LA17.037_Quản lý phát triển các trường cao đẳng nghề nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
1. Lý do lựa chọn đề tài
Một nền kinh tế muốn phát triển cần có các nguồn lực về: vốn, khoa học công nghệ, tài nguyên và nguồn nhân lực; muốn tăng trưởng nhanh và bền vững cần dựa vào ba yếu tố cơ bản là áp dụng công nghệ mới, phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Kinh nghiệm cho thấy, gắn chặt chính sách điều hành vĩ mô với chiến lược phát triển nguồn nhân lực đã mang lại thành công ở nhiều quốc gia. Có thể nói toàn bộ bí quyết thành công của một quốc gia xét cho cùng, đều nằm trong chiến lược đào tạo và phát triển nguồn lực con người. Nước ta đang tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đang là một vấn đề cấp thiết vì nguồn nhân lực là động lực của phát triển kinh tế – xã hội, là chìa khoá tạo ra các nỗ lực để giải quyết các vấn đề khó khăn như hiệu quả, công bằng, ổn định và tăng trưởng. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển 2011) được thông qua tại Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế…”.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (VKTTĐMT) là một trong bốn Vùng kinh tế trọng điểm quốc gia (VKTTĐ), bao gồm 05 đơn vị hành chính: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Toàn Vùng có 04 khu kinh tế cùng với chuỗi 24 khu công nghiệp, hệ thống kho bãi quốc gia và quốc tế gắn với hệ thống cảng biển và các đầu mối giao thông liên vùng, xuyên quốc gia. Đây là vùng kinh tế theo cơ cấu kinh tế mở, sẽ phát triển ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển gắn với phát triển nhanh công nghiệp và dịch vụ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển KT-XH của các tỉnh lân cận trong Vùng [55]. Về đào tạo và cung ứng nhân lực cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã đầu tư phát triển các trường đại học ở Huế, Đà Nẵng và Quy Nhơn thành các cơ sở đào tạo (CSĐT) đa ngành, là trung tâm nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ cho sự phát triển KT-XH của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Các CSĐT này đã từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ đại học trong Vùng. Tuy nhiên, về phát triển nhân lực thông qua dạy nghề đang gặp phải nhiều bất cập lớn trong việc đáp ứng nhu cầu lao động trong thực tế: quy mô và chất lượng dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu đa dạng của xã hội; tình trạng thừa lao động phổ thông nhưng lại thiếu trầm trọng lao động có kỹ năng nghề; số lao động làm việc không theo đúng chuyên ngành đào tạo cũng không ít; một bộ phận lớn người dân chưa được dạy nghề để chuyển đổi nghề nghiệp… Nếu không có giải pháp quản lý hữu hiệu, nhân lực không đáp ứng được yêu cầu trước mắt cũng như những năm tới, đây sẽ là một trong những rào cản lớn cho sự phát triển của VKTTĐMT [2].
Trường cao đẳng nghề là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, được hình thành từ năm 2007, thực hiện tổ chức đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất/dịch vụ ở các trình độ cao đẳng nghề (CĐN), trung cấp nghề (TCN) và sơ cấp nghề (SCN). Các Trường CĐN ở VKTTĐMT thời gian qua đã có những đóng góp trong đào tạo và cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp, nhưng so với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của VKTTĐMT thì vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước khó có thể cùng một lúc nâng cao chất lượng toàn bộ hệ thống dạy nghề mà cần có sự phân tầng chất lượng để một mặt vẫn đảm bảo được dạy nghề ở hệ TCN và SCN cho số đông người dân và mặt khác ưu tiên phát triển các Trường CĐN để đào tạo nhân lực trình độ CĐN để đảm bảo tỷ lệ đào tạo nghề giữa các cấp trình độ phù hợp với yêu cầu của nhân lực của Vùng và nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần nâng cao thu nhập,
giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân. Từ thực tế trên đây, tác giả đã lựa chọn vấn đề nghiên cứu “Quản lý phát triển các trường cao đẳng nghề nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” làm đề tài luận án tiến sĩ