LA18.003_Quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Luận án có mục đích nghiên cứu là những cơ sở lý luận quản lý nhà nước (QLNN) về phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học; nghiên cứu thực trạng thực hiện những nội dung QLNN về phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam qua đó luận án đề xuất một số giải pháp quản lý nhằm hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xã hội trong giai đoạn hiện nay.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Luận án có các nhiệm vụ nghiên cứu sau:
Thứ nhất, nghiên cứu tổng quan những tài liệu, dữ liệu, số liệu thống kê, những công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, các bài viết trên các tạp chí chuyên ngành có liên quan đến đề tài luận án. Trên cơ sở đó, rút ra những nhận xét, đánh giá về những kết quả đạt được, những khía cạnh chưa được nghiên cứu sâu của các học giả đi trước, kế thừa những giá trị tích cực của các công trình nghiên cứu trước và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu thêm.
Thứ hai, nghiên cứu và hệ thống hóa những cơ sở lý luận về quản lý nhà nước về phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học gồm: những khái niệm cơ bản có liên quan đến đềtài; phân tích tầm quan trọng, nội dung, nguyên tắc và những yếu tố tác động chủ yếu tới việc phát triển NNLN nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, nghiên cứu thực trạng về NNL nữ nghiên cứu khoa học; thực trạng quản lý phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học ở nước ta, qua đó đưa ra những đánh giá vềkết quả đạt được, những tồn tại hạn chế và chỉ ra những nguyên nhân của những tồn tại và hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về NNL nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.
Thứ tư, nghiên cứu những quan điểm của Đảng, chủ trương của nhà nước vềphát triển NNL nữ, qua đó, đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển NNLN nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.
3. Đối tượng nghiên cứu
Luận án có đối tượng nghiên cứu là thực trạng thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam (các biện pháp quản lý nhà nước nhằm phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học), qua đó đề xuất phương hướng hoàn thiện hệ thống những giải pháp quản lý nhà nước về phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
4. Phạm vi nghiên cứu
– Về nội dung: Luận án nghiên cứu các nội dung quản lý nhà nước về phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học.
– Về thời gian: Luận án tập trung nghiên cứu thực trạng quản lý nhà nước về phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học từ năm 2010 đến nay.
– Về không gian: Nghiên cứu phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học tại các cơ sở nghiên cứu khoa học công lậptrên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam.
Thực tiễn hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học ở nước ta khá đa dạng và phong phú ở nhiều cơ quan, tổ chức: các viện, cơ quan nghiên cứu của các Ban Đảng; các viện nghiên cứu thuộc Bộ, ngành; các trường đại học, cao đẳng; các viện nghiên cứu thuộc các cơ quan thuộc chính phủ; các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp; các cơ quan nghiên cứu ở địa phương; các tổ chức chính trị – xã hội…
6. Câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết khoa học của luận án
6.1. Câu hỏi nghiên cứu của luận án
Câu hỏi nghiên cứu chính của luận án là: Hoạt động quản lý nhà nước về phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay đang được thực hiện thế nào?
Cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam trong giai đoạn kế tiếp?
Câu hỏi nghiên cứu phụ: Những ưu điểm và hạn chế trong quản lý nhà nước về phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học hiện nay? Những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam?
6.2. Giả thuyết khoa học của luận án
Luận án có giả thuyết nghiên cứu là thực trạng hoạt động quản lý nhà nước trong việc phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đã đạt những kết quả nhất định, tuy nhiên còn những hạn chế; chất lượng NNL nữ nghiên cứu khoa học còn chưa cao, số lượng các nhà khoa học nữ đạt các giải thưởng sáng tạo trong nghiên cứu khoa học cấp nhà nước và quốc tế chưa nhiều, chất lượng NNL nữ chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, nếu nghiên cứu, tìm hiểu và chỉ ra được các nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong việc phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học thì sẽ xây dựng được một hệ thống các giải pháp quản lý nhà nước phù hợp khắc phục những tồn tại và hoàn thiện một số chính sách phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học thì sẽ có được đội ngũ các nhà khoa học nữ đông đảo về số lượng, mạnh về chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
7. Đóng góp mới của luận án
7.1. Về lý luận
Luận án sẽ góp phần làm sâu sắc hơn những cơ sở lý luận quản lý nhà nước về NNL nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Nghiên cứu và làm sáng tỏ nội hàm của quản lý nhà nước đối với phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học bao gồm: các khái niệm liên quan, chủ thể và đối tượng quản lý NNL nữ nghiên cứu khoa học; các nội dung quản lý nhà nước về NNL nữ nghiên cứu khoa học và những yếu tố ảnh hưởng đến quản lý phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay.
7.2. Về thực tiễn
Trên cơ sở nghiên cứu những tài liệu thứ cấp và thực tiễn tiến hành điều tra, khảo sát, phỏng vấn sâu các chuyên gia về thực trạng NNL nữ nghiên cứu khoa học, luận án sẽ cung cấp đầy đủ các số liệu, dữ liệu về tình hình đội ngũ cán bộ nữ NCKH ở Việt Nam. Những điểm mạnh và hạn chế của đội ngũ cán bộ nữ NCKH ở Việt Nam hiện nay.
Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ cung cấp cho độc giả, những nhà quản lý một bức tranh tổng quan tình hình quản lý nhà nước về phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học ở nước ta bao gồm những thực trạng thực hiện các nội dung quản lý, những kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế cũng như những nguyên nhân dẫn đến những kết quả đó trong QLNN về phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.
Dựa trên những cơ sở nghiên cứu lý luận và điều tra nghiên cứu thực tiễn; trên cơ sở nghiên cứu những quan điểm, tư tưởng của Đảng, định hướng phát triển NNL của nhà nước và những xu thế phát triển NNL xã hội quốc tế hiện nay, luận án đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả QLNN về phát triển NNL nữ, góp phần nâng cao chất lượng NNL của đất nước trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế tri thức ở Việt Nam.
8. Ý nghĩa của Luận án
Việc nghiên cứu thành công luận án sẽ làm rõ hơn lý luận và thực tiễn QLNN về phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam; trên cơ sở tổng hợp, hệ thống hóa các văn bản pháp luật về giới, nhân lực nghiên cứu khoa học, nhân lực nữ nghiên cứu khoa học để thấy được thực trạng những ưu điểm, hạn chế và bất cập, chỉ ra được nguyên nhân chủ quan và khách quan để đề xuất các giải pháp tăng cường QLNN về phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học. Luận án có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao hiệu quả QLNN về phát triển NNL nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng NNL xã hội phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Kết quả nghiên cứu của luận án có thể làm tài liệu tham khảo cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách để xây dựng và thực hiện chính sách phát triển NNL nghiên cứu khoa học nói chung và phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học nói riêng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Hệ thống lý luận và thực tiễn của luận án cũng có ý nghĩa thiết thực trong nghiên cứu giảng dạy chuyên đề QLNN về phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học tại Học Viện Hành chính Quốc gia.
9. Cấu trúc của Luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và các phụ lục, luận án được chia thành 4 chương:
Chương 1: Tổng quan về tình hình nghiên cứu liên quan đến luận án
Chương 2: Cơ sở khoa học QLNN về phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học
Chương 3: Thực trạng của QLNN về phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam
Chương 4: Quan điểm và giải pháp hoàn thiện QLNN về phát triển NNL nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam