LA18.005_Quản lý Nhà nước đối với khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1. Mục đích nghiên cứu của luận án
Mục đích cuối cùng của nghiên cứu trong luận án này là đề xuất những giải pháp có tính khả thi nhằm hoàn thiện hoạt động Quản lý Nhà nước đối với các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội theo hướng phát triển bền vững.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
– Tiếp tục hoàn thiện cơ sở khoa học về Quản lý Nhà nước đối với khu công nghiệp; xây dựng khung lý thuyết về phát triển bền vững các KCN và QLNN các khu công nghiệp theo hướng phát triển bền vững.
– Phân tích thực trạng, đánh giá thực trạng Quản lý Nhà nước đối với khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội theo các tiêu chí và nội dung của phát triển bền vững;
– Đề xuất những giải pháp và kiến nghị hoàn thiện công tác Quản lý Nhà nước đối với các khu công nghiệp, thúc đẩy các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội phát triển theo hướng bền vững.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là công tác Quản lý Nhà nước đối với các KCN trực thuộc cấp tỉnh, thành phố.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Về nội dung:
+ Đối tượng của Quản lý Nhà nước trong luận án cụ thể là:
Các khu công nghiệp, không bao gồm các hình thức đầu tư tập trung khác như khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao (KCNC), khu kinh tế (KKT) và cụm công nghiệp (CCN).
Luận án tập trung nghiên cứu các KCN đang hoạt động, không nghiên cứu các khu công nghiệp chưa thành lập hoặc chưa đi vào hoạt động mặc dù đã có trong quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ (TTCP) phê duyệt.
Luận án không đi sâu nghiên cứu hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN theo từng lĩnh vực, ngành nghề; mà giới hạn nghiên cứu trong quá trình hoạt động của các khu công nghiệp theo các tiêu chí phát triển bền vững: bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội và bền vững về môi trường.
+ Chủ thể Quản lý Nhà nước được nghiên cứu trong luận án: bao gồm 2 nhóm chủ thể cơ bản: (1) Chính phủ ở Trung ương, trọng tâm là Vụ quản lý các KKT thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; và (2) chính quyền thành phố, trong đó trung tâm là Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất (KCN&CX) Hà Nội.
+ Nội dung Quản lý Nhà nước đề cập trong luận án được chia thành 2 nhóm: (1) Quản lý theo chức năng bao gồm: Xây dựng bộ máy QLNN đối với KCN; Phân công, phân cấp trong Quản lý Nhà nước đối với KCN; Ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (dưới luật); Quy hoạch phát triển các KCN; Ban hành và thực thi chính sách phát triển KCN; Thanh kiểm tra hoạt động của các KCN; (2) Quản lý theo lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp bao gồm: Quản lý đầu tư; Quản lý xây dựng; Quản lý lao động; Quản lý xuất nhập khẩu và Quản lý môi trường. Đồng thời, luận án tập trung vào khía cạnh quản lý hành chính Nhà nước, theo đó, không nghiên cứu hoạt động QLNN trên giác độ lập pháp và tư pháp. Việc nghiên cứu hệ thống pháp luật trong luận án không phải đềcập đến chức năng ban hành luật pháp mà chỉ nhằm bổ sung cho nội dung thực thi pháp luật của chính quyền cấp dưới.


Xem thêm: Quản lý nhà nước là gì? Khái niệm quản lý nhà nước
– Phạm vi về thời gian:
+ Trong phần thực trạng, luận án thu thập số liệu và tư liệu trong giai đoạn 2008 đến 2017 vì 2 lý do sau: Thứ nhất, năm 2008, địa giới của Hà Nội được mở rộng do sát nhập tỉnh Hà Tây. Đây là một dấu mốc quan trọng trong công tác QLNN đối với các KCN bởi vì phạm vi của quản lý được mở rộng hơn cùng với sự thay đổi trong chủ thể và đối tượng của quản lý. Thứ hai, cũng trong năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2008 về KCN, KCX – một văn bản pháp lý cao nhất trong lĩnh vực này cho đến hiện tại, với nhiều điểm tiến bộ như phân cấp, phân quyền đã đánh dấu một bước ngoặt trong công tác QLNN đối với các KCN.
+ Phần đề xuất giải pháp, luận án lựa chọn tầm nhìn đến 2025.
– Về không gian:
Luận án nghiên cứu các Quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội và thuộc sự quản lý trực tiếp của Ban quản lý các KCN&CX Hà Nội.
5. Câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết khoa học
5.1. Giả thiết khoa học
Thực trạng hoạt động của các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội còn tồn tại nhiều hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu đề ra là tính hiệu quả, tính bền vững và là hạt nhân tạo ra liên kết vùng cho các tỉnh đồng bằng bắc bộ. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do công tác Quản lý Nhà nước đối với các khu công nghiệp trên địa bàn Tp. Hà Nội còn nhiều bất cập, thiếu các giải pháp hiệu quả, phù hợp với đặc thù của Hà Nội. Chính vì vậy, tác giả luận án đưa ra giả thiết là nếu nghiên cứu đề xuất được một hệ thống các giải pháp Quản lý Nhà nước khả thi, có tính thực tiễn cao, phù hợp với đặc thù của Thành phố sẽ có thể giúp nâng cao tính hiệu quả, tính bền vững của các khu công nghiệp ở Hà Nội và trở thành hạt nhân tạo liên kết vùng cho các tỉnh đồng bằng bắc bộ trong thời gian tới.
5.2. Câu hỏi nghiên cứu
Thứ nhất, Quản lý Nhà nước đối với khu công nghiệp gồm những nội dung gì? Tại sao cần phải có QLNN đối với các KCN trực thuộc tỉnh cấp tỉnh của các địa phương?
Thứ hai, Quản lý Nhà nước đối với khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả gì trong thời gian qua, hạn chế và nguyên nhân?
Thứ ba, Các tiêu chí đánh giá phát triển bền vững đối với khu công nghiệp trực thuộc tỉnh cấp tỉnh của các địa phương?
Thứ tư, Hệ thống các giải pháp vĩ mô (trong đó có giải pháp đặc thù) nhằm hoàn thiện hoạt động QLNN đối với KCN trên địa bàn thủ đô Hà Nội trong thời gian tới?
Thứ năm, Giải pháp hoàn thiện Quản lý Nhà nước đối với các khu công nghiệp, CX ở Hà Nội trong thời gian tới cần có những điều kiện và khuyến nghị gì để thực hiện thành công?
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1. Kết quả về mặt lý luận:
– Luận án hệ thống hóa và tiếp tục hoàn thiện những vấn đề về lý luận của QLNN đối với KCN, tiếp cận kết hợp 2 chiều quản lý: quản lý theo chức năng và quản lý theo lĩnh vực.
– Luận án làm rõ cơ sở lý luận về phát triển bền vững đối với các KCN; và các tiêu chí đánh giá phát triển bền vững trên 3 khía cạnh: bền vững vềkinh tế; bền vững về xã hội; bền vững về môi trường.
6.2. Kết quả về mặt thực tiễn:
– Trên cơ sở đánh giá thực trạng Quản lý Nhà nước đối với các khu công nghiệp ở thành phố Hà Nội, Luận án xây dựng được một hệ thống giải pháp mang tính khả thi nhằm hoàn thiện hoạt động QLNN đối với khu công nghiệp theo hướng phát triển bền vững tại thành phố Hà Nội nói riêng;
– Luận án là tài liệu có giá trị phục vụ cho công tác nghiên cứu cũng như cho các nhà quản lý khu công nghiệp trong các Ban quản lý khu công nghiệp. Luận án sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các chương trình đào tạo của các trường, Học viện vềQuản lý Nhà nước đối với ngành và lĩnh vực nói chung và QLNN đối với khu công nghiệp cấp tỉnh thuộc các địa phương ở Việt Nam nói riêng.
7. Những đóng góp mới của luận án
– Luận án đã phân tích để thấy được sự khác nhau căn bản giữa các hình thức đầu tư tập trung: KCN, KCX, KKT và CCN. Từ những so sánh đó, luận án chỉ ra mô hình khu công nghiệp phù hợp nhất với bối cảnh phát triển KT- XH và điều kiện tự nhiên hiện nay của Tp. Hà Nội. Trên cơ sở đó, luận án đã cho rằng cần phải nâng cấp các CCN hiện nay của thành phố lên thành các KCN với quy mô lớn hơn, có sự quản lý tập trung, đồng thời thu hút vốn để xây dựng các nhà máy xử lý nước thải của khu.
– Luận án đã xây dựng một hệ thống gồm 11 tiêu chí về phát triển bền vững cho khu công nghiệp trên 3 khía cạnh: bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội và bền vững về môi trường. Đồng thời, vận dụng hệ thống tiêu chí này vào đánh giá hiện trạng phát triển của các khu công nghiệp trên địa bàn Tp. Hà Nội. Từ đó, luận án chỉ ra rằng mặc dù các khu công nghiệp ở Hà Nội có sự phát triển tương đối ổn định trong những năm qua, song mức độ bền vững còn chưa tương xứng, đặc biệt về các vấn đề xã hội và môi trường.
– Luận án đã xây dựng một khung phân tích tương đối toàn diện vềQuản lý Nhà nước đối với các khu công nghiệp nhằm mục đích phát triển bền vững khu công nghiệp kết hợp giữa 2 chiều quản lý: quản lý theo chức năng (bộ máy QLNN, hệ thống pháp luật, công tác quy hoạch và chính sách, thanh kiểm tra) và quản lý theo lĩnh vực (đầu tư, xây dựng, xuất nhập khẩu, lao động và môi trường). Bám sát khung lý thuyết đó, luận án đã đánh giá và phân tích thực trạng của công tác QLNN đối với các KCN trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
– Trong hệ thống các giải pháp đưa ra, luận án đã có đóng góp mới khi đề xuất giải pháp xóa bỏ hình thức ủy quyền của các bộ, ngành cho Ban Quản lý KCN; thay vào đó chuyển sang cơ chế phân quyền, phân cấp cho Ban Quản lý KCN thực hiện các chức năng QLNN đối với hoạt động của doanh nghiệp trong KCN, nhằm thực hiện tốt cơ chế “một cửa – một dấu”, hạn chế tình trạng chồng chéo trong QLNN đối với lĩnh vực này như hiện nay. Ngoài ra, luận án đã mạnh dạn đề xuất kiến nghị với Quốc hội về việc ban hành Luật Quản lý KCN thay thế Nghị định hiện nay nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác QLNN và thống nhất chức năng quản lý cho các Ban Quản lý KCN trong cả nước.
9. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, các phụ lục, danh mục tài liệu tham khảo, luận án được chia thành 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu.
Chương 2: Cơ sở khoa học về Quản lý Nhà nước đối với khu công nghiệp.
Chương 3: Thực trạng Quản lý Nhà nước đối với khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chương 4: Phương hướng và giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước đối với KCN trên địa bàn thủ đô Hà Nội theo hướng bền vững