LA17.027_Quản lý phát triển trung tâm học tập cộng đồng theo định hướng xã hội học tập
1. Lí do chọn đề tài
Trung tâm học tập cộng đồng ra đời và phát triển bắt đầu ở Nhật Bản, những thập niên gần đây đã phát triển ở Việt Nam, Thái Lan và các nước khác. Các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã đề cập đến phương diện lý luận và thực tiễn nhằm nêu ra sự cần thiết phải tiếp tục quản lý phát triển các TTHTCĐ. Để các TTHTCĐ ở nước ta tiếp tục phát triển bền vững, cũng cần quan tâm nghiên cứu làm sâu sắc hơn về mặt lý luận như: Sứ mạng, vị trí, vai trò của TTHTCĐ trong việc xây dựng XHHT và phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới. Khoảng 10 năm gần đây thuật ngữ XHHT thường được nhắc đến nhiều trong giáo dục và xã hội ở nước ta. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2005 – 2010 [21]; giai đoạn 2012 – 2020 [119]. Một số tiêu chí cơ bản về XHHT cũng đã được đề cập, như: i) “tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục, học suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp, mọi trình độ”; ii) “huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục”; iii) “mọi người, mọi tổ chức đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc học tập và tham gia tích cực xây dựng XHHT”. Dựa trên các tiêu chí cơ bản này về mặt lý luận cũng đang đòi hỏi phát triển thành tiêu chí cụ thể để có thể đánh giá quản lý phát triển TTHTCĐ góp phần xây dựng XHHT. Việc xây dựng một XHHT về lý luận và thực tiễn cần dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết, liên thông cả hai bộ phận cấu thành: giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên của hệ thống giáo dục quốc dân. Trung tâm học tập cộng đồng nằm trong thiết chế giáo dục không chính quy (giáo dục thường xuyên hay giáo dục tiếp tục). TTHTCĐ là mô hình (cơ sở) giáo dục của cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng. TTHTCĐ sẽ có chức năng, vai trò, vị trí quan trọng như thế nào đối với việc xây dựng XHHT cũng cần được hệ thống hóa và làm rõ thêm về mặt lý luận nhất là quản lý phát triển TTHTCĐ theo định hướng XHHT.
Cấu trúc tổng quát của nền giáo dục trong XHHT là một hệ thống các thiết chế giáo dục. Những thiết chế này được chia thành hai loại hình: Loại hình giáo dục chính quy và loại hình giáo dục không chính quy (Formal Education and Non-formal Education). Hệ thống giáo dục không chính quy rất đa dạng về các loại hình trường lớp và các thiết chế có chức năng giáo dục như trường lớp bổ túc văn hoá, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật tư nhân, các lớp học nghề gắn với cơ sở sản xuất, các lớp dạy nghề tư nhân, nhà văn hoá, câu lạc bộ, bưu điện văn hoá xã v.v… Trong các loại hình cơ sở giáo dục KCQ thì TTHTCĐ đóng vai trò nòng cốt, hạt nhân của phong trào xây dựng XHHT ở cơ sở. Vị trí, vai trò của các TTHTCĐ cần nhấn mạnh: Trung tâm học tập cộng đồng là cơ sở giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân, là trung tâm học tập tự chủ của cộng đồng cấp xã, có sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời phải phát huy được sự tham gia, đóng góp của nhân dân trong cộng đồng dân cư để xây dựng và phát triển các trung tâm theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục là chủ trương lớn của Đảng, Nhà Nước, điều này được thể hiện qua Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh XHHGD, y tế, văn hóa, thể dục thể thao [20]. Sau 10 năm năm thực hiện Nghị quyết nói trên và Đề án xây dựng cả nước trở thành một XHHT của Thủ tướng Chính phủ, phong trào xây dựng cả nước thành XHHT và hình thành các TTHTCĐ đã có những bước phát triển trên bề rộng và cũng đã đến lúc cần nghiên cứu đánh giá để từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Giáo dục – Đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước, của toàn dân, do dân và vì dân; đảm bảo công bằng về cơ hội học tập cho mọi người. Hội nghị TW lần 6 khóa IX, trong phương hướng phát triển GD&ĐT đến năm 2010 [42] đã nêu: “Phát triển các hình thức học tập cộng đồng ở các xã, phường gắn với nhu cầu thực tế của đời sống kinh tế – xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể HTSĐ, hướng tới XHHT”. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng CSVN [37] đã chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách xã hội hóa giáo dục, đào tạo trên cả ba phương diện: động viên các nguồn lực trong xã hội; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng; khuyến khích các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, tạo điều kiện để người dân được HTSĐ”. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nhấn mạnh mục tiêu của giáo dục nước ta là: “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu, phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng XHHT”. Muốn thực hiện phương hướng trên, một trong những giải pháp hữu hiệu là thông qua các TTHTCĐ để tạo cơ hội cho người dân học tập để tự nâng cao kiến thức và kĩ năng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.
Việc ban hành nhiều nghị quyết, quyết định như đã nêu cho thấy vấn đề xây dựng XHHT ở cơ sở thông qua việc mở rộng và phát triển các TTHTCĐ là một chủ trương mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước. Việc mở rộng và quản lý phát triển các TTHTCĐ nói trên đã đặt ra cho chính quyền các địa phương, giám đốc TTHTCĐ rất nhiều vấn đề mới cần phải giải quyết. Do đó để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung lý luận, vận dụng lý luận vào thực tiễn để mở rộng mạng lưới và quản lý phát triển các TTHTCĐ cấp xã là việc làm cần thiết. Hiện nay tại Việt Nam chưa có công trình nào nghiên cứu thật sâu sắc, toàn diện về vấn đề này. Với mong muốn góp phần giải quyết một số vấn đề đã nêu trên, NCS chọn: “Quản lý phát triển trung tâm học tập cộng đồng theo định hƣớng xã hội học tập” nghiên cứu trường hợp điển hình tại Thái Bình làm đề tài nghiên cứu cho luận án Tiến sĩ của mình