ThS32.020_Quá trình chuẩn bị lực lượng và khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở tỉnh Cao Bằng 1941-1945
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Cao Bằng là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, trong suốt chiều dài của lịch sử nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu chống giặc ngoại xâm và chế độ phong kiến áp bức bóc lột. Trong những năm 20 của thế kỷ XX, khi được Nguyễn Ái Quốc đẩ y mạnh những hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, những thanh niên yêu nước của nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng, đi vào quần chúng, tuyên truyền giác ngộ, khơi dậy lòng yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Những mầm mống cách mạng được gieo cấy trên quê hương Cao Bằng gắn liền với tên tuổi và hoạt động của những con người ưu tú như Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Nọn…
Trong quá trình phát triển của lịch sử cũng đã chứng minh vị trí có tầm chiến lược quan trọng của Cao Bằng. Cuối thế kỷ VIII, viên tướng nhà Đường là Cao Biền đã đem quân tiến đánh Cao Bằng, xâm lược nước ta. Sau khi tổ chức nền thống trị, xây đắp thành Đại La (Hà Nội), y đã cho tăng cường phòng thủ biên giới. Tương truyền thành Na Lữ (Quảng Hoà, Cao Bằng) là do Cao Biền đời nhà Đường đắp để kìm kẹp nhân dân ta và chống lại sự tranh giành ảnh hưởng của các thế lực phong kiến phương Bắc [79, tr.396-397]. Sau này, nhà Mạc đã cho khôi phục lại thành này để chống quân Nam triều [59, tr.23].
Trong cuộc tiến công xâm lược nước ta của quân Tống (1076), Quảng Uyên (Cao Bằng) được coi là cổ họng của Giao Chỉ. Yên Đạt, một viên tướng nhà Tống đã đem quân đánh chiếm Quảng Uyên làm bàn đạp mở đường cho đại quân do Quách Quỳ chỉ huy theo ba đường nhằm tiến vào Thăng Long.
Không chỉ có phong kiến phương Bắc đánh giá cao địa bàn chiến lược của Cao Bằng và tìm cách chiếm lấy để làm bàn đạp tiến công mỗi khi xâm lược nước ta, mà cả các thế lực phong kiến đối lập nhau ở Việt Nam, trong cuộc tranh giành quyền lực cũng chiếm lấy Cao Bằng, dùng nơi đây để xây dựng lực lượng, cát cứ lâu dài.
Từ năm 1038, họ Nùng, trước hết là Nùng Tồn Phúc, sau là Nùng Trí Cao ở Cao Bằng đã khéo dựa vào vùng núi hiểm trở và thành Na Lữ ở Quảng Hòa làm căn cứ chống Tống và tự xưng vương lập nước, đối lập với chính quyền nhà Lý [1, tr.189].
Nhờ địa thế xung yếu, có tầm chiến lược cơ động, cho nên Cao Bằng trở thành mảnh đất dung thân của họ Mạc. Cao Bằng là tỉnh miền núi tiếp giáp với Trung Quốc, tạo ra những khả năng liên lạc quốc tế thuận lợi. Đường Quảng Uyên đi Thuỷ Khẩu, Long Châu (Trung Quốc) trở thành con đường trọng yếu của nhân dân hai nước vùng biên và các chiến sĩ cách mạng đầu thế kỷ XX.
Do có vị trí chiến lược quan trọng, hơn nữa địa thế hiểm trở có nhiều hang động thung lũng kín đáo dựa vào đó để gây dựng cơ sở, che dấu và phát triển lực lượng, nên trong cuộc vận động cách mạng tháng Tám Hồ Chí Minh đã chọn Cao Bằng là nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng. Căn cứ địa Cao Bằng một thời là trung tâm đầu não của phong trào cách mạng giải phóng, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng gắn liền với những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh như Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Đảng tại Khuổi Nặm, Pác Bó (tháng 5-1941), thành lập Mặt trận Việt Minh (tháng 5-1941). Cũng tại vùng đất lịch sử này, Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi đầy tâm huyết như “Kính cáo đồng bào” (6-1941). Đặc biệt từ 1943 – 1944 ở Cao Bằng – Bắc Kạn – Lạng Sơn (Cao – Bắc – Lạng) lực lượng và phong trào cách mạng có sự chuyển biến mạnh và phát triển rộng khắp, bằng con đường quần chúng đã đánh thông hai khu căn cứ địa Cao Bằng và Bắc Sơn – Võ Nhai. Từ trong xây dựng và đấu tranh cách mạng, chống sự khủng bố của địch đã đưa tới sự ra đời của đội quân chủ lực – Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (12-1944).
Căn cứ địa Cao Bằng đã có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám-1945. Quá trình chuẩn bị lực lượng và khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở Cao Bằng là một bộ phận khăng khít không thể tách rời quá trình vận động Cách mạng tháng Tám trong cả nước.
Để góp phần làm rõ sự nghiệp cách mạng của Cao Bằng đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, tôi chọn đề tài “Quá trình chuẩn bị lực lƣợng và khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở tỉnh Cao Bằng 1941-1945” làm đề tài luận văn Thạc sĩ Lịch sử