LA17.066_Quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật hiện nay
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.2. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở nghiên cứu khái quát, làm rõ, phát triển về lý luận và thực tiễn của giáo dục giá trị sống và quản lý giáo dục giá trị sống, luận án đề xuất các biện pháp quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên nhằm làm cho hoạt động giáo dục giá trị sống có chất lượng và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các trường văn hóa nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong giai đoạn hiện nay.
2.1. Nhiệm vụ nghiên cứu
– Khái quát, làm rõ lý luận về giáo dục giá trị sống và quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật.
– Khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng giáo dục giá trị sống và quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật.
– Đề xuất các biện pháp quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật hiện nay.
– Khảo nghiệm sự cần thiết, tính khả thi của các biện pháp và thử nghiệm một biện pháp đã đề xuất.
3. Khách thể, đối tượng, phạm vi nghiên cứu và giả thuyết khoa học
3.1. Khách thể nghiên cứu
Quản lý giáo dục phẩm chất nhân cách cho sinh viên ở các trường văn hóa nghệ thuật hiện nay.
3.2. Đối tượng nghiên cứu
Quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên ở các trường văn hóa nghệ thuật hiện nay.
3.3. Phạm vi nghiên cứu
* Phạm vi về nội dung: Luận án tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn giá trị sống, giáo dục giá trị sống và quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên ở các trường văn hóa nghệ thuật với đối tượng học sinh, sinh viên đào tạo cao đẳng và đại học. Chủ thể quản lý chủ yếu tập trung vào vai trò của Hiệu trưởng, Giám đốc các trường và học viện. Đối tượng trung cấp và đào tạo năng khiếu (lấy từ học sinh cấp 2) không thuộc phạm vi nghiên cứu của luận án.
* Phạm vi khảo sát: Luận án tập trung khảo sát 120 cán bộ, giảng viên và 300 sinh viên của 03 trường: trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, trường Cao đẳng Múa Việt Nam, trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương; thời gian khảo sát từ tháng 01 năm 2015 đến tháng 8 năm 2016.
* Phạm vi thời gian: Các số liệu được sử dụng trong luận án từ 2012 đến nay.
3.4. Giả thuyết khoa học
Chất lượng, hiệu quả giáo dục giá trị sống cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quản lý. Nếu trong quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật, các chủ thể quản lý tiếp cận theo quan điểm phức hợp và thực hiện tốt các chức năng quản lý, từ việc chú trọng xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục giá trị sống trong kế hoạch đào tạo tổng thể của nhà trường; đổi mới cơ chế và cách thức quản lý giáo dục giá trị sống; chỉ đạo tích hợp giáo dục giá trị sống vào hoạt động giảng dạy và hoạt động rèn luyện nghề nghiệp cho sinh viên; tổ chức xây dựng môi trường sư phạm và đảm bảo các điều kiện cho giáo dục giá trị sống ở các trường văn hóa nghệ thuật và cuối cùng là thường xuyên kiểm tra, đánh giá hoạt động giáo dục giá trị sống cho sinh viên thì chất lượng giáo dục giá trị sống sẽ được nâng cao, các khâu các bước trong quản lý giá trị sống cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật ngày càng hiệu quả, thống nhất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các trường văn hóa nghệ thuật hiện nay.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp luận
Đề tài thực hiện trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về giáo dục, đào tạo. Đồng thời, tác giả tiếp cận vấn đề nghiên cứu theo quan điểm hệ thống – cấu trúc, quan điểm lịch sử – logic để tổng quan các công trình nghiên cứu và khái quát hóa, làm rõ những vấn đề lý luận về giá trị sống, giáo dục giá trị sống và quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên; quan điểm tiếp cận thực tiễn; quan điểm tiếp cận chức năng; quan điểm tiếp cận phức hợp: hoạt động – giá trị – nhân cách để làm rõ nội dung và đề xuất biện pháp quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật hiện nay.
4.2. Các phương pháp nghiên cứu
* Nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết
Sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp, hệ thống hoá, khái quát hoá để tổng quan, chọn lọc các quan điểm, lý luận, quan niệm khoa học có liên quan đến vấn đề nghiên cứu của đề tài. Đồng thời, khái quát, luận giải làm rõ cơ sở lý luận về quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật.
Sử dụng phương pháp so sánh các kết quả nghiên cứu của những công trình sách, tạp chí, luận án trong và ngoài nước liên quan đến đề tài; tổng hợp, khái quát hóa lý luận để xây dựng hệ thống khái niệm.
* Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn
Phương pháp quan sát
Tác giả luận án tổ chức quan sát cách thức tổ chức giáo dục giá trị sống và quản lý hoạt động giáo dục giá trị sống cho sinh viên nghệ thuật, ở một số trường như: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, Cao đẳng Múa Việt Nam, Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội để nắm bắt tình hình và kết quả đạt được của việc giáo dục giá trị sống và quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên. Trên cơ sở đó có thêm tư liệu phục vụ việc phân tích, tổng hợp, nhận định đối với vấn đề nghiên cứu.
Phương pháp phỏng vấn
Tọa đàm, phỏng vấn với giảng viên, cán bộ quản lý, sinh viên ở một số trường nghệ thuật trên địa bàn thành phố Hà Nội trên những nội dung có liên quan đến vấn đề nghiên cứu của đề tài.
Phương pháp điều tra
Tiến hành trưng cầu ý kiến bằng phiếu điều tra của 120 giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và 300 sinh viên ở trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, trường Cao đẳng Múa Việt Nam, trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương trên địa bàn thành phố Hà Nội, để tìm hiểu và khẳng định tính khách quan của một số nhận định cần thiết trong luận án.
Phương pháp nghiên cứu sản phẩm
Nghiên cứu báo cáo tổng kết năm học của một số trường về đánh giá chất lượng giáo dục, quản lý giáo dục nói chung, quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên nghệ thuật nói riêng; nghiên cứu sổ theo dõi tình hình rèn luyện của sinh viên ở một số lớp, một số khóa của các trường văn hóa nghệ thuật; kế hoạch quản lý giáo dục sinh viên của cán bộ nhà trường, cán bộ phụ trách chuyên ngành văn hóa nghệ thuật. Các kết quả họat động thực tiễn văn hóa-xã hội của sinh viên ở trong và ngoài nhà trường
Phương pháp tổng kết kinh nghiệm
Tổng kết kinh nghiệm thực tiễn về quản lý giáo dục nhân cách sinh viên ở các trường văn hóa nghệ thuật. Phân tích một số kinh nghiệm tiên tiến trong quản lý giáo dục giá trị sống ở một số trường nghệ thuật.
Phương pháp chuyên gia
Xin ý kiến chuyên gia: lấy ý kiến của một số nhà sư phạm, một số nhà khoa học giáo dục, quản lý giáo dục, đặc biệt là các chuyên gia phụ trách về nghệ thuật của các trường và đoàn nghệ thuật biểu diễn. Trên cơ sở đó, nghiên cứu sinh hoàn thiện những nội dung nghiên cứu của luận án.
Phương pháp khảo nghiệm và thử nghiệm
Tổ chức khảo nghiệm tính cần thiết và khả thi của các biện pháp đã đề xuất nhằm kiểm chứng tính đúng đắn và khả dụng của các biện pháp quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, nghiên cứu sinh tiến hành thử nghiệm một biện pháp quản lý đã đề xuất trong luận án.
* Nhóm phương pháp khác
Phương pháp toán thống kê: Sử dụng phương pháp toán học để tính toán, xử lý các số liệu nhằm phân tích, tổng hợp kết quả nghiên cứu, điều tra để bảo đảm tính khách quan của kết quả nghiên cứu.
Phương pháp sử dụng các phần mềm công nghệ thông tin: Sử dụng các phần mềm tin học, để tính toán các số liệu ở phần khảo nghiệm, thử nghiệm.
5. Những đóng góp mới của luận án
Luận án đã xây dựng được các khái niệm cơ bản, đưa ra các nội dung quản lý và chỉ rõ các yếu tố tác động đến quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật.
Phân tích, đánh giá thực trạng; chỉ rõ các nguyên nhân của thực trạng giáo dục giá trị sống, quản lý giáo dục giá trị sống và các yếu tố tác động đến quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật.
Luận án đề xuất được các biện pháp quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các trường văn hóa nghệ thuật.
6. Ý nghĩa lý luận, thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lý luận
Luận án góp phần hệ thống hóa, làm sáng tỏ, bổ sung và phát triển những vấn đề lý luận về giáo dục giá trị sống và quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật và vận dụng quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn của luận án
Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần cung cấp những luận cứ thực tiễn cho việc đề xuất biện pháp quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật và làm cơ sở đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo hiện nay.
Kết quả nghiên cứu của luận án là cơ sở cho các chủ thể quản lý ở các trường văn hóa nghệ thuật tham khảo để áp dụng vào quản lý giáo dục giá trị sống cho sinh viên nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các trường văn hóa nghệ thuật.
7. Kết cấu của luận án
Luận án có kết cấu gồm: Mở đầu, 5 chương (13 tiết), kết luận và kiến nghị, danh mục các công trình nghiên cứu đã được công bố của tác giả có liên quan đến đề tài luận án, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục.