LA17.065_Quản lý hoạt động ngoại khóa ở các trường sĩ quan quân đội theo hướng phát triển toàn diện người học
Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
* Mục đích nghiên cứu: Nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất các biện pháp quản lý hoạt động ngoại khóa ở các trường sĩ quan quân đội theo hướng phát triển toàn diện người học nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các trường sĩ quan quân đội hiện nay.
* Nhiệm vụ nghiên cứu: Luận giải những vấn đề lý luận cơ bản về hoạt động ngoại khóa, quản lý hoạt động ngoại khóa ở các trường sĩ quan quân đội theo hướng phát triển toàn diện người học. Khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động ngoại khóa và thực trạng quản lý hoạt động ngoại khóa ở các trường sĩ quan quân đội, chỉ rõ nguyên nhân của thực trạng. Đề xuất biện pháp quản lý hoạt động ngoại khóa ở các trường sĩ quan quân đội theo hướng phát triển toàn diện người học. Khảo nghiệm và thử nghiệm nhằm kiểm chứng tính cần thiết, tính khả thi của các biện pháp đã đề xuất.
3. Khách thể, đối tượng, phạm vi nghiên cứu và giả thuyết khoa học
* Khách thể nghiên cứu: Quản lý hoạt động giáo dục, đào tạo ở các trường sĩ quan quân đội.
* Đối tượng nghiên cứu: Quản lý hoạt động ngoại khóa ở các trường sĩ quan quân đội theo hướng phát triển toàn diện người học.
* Phạm vi nghiên cứu: Phạm vi nghiên cứu về nội dung, luận án tập trung nghiên cứu về quản lý hoạt động ngoại khóa ở các trường sĩ quan quân đội. Phạm vi về khách thể khảo sát, luận án chỉ tập trung các trường đào tạo sĩ quan cấp phân đội khu vực Hà Nội gồm: Trường Sĩ quan Chính trị, Trường Sĩ quan Lục quân 1, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Hậu cần. Phạm vi về thời gian, giới hạn từ năm 2013 đến nay.
* Giả thuyết khoa học: Quản lý hoạt động ngoại khóa ở các trường sĩ quan quân đội theo hướng phát triển toàn diện người học đòi hỏi phải kết hợp nhiều nội dung, hoạt động với phương thức tổ chức đa dạng khoa học; trong đó tổ chức hoạt động ngoại khóa là một trong những phương thức quan trọng, cần thiết để phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện cho học viên. Vì vậy, nếu vận dụng và tiến hành đồng bộ các biện pháp như: tăng tính kế hoạch trong quản lý, xây dựng quy trình tổ chức hoạt động ngoại khóa hợp lý, đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp hoạt động ngoại khóa… thì sẽ đảm bảo cho hoạt động ngoại khóa đạt được hiệu quả cao, góp phần phát triển toàn diện người học, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các trường sĩ quan quân đội hiện nay.
Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
* Phương pháp luận: Đề tài được nghiên cứu dựa trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương đổi mới giáo dục và quản lý giáo dục của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục ở các nhà trường đào tạo sĩ quan. Đồng thời vận dụng các quan điểm tiếp cận lịch sử và logic, hệ thống và cấu trúc, phát triển, thực tiễn và hoạt động… để tiếp cận vấn đề nghiên cứu.
* Phương pháp nghiên cứu: Đề tài sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu lý luận, thực tiễn và các phương pháp nghiên cứu bổ trợ cụ thể là: Các phương pháp nghiên cứu lý thuyết. Các phương pháp nghiên cứu thực tiễn: Phương pháp quan sát; phương pháp nghiên cứu sản phẩm hoạt động; phương pháp điều tra, khảo sát; phương pháp phỏng vấn sâu; phương pháp tổng kết kinh nghiệm; phương pháp thử nghiệm và các phương pháp hỗ trợ: Phương pháp xử lý số liệu bằng thống kê toán học; phương pháp chuyên gia
5. Những đóng góp mới của luận án
Bổ sung, làm rõ lý luận quản lý hoạt động ngoại khóa ở các trường sĩ quan quân đội theo hướng phát triển toàn diện người học. Coi đây là một nội dung quan trọng trong quản lý giáo dục ở nhà trường quân đội. Ở phương diện quản lý giáo dục, luận án tập trung nghiên cứu sâu về hoạt động ngoại khóa. Cách tiếp cận, xem xét, luận giải hoạt động ngoại khóa ở các trường sĩ quan quân đội gắn liền với đặc thù huấn luyện, giáo dục trong môi trường, điều kiện quân đội (mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo, quy trình đào tạo; điều lệnh, điều lệ, quy chế) tạo tiền đề cho việc tiếp cận giải quyết các nội dung tiếp theo của luận án. Đề xuất hệ thống biện pháp quản lý hoạt động ngoại khóa ở các trường sĩ quan quân đội theo hướng phát triển toàn diện người học.
6. Ý nghĩa lý luận, thực tiễn của luận án
Về mặt lý luận: Phát triển hệ thống lý luận về hoạt động ngoại khóa, quản lý hoạt động ngoại khóa ở các trường sĩ quan quân đội làm cơ sở cho việc đề xuất các biện pháp quản lý hoạt động ngoại khóa ở các trường sĩ quan quân đội theo hướng phát triển toàn diện người học, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý hoạt động ngoại khóa, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường sĩ quan quân đội.
Về mặt thực tiễn: Kết quả khảo sát, điều tra cung cấp những số liệu trung thực giúp các nhà trường nhận rõ, đánh giá đúng tình hình hoạt động ngoại khóa và quản lý hoạt động ngoại khóa của học viên hiện nay. Góp phần xây dựng quy chế, quy định hoạt động ngoại khóa cho học viên đào tạo ở các trường sĩ quan quân đội theo hướng phát triển toàn diện người học. Những biện pháp được đề xuất trong luận án là những gợi ý, giúp các nhà lãnh đạo, các cấp quản lý tham khảo áp dụng trong thực tiễn đào tạo ở nhà trường.
Kết cấu của luận án
Luận án được kết cấu gồm phần mở đầu; phần nội dung với 4 chương, 14 tiết; phần kết luận; danh mục các công trình khoa học đã công bố của tác giả có liên quan tới luận án; danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục.