LA17.053_Quản lí đổi mới phương pháp dạy học ở trường trung học phổ thông thành phố Đà Nẵng
Đất nước ta đang bước vào giai đoạn công nghiệp hoá và hiện đại hoá với mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam về cơ bản trở thành nước công nghiệp, hội nhập vớicộng đồng quốc tế. Nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế là nguồn lực con người Việt Nam được phát triển về số lượng và chất lượng trên cơ sở mặt bằng dân trí được nâng cao. Trong bối cảnh đó, nền giáo dục Việt Nam cần đẩy mạnh tiến trình đổi mới để rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giáo dục giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 nêu rõ: “Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học; đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục, đào tạo. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành”.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 BCHTW Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế có nêu ra nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học”.
Trong hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục THPT có vị trí quan trọng góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Giáo dục THPT có mục tiêu hình thành cho học sinh học vấn phổ thông và những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học chuyên nghiệp, học đại học, học nghề hoặc đi vào đời sống; đào tạo nên những thanh niên khoẻ mạnh, có kiến thức,kỹ năng và động lực học tập suốt đời.
Trong quá trình đổi mới chương trình giáo dục trung học phổ thông, vai trò của các nhà quản lí giáo dục nói chung, của hiệu trưởng nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng. Đồng hành với sự đổi mới trên là sự phân cấp quản lí giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lí nhà trường đưa đến những thay đổi đáng kể về trách nhiệm của hiệu trưởng. Hiện nay, giáo dục THPT đang được đổi mới toàn diện từ mục tiêu, nội dung, chương trình đến kế hoạch và phương pháp dạy học để tạo nên sự liên thông và đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ với các bậc học khác. Do vậy, vấn đề nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với sự nghiệp phát triển giáo dục.
Để thực hiện đổi mới giáo dục trung học phổ thông cần xác định đổi mới giáo dục là chuyển từ nền giáo dục định hướng nội dung dạy học sang nền giáo dục định hướng phát triển năng lực của người học nhằm phát triển toàn diện nhân cách, đặc biệt là khả năng vận dụng, khả năng sáng tạo của học sinh. Phương pháp giáo dục trung học phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc trưng môn học, đặc điểm đối tượng học sinh, điều kiện của từng lớp học; bồi dưỡng cho học sinh phương pháp tự học, khả năng hợp tác; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú và trách nhiệm học tập cho học sinh. Do vậy quản lí hoạt động đổi mới phương pháp dạy học là khâu then chốt quyết định chất lượng dạy học, giáo dục trong tiến trình đổi mới giáo dục hiện nay.
Trong những năm qua, công tác quản lí đổi mới phương pháp dạy học của hiệu trưởng các trường trung học phổ thông ở thành phố Đà Nẵng đã có những kết quả đáng kể. Các trường trung học phổ thông đã có nhiều cố gắng vận dụng chuẩn kiến thức, kỹ năng vào giảng dạy, kiểm tra, đánh giá. Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn về chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học, kiểm
tra đánh giá đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên. Các trường THPT có nhiều điều kiện thuận lợi hơn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, công nghệ thông tin, động viên khen thưởng tạo thuận lợi cho giáo viên đầu tư cho việc đổi mới phương pháp dạy học. Tuy nhiên kết quả đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hoá hoạt động của học sinh trong tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Hiện nay, ở các trường THPT thành phố Đà Nẵng việc quản lí hoạt động đổi mới phương pháp dạy học còn hạn chế, công tác quản lí đội ngũ còn nhiều bất cập trong nội bộ nhà trường và giữa các trường với nhau, một bộ phận giáo viên chưa hoàn thành nhiệm vụ, chưa đầu tư nghiên cứu chuyên môn vững chắc, chưa tâm huyết với nghề nghiệp. Một bộ phận khác chủ yếu chỉ lo dạy thêm để tăng thu nhập,ít quan tâm đến chất lượng dạy học ở trường. Trong giảng dạy chưa thực sự đổi mới phương pháp, chưa thực sự giúp đỡ nhau trong chuyên môn, ý thức học tập đồng nghiệp và tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn chưa cao. Số giáo viên chủ động, sáng tạo sử dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động,sáng tạo của học sinh chưa nhiều, chưa thường xuyên làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy – học và chất lượng giáo dục toàn diện. Công tác quản lí, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra đôn đốc, đánh giá hoạt động đổi mới phương pháp dạy học còn nhiều bất cập, sơ sài, nặng thành tích, chưa đồng bộ giữa các tổ chuyên môn, giữa các trường với nhau. Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã chỉ rõ:“Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại”. Đặc biệt Chương trình hành động số 35-CTr/TU ngày 25/1/2014 của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) có nêu “Tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, đôn đốc, điều chỉnh việc khắc phục phương pháp dạy học theo kiểu “đọc – chép” và những biến tướng của việc “đọc – chép”, khắc phục
lối truyền thụ áp đặt một chiều; giảm thời gian lý thuyết, tăng thời gian thực hành; hướng dẫn phương pháp tự tìm hiểu, tự học cho học sinh, sinh viên; gắn nội dung lý thuyết với thực hành, đào tạo, khoa học với sản xuất và đời sống; tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin, các phương pháp dạy học tiên tiến; rèn luyện tư duy sáng tạo, chủ động tiếp thu kiến thức của người học; tích hợp cao ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp trên”.
Từ những vấn đề trên cho thấy cần tăng cường công tác quản lí của hiệu trưởng đối với hoạt động đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao năng lực đội ngũ, phát triển năng lực học tập của học sinh, qua đó sẽ nâng cao chất lượng dạy và học. Với những lí do trên, chúng tôi chọn đề tài “Quản lí đổi mới phương pháp dạy học ở trường trung học phổ thông thành phố Đà Nẵng” làm đề tài nghiên cứu.