LA17.033_Quản lý nghiên cứu khoa học tại các cơ sở bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục
1. Lý do lựa chọn đề tài
Nghiên cứu khoa học (NCKH) ở các cơ sở giáo dục nói chung, tại cơ sở bồi dưỡng (CSBD) cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) nói riêng là một trong những nhiệm vụ cơ bản. Đối với các CSBD CBQLGD, nó không chỉ góp phần nâng cao chất lượng, uy tín của các CSBD CBQLGD, mà còn là quá trình không thể thiếu để huấn luyện cho các cán bộ quản lý đương chức và kế cận trong việc thực hiện sứ mệnh truyền bá, áp dụng, sản sinh tri thức, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, trong giáo dục ở nước ta, đây là lĩnh vực còn nhiều bức xúc do kết quả và chất lượng NCKH – khả năng áp dụng vào thực tiễn có nhiều bất cập trong quan hệ với việc đáp ứng yêu cầu phát triển của các cơ sở cũng như kinh tế, xã hội của đất nước.
Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là sự bất cập, hạn chế trong công tác quản lý. Chính vì thế mà trong các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020” và “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020” đều khẳng định: “…Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động…”. Trong bối cảnh chung của việc quản lý trong NCKH ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có nhận định về hạn chế trong NCKH tại các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện, Viện nghiên cứu và các CSBD CBQLGD trực thuộc Bộ trong 5 năm từ 2006 đến 2010, với nhiều nguyên nhân [14] như: Về nhân lực cho NCKH; Về cơ cấu tổ chức nhân sự trong NCKH; Về công tác quản lý; Về kinh phí, cơ sở vật chất và trang thiết bị cho NCKH; Về kết quả nghiên cứu (KQNC)… Qua việc đánh giá chung của Bộ GD&ĐT về các hạn chế, một điều rất rõ nét được thể hiện là: Công tác quản lý trong NCKH có nhiều hạn chế, liên quan đến sự công khai, minh bạch trong quá trình quản lý NCKH; Liên quan đến vai trò, trách nhiệm, tài năng và nghệ thuật của các chủ thể khi thực hiện chức năng quản lý của mình trong quá trình quản lý NCKH. Theo quy định, quản lý NCKH tại các CSBD CBQLGD gồm nhiều nội dung. Tuy nhiên, việc quản lý đề tài NCKH cấp cơ sở là một việc định kỳ hằng năm, tốn nhiều thời gian của các nhà quản lý tại các CSBD CBQLGD và là việc mà các CSBD CBQLGD có thể chi phối cũng như kiểm soát từ khi bắt đầu đến khi kết thúc quá trình nghiên cứu này.
Việc các KQNC của đề tài NCKH cấp cơ sở tại các CSBD CBQLGD ít được áp dụng vào thực tiễn, ngoài các lý do về vai trò, trách nhiệm của chủ thể quản lý và các chủ thể có liên quan, lý do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động, còn có lý do ở việc quản lý quá trình thực hiện. Cho đến nay, trong nỗ lực tìm lời giải cho quản lý NCKH tại các CSBD CBQLGD nhằm hướng tới nâng cao hiệu quả NCKH, đặc biệt là, các KQNC áp dụng được vào thực tiễn vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Để nâng cao hiệu quả NCKH, đặc biệt là, các KQNC của đề tài NCKH cấp cơ sở tại các CSBD CBQLGD áp dụng được vào thực tiễn, cần phải đưa ra các giải pháp theo hướng:
– Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ thể quản lý thông qua việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong NCKH.
– Hoàn thiện các quy trình cụ thể cũng như phát triển mối quan hệ giữa chủ thể quản lý với các chủ thể có liên quan trong quá trình thực hiện đề tài NCKH cấp cơ sở tại các CSBD CBQLGD.
Chính những lý do khách quan nói trên trong NCKH tại các CSBD CBQLGD cùng sự mong mỏi chủ quan, nghiên cứu sinh đã lựa chọn đề tài: “Quản lý nghiên cứu khoa học tại các cơ sở bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục“ với trọng tâm là quản lý đề tài NCKH cấp cơ sở làm đề tài luận án tiến sĩ nhằm góp phần đổi mới quản lý theo tinh thần: Công khai, minh bạch, đúng vai trò, trách nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả NCKH, đặc biệt là, các KQNC của đề tài NCKH cấp cơ sở tại các CSBD CBQLGD áp dụng được vào thực tiễn