LA08.050_Quản trị nhân sự nước ngoài trong các công ty đa quốc gia tại Việt Nam
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Luận án là một nghiên cứu về quản trị và được xác định là nghiên cứu với mục đích phát hiện vì hướng đến mục tiêu làm sáng tỏ vấn đề nghiên cứu, cụ thể để xác định được hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài trong các công ty ĐQG tại Việt Nam đang được thực hiện và diễn ra như thế nào. Từ đó sẽ đưa ra được những đánh giá và đề xuất về cách thức quản trị nhân sự nước ngoài có giá trị tham khảo và vận dụng đối với các công ty ĐQG và các công ty của Việt Nam đang và có kế hoạch sử dụng nhân sự nước ngoài trong quá trình hội nhập kinh doanh quốc tế.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Luận án bao gồm nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm, trong đó lý thuyết sẽ cung cấp cơ sở nền tảng liên quan đến quản trị nhân sự trong công ty đa quốc gia và quản trị nhân sự nước ngoài, làm cơ sở để xây dựng các câu hỏi phỏng vấn trong nghiên cứu thực nghiệm. Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, luận án cần giải quyết những nhiệm vụ sau đây:
- Nghiên cứu vấn đề lý luận quản trị nhân sự và quản trị nhân sự nước ngoài trong công ty ĐQG
- Nghiên cứu hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài trong công ty đa quốc gia tại Việt Nam.
- Đánh giá hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài trong công ty đa quốc gia tại Việt Nam.
- Đề xuất về cách thức quản trị nhân sự nước ngoài trong các công ty đa quốc gia và vận dụng đối với các công ty của Việt Nam.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu:
Căn cứ vào mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu, luận án xác định đối tượng nghiên cứu bao gồm đối tượng cụ thể như sau: Hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài trong các công ty đa quốc gia tại Việt Nam, trong đó đối tượng nghiên cứu là hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài và khách thể nghiên cứu là các công ty đa quốc gia tại Việt Nam (cụ thể là các công ty đa quốc gia thuộc các quốc gia châu Á và các công ty đa quốc gia thuộc các quốc gia phương tây)
4.2. Phạm vi nghiên cứu:
Về mặt nội dung: Nội dung nghiên cứu của luận án là hoạt động quản trị trong các công ty ĐQG của Việt Nam, bao gồm các hoạt động quản trị nhân sự: (1) sắp xếp nhân sự, (2) đào tạo và phát triển nghề nghiệp, (3) chế độ đãi ngộ và khuyến khích, (4) các hoạt động duy trì, hỗ trợ.
Thuật ngữ “nhân sự nước ngoài” được sử dụng với nội hàm là những nhân người nước ngoài ở các vị trí quản lý hay nhân sự cao cấp đang làm việc tại các công ty đa quốc gia tại Việt Nam ở các vị trí Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, các giám đốc bộ phận, và các nhân sự cao cấp khác không giữ vị trí quản lý nhưng là những chuyên viên, kỹ sư cao cấp, không bao gồm công nhân hay lao động chân tay.
Thuật ngữ “công ty đa quốc gia” được sử dụng với nội hàm là những công ty có hoạt động kinh doanh ở ít nhất nhất từ hai quốc gia nước ngoài trở lên.
Về thời gian thực hiện nghiên cứu : Nghiên cứu được thực hiện trong 6 năm từ tháng 10 năm 2012 đến tháng 10 năm 2017, bao gồm cả nghiên cứu lý thuyết và điều tra phỏng vấn. Phỏng vấn, thu thập và xử lý dữ liệu được thực hiện trong 1,5 năm. Do đối tượng nghiên cứu của luận án tiếp cận đối tượng nhân sự quản lý đang giữ các vị trí quản lý tại các công ty ĐQG ở Việt Nam, các công ty đa quốc gia tại, và các nhân sự người nước ngoài khác đang làm việc trong các công ty đa quốc gia và các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam nên thời gian để tiếp cận đối tượng và triển khai điều tra cần nhiều hơn so với dự định ban đầu.
Về mặt không gian: Luận án nghiên cứu đối tượng là các chi nhánh/công ty con của các công ty ĐQG của Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản Singapore, Trung Quốc và các công ty ĐQG phương tây thuộc một số quốc gia Vương Quốc Anh, Đức, Hoa Kỳ, Pháp, Thuỵ Điển và Úc đang hoạt động tại Việt Nam ở các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Lý do lựa chọn các công ty và các quốc gia nghiên cứu được trình bày cụ thể ở phần lựa chọn mẫu nghiên cứu ở chương 2.
5. Phương pháp nghiên cứu
Khi tiến hành nghiên cứu luận án, tác giả sử dụng kết hợp các phương pháp phổ biến trong nghiên cứu kinh tế như:
Phương pháp tổng hợp, phân tích, đối chiếu và so sánh. Phương pháp này được sử dụng ở tất cả các chương của luận án, tổng hợp, phân tích, đối chiếu và so sánh cơ sở lý thuyết, dữ liệu nghiên cứu, kết quả thực nghiệm liên quan đến quản trị nhân trong các công ty ĐQG, các hoạt động thu hút và QTNS nước ngoài.
Phương pháp nghiên cứu định tính, sử dụng chiến lược điều tra thông qua phương pháp phỏng vấn sâu chuyên gia dựa trên những câu hỏi bán cấu trúc (semi-structured interviews). Lý do cho việc lựa chọn phương pháp nghiên cứu này là do phương pháp này phù hợp để khai thác, tiếp cận những thông tin sâu liên quan đến nhiều khía cạnh trong tuyển dụng và quản trị nhân sự người nước ngoài ở tại cả trụ sở công ty mẹ và ở chi nhánh tại Việt Nam, những thông tin sâu này sẽ khó điều tra được nếu sử dụng phương pháp định lượng. Dữ liệu sử dụng trong các phân tích bao gồm cả dữ liệu sơ cấp và dữ liệu thứ cấp.
Nội dung chi tiết về phương pháp thu thập dữ liệu, quá trình lựa chọn các phương pháp lựa chọn mẫu, thiết kế câu hỏi gợi ý phỏng vấn, phương pháp xử lý dữ liệu sẽ được trình bày cụ thể tại chương 2 – thiết kế nghiên cứu.
6. Câu hỏi nghiên cứu của luận án:
Câu hỏi nghiên cứu chính của luận án như sau:
- Hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài được thực hiện thế nào tại các công ty ĐQG tại Việt Nam?
Câu hỏi nghiên cứu ban đầu, dựa trên những phân tích về cơ sở lý thuyết, cần được mở rộng để nghiên cứu những vấn đề về chiến lược quản trị trong công ty ĐQG dựa trên mối quan hệ liên quan giữa các yếu tố thu hút và quản trị, để xác định cụ thể và đầy đủ hơn những dữ liệu nghiên cứu cần thu thập.
Trọng tâm của nghiên cứu là phát hiện những chiến lược quản trị nhân sự nước ngoài trong các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại thị trường Việt Nam. Như vậy các câu hỏi nghiên cứu sẽ phải trả lời được thực trạng về mối quan hệ giữa công ty mẹ và các chi nhánh tại Việt Nam để xác định được các hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài tại các công ty tại Việt Nam và có thể được mở rộng thành những câu hỏi nghiên cứu cụ thể hơn như sau:
- Hoạt động quản trị nhân sự trong công ty ĐQG bao gồm những nội dung gì?
- Mối quan hệ giữa công ty ĐQG mẹ và chi nhánh tại Việt Nam thể hiện ở mức độ nào?
- Yếu tố nào tác động đến quản trị nhân sự nước ngoài trong các công ty ĐQG?
- Định hướng sử dụng nhân sự nước ngoài trong các công ty ĐQG tại Việt Nam?
- Hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài được thực hiện cụ thể thế nào thông qua tuyển dụng và sắp xếp nhân sự?
- Hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài được thực hiện cụ thể thế nào thông qua đào tạo và phát triển nghề nghiệp?
- Hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài được thực hiện cụ thể thế nào thông chế độ đãi ngộ và khuyến khích?
- Hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài được thực hiện thế nào thông qua hoạt động duy trì và hỗ trợ?
7. Quy trình thực hiện nghiên cứu
Quy trình nghiên cứu của luận án được thực hiện theo quy trình sau:
- Xác định vấn đề nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu chính
- Tìm hiểu và thu thập những nghiên cứu liên quan và phân tích tổng quan tình hình nghiên cứu để xác định khoảng trống nghiên cứu
- Nghiên cứu cơ sở lý thuyết, xây dựng khung lý thuyết và cụ thể hóa câu hỏi nghiên cứu
- Xác định chiến lược và phương pháp nghiên cứu
- Lựa chọn phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu
- Trình bày kết quả nghiên cứu và đề xuất
8. Đóng góp mới của luận án
- Về lý luận
Thứ nhất, luận án đã hệ thống hóa được cơ sở lý luận về quản trị nhân sự và quản trị nhân sự trong các công ty đa quốc gia như: nhân sự trong công ty đa quốc gia; Các nhân tố ảnh hưởng đến quản trị nhân sự trong các công ty đa quốc gia; Các nội dung liên quan đến quản trị nhân sự nước ngoài trong công ty đa quốc gia.
Thứ hai, luận án đã khái quát được khung lý thuyết để làm cơ sở nghiên cứu về các hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài trong các công ty ĐQG tại Việt Nam. Khung lý thuyết được khái quát dựa trên những phân tích, chọn lọc từ cơ sở lý luận về các hoạt động quản trị nhân sự trong các công ty ĐQG, và là cơ sở để mở rộng câu hỏi nghiên cứu chính thành những câu hỏi nghiên cứu chi tiết để tiến hành nghiên cứu thực nghiệm về hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài.
- Về thực tiễn
Thứ nhất, luận án khái quát được thực trạng hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài trong các công ty ĐQG tại Việt Nam dựa trên kết quả nghiên cứu thực nghiệm về hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài trong các công ty ĐQG đến từ các quốc gia châu Á và phương tây.
Thứ hai, luận án xác định được đặc trưng của đối tượng nhân sự nước ngoài đang làm việc tại các công ty ĐQG tại Việt Nam; mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty tại Việt Nam; các đặc trưng, sự tương đồng và khác biệt trong các hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài của các công ty thuộc nhóm các công ty châu Á và các công ty phương tây trong các hoạt động: sắp xếp nhân sự, đào tạo và phát triển, chế độ đãi ngộ và các hoạt động duy trì, hỗ trợ.
Thứ ba, luận án phân tích được một số yếu tố môi trường tác động đến hoạt động quản trị nhân sự trong các công ty ĐQG tại Việt Nam, trong đó các yếu tố về môi trường kinh tế, văn hóa và chính trị của quốc gia được cho là có ảnh hưởng nhiều hơn cả.
Thứ tư, luận án đã đưa ra được những đánh giá về thực trạng hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài trong công ty đa quốc gia và bối cảnh hội nhập kinh tế của Việt Nam, các tồn tại và nguyên nhân của tồn tại trong hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài, từ đó đề xuất được các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị nhân sự nước ngoài có giá trị tham khảo và áp dụng không chỉ cho các công ty ĐQG tại Việt Nam mà còn có ý nghĩa tham khảo và áp dụng đối với các công ty của Việt Nam trong quá trình tham gia hội nhập kinh doanh quốc tế.
9. Kết cấu luận án
Luận án là công trình nghiên cứu vừa mang tính lý luận và thực tiễn, ngoài danh mục bảng, hình, tài liệu tham khảo, phụ lục, phần mở đầu và kết luận, nội dung chính của luận án bao gồm 4 chương.
Chương 1: Cơ sở lý thuyết về quản trị nhân sự và quản trị nhân sự nước ngoài trong công ty đa quốc gia.
Chương 2: Thiết kế nghiên cứu thực nghiệm về hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài trong công ty đa quốc gia tại Việt Nam
Chương 3: Kết quả nghiên cứu thực nghiệm về hoạt động quản trị nhân sự nước ngoài trong các công ty đa quốc gia tại Việt Nam.
Chương 4: Đề xuất nâng cao hiệu quả quản trị nhân sự nước ngoài trong các công ty đa quốc gia và vận dụng cho các công ty của Việt Nam.