhận thức rõ hơn về các mối nguy cơ xảy ra rủi ro tài chính, hiểu được lợi ích của QTRRTC; từ đó tích cực sử dụng các biện pháp và công cụ để phòng ngừa rủi ro tài chính.
– Giảm thiểu những mất mát không trong dự tính nhưng ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh của DN.
- Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững của DN Việt Nam trong quá trình mở cửa, hội nhập.
7. ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
Thứ nhất, ở góc độ lý thuyết, luận án đã hệ thống hoá đầy đủ và chi tiết vềrủi ro tài chính và QTRRTC. Cụ thể, dựa trên tổng quan các công trình nghiên cứu trước và bổ sung của tác giả, luận án đã đưa ra các khái niệm về rủi ro tài chính, QTRRTC, cách phân loại rủi ro tài chính. Luận án cũng đã đưa ra các chỉ tiêu về nhận diện, đo lường, đánh giá tác động của rủi ro tài chính.
Thứ hai, kết quả khảo sát qua bảng hỏi đã chỉ ra những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong công tác QTRRTC tại các DN phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.
Thứ ba, luận án đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa QTRRTC và giá trị của DN niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2010-2014. Kết quả cho thấy, hiệu quả của QTRRTC chưa đồng đều giữa các ngành. Trong các ngành được nghiên cứu, duy nhất ngành công nghiệp là QTRRTC có tác động dương tới giá trị DN.
Cuối cùng, luận án đã đưa ra những đề xuất, gợi ý hữu ích gắn liền với kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho các DN phi tài chính Việt Nam trong việc ra quyết định liên quan đến QTRRTC.
8. KẾT CẤU CỦA LUẬN ÁN
Ngoài phần mở đầu, các danh mục, kết luận chung và phụ lục, luận án được trình bày với các nội dung chính như sau:
Chương 1: Cơ sở lý luận về Rủi ro tài chính và Quản trị rủi ro tài chính
Chương 2: Khảo sát thực trạng Quản trị rủi ro tài chính tại các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam
Chương 3. Giải pháp tăng cường Quản trị rủi ro tài chính ở các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam.