LA17.038_Quản lý đào tạo dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông ở các trường đại học tư thục miền Trung Việt Nam
1. Lý do chọn đề tài
Thế kỷ XXI, với những biến đổi mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật và nền kinh tế tri thức. Xu thế toàn cầu hóa đã tạo môi trường phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và tạo ra sự cạnh tranh lớn giữa các quốc gia. Lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, GD&ĐT phải có những biến đổi phù hợp, kịp thời với xu thế phát triển của thời đại. Chất lượng GD&ĐT có ý nghĩa quyết định trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Nhận thức rõ vấn đề này, Đảng và Nhà nước ta luôn coi “Giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu” [89]. Vấn đề này đã được đưa ra trong nhiều văn kiện của Đảng, được thể chế hóa thành nhiều văn bản luật và dưới luật. Trong những năm qua, giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều bước phát triển về quy mô, hình thức, ngành nghề đào tạo và hợp tác quốc tế… Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Hiện nay, nâng cao chất lượng giáo dục đại học đang là bài toán cần giải quyết. Chính vì lý do này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020.
Quản lý trường đại học nhằm xây dựng chiến lược phát triển bao gồm: Mục tiêu, sứ mạng, tầm nhìn, kế hoạch tổng thể về phát triển nhà trường. Qua đó, quản lý nhân lực, vật lực, tài lực, thông tin để đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và cung ứng dịch vụ cho xã hội. Thành quả của những vấn đề này sẽ phụ thuộc nhiều vào chất lượng công tác QLGD, là khâu đột phá then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ở nhiều nước trên thế giới các hoạt động giáo dục hiện nay đang trong xu thế thực hiện cuộc cách mạng quản lý với công nghệ cao. Ở nước ta, cùng với sự đổi mới giáo dục đại học, hoạt động QLGD trong nhà trường hiện nay cần phải chuyển sang phương thức quản lý mới, trong đó không thể không nói đến vai trò đặc biệt quan trọng của CNTT&TT. Mô hình QLĐT ở trường đại học theo phương pháp truyền thống, thiếu công cụ, thiếu tính đồng bộ, làm cho quá trình thực hiện công tác quản lý chưa đáp ứng kịp thời với yêu cầu đề ra. Để khắc phục những nhược điểm này, cần phải thay đổi phương thức tổ chức QLĐT, nhằm xây dựng một nền giáo dục đại học tương thích với yêu cầu của xã hội trong kỷ nguyên kinh tế tri thức.
CNTT&TT là công cụ, phương tiện của quá trình thu thập thông tin, dữ liệu, thống kê số liệu và xử lý số liệu, giúp chúng ta đưa ra những quyết định quản lý có căn cứ khoa học, nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ đắc lực đổi mới công tác QLĐT, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. QLĐT dựa trên CNTT&TT có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của các trường đại học nói chung và các trường ĐHTT miền Trung nói riêng. Đưa CNTT&TT vào QLĐT là một trong những thay đổi cơ bản để nâng cao hiệu quả quản lý. Nhằm đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả của CNTT&TT cho các cơ quan trong hệ thống giáo dục, Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT đã có những chỉ thị cụ thể để phát triển hoạt động này:
– Chỉ thị 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT [5];
– Chỉ thị 55/2008/CT-BGDĐT ngày 30/9/2008 của Bộ GD&ĐT về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục [10];
Để từng bước đưa GD&ĐT nước nhà hội nhập quốc tế, cần phải có nhiều điểm nhấn quan trọng trong đổi mới QLGD, trong đó có sự đổi mới cả về nội dung, phương pháp cùng với phương tiện quản lý. Việc đưa CNTT&TT vào QLĐT ở các trường đại học Việt Nam là điều tất yếu. Tuy nhiên, với những đặc thù riêng của hoạt động CNTT&TT, việc áp đặt những giải pháp không phù hợp sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển giáo dục. Vì vậy, cần phải có những bước đi hợp lý trong việc đưa CNTT&TT vào QLĐT. Khu vực miền Trung có những nét đặc thù về phong tục tập quán, văn hóa, lịch sử, điều kiện tự nhiên và khí hậu so với cả nước. Trong giai đoạn gần đây, để tăng cường phát triển KT&XH, giáo dục cho đất nước nói chung, khu vực miền Trung nói riêng, Đảng và Nhà nước đã chủ trương xã hội hóa giáo dục. Với chủ trương phát triển này, tại khu vực miền Trung đã có một số trường ĐHTT được thành lập. Các trường ĐHTT nằm trong khu vực phần lớn ra đời sau so với các trường ĐHTT và trường đại học công lập ở khu vực miền Bắc và miền Nam nước ta. Các trường ĐHTT khu vực miền Trung là những trường đại học còn non trẻ, chưa đủ tiềm lực, còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý, đặc biệt là hạn chế trong hoạt động QLĐT dựa trên CNTT&TT. Là cán bộ công tác nhiều năm trong hệ thống trường đại học, gắn bó với môi trường giáo dục đại học, tôi luôn thấy được tầm quan trọng đặc biệt của CNTT&TT trong công tác QLĐT ở nhà trường. Vì vậy, tôi muốn được học hỏi, nghiên cứu sâu về khoa học QLGD, qua đó sẽ áp dụng khoa học này vào
công tác QLĐT dựa trên CNTT&TT.
Hiện nay, việc QLĐT dựa trên CNTT&TT ở các trường ĐHTT miền Trung Việt Nam đã được triển khai, nhưng phần lớn vẫn chưa triệt để và đồng bộ. Điều kiện và hoàn cảnh của các trường ĐHTT miền Trung đối với hoạt động này trong QLĐT còn nhiều điểm khiếm khuyết, chưa thúc đẩy được công tác QLĐT đạt được hiệu quả. Do vậy, việc tìm hiểu, đánh giá những ưu điểm, tồn tại ở một số khâu của hoạt động QLĐT dựa trên CNTT&TT ở các trường ĐHTT miền Trung Việt Nam, qua đó tìm ra những giải pháp phù hợp, triển khai quyết liệt để góp phần nâng cao hiệu quả QLĐT là việc làm hết sức cấp thiết. Xuất phát từ những lý do nêu trên, tác giả chọn đề tài “Quản lý đào tạo dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông ở các trường đại học tư thục miền Trung Việt Nam” làm nội dung nghiên cứu cho luận án