LA02.159_Phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam
2. Mục đích và mục tiêu nghiên cứu của luận án
Mục đích nghiên cứu của luận án là nhằm đề xuất một hệ thống các giải pháp đồng bộ, khả thi, có căn cứ khoa học và thực tiễn nhằm phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy để thị trường này phát triển.
Để thực hiện được mục đích nghiên cứu đã đề ra, đề tài tập trung vào thực hiện những mục tiêu cụ thể sau đây:
– Hệ thống hóa và xây dựng khung lý luận cơ bản về thị trường mua bán nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ xấu; đưa ra những luận cứ về kinh nghiệm của các nước trong phát triển thị trường mua bán nợ xấu, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam.
– Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam trong thời gian qua, chỉ ra những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân.
– Đề xuất các giải pháp nhằm phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài:
Nợ xấu của các TCTD, hoạt động của công ty mua bán nợ, thị trường mua bán nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ xấu.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài:
– Về nội dung: Tập trung nghiên cứu hoạt động mua, bán của thị trường nợ xấu. Các nội dung nghiên cứu cụ thể gồm: Lý luận về thị trường mua bán nợ xấu, phát triển thị trường mua bán nợ xấu; thực trạng về phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam, được nghiên cứu tại Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và giải pháp thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam.
– Về không gian: Luận án tập trung đánh giá thực trạng phát triển thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015. Đồng thời, đề xuất một hệ thống các giải pháp đồng bộ, khả thi, có căn cứ khoa học và thực tiễn nhằm phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam đến năm 2025.
– Thời gian nghiên cứu: Nghiên cứu thực trạng giai đoạn 2011-2015, đề xuất các giải pháp phát triển thị trường mua bán nợ xấu đến năm 2025.
4. Phương pháp nghiên cứu của luận án
Để giải quyết những nhiệm vụ đặt ra, trong quá trình thực hiện luận án, tác giả đã sử dụng phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu sau:
Phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử và phương pháp hệ thống: Việc nghiên cứu thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam được thực hiện một cách đồng bộ gắn với hoàn cảnh, điều kiện và các giai đoạn cụ thể. Nội dung phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam được xem xét trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau cả về không gian và thời gian.
Phương pháp nghiên cứu chủ yếu được sử dụng là phương pháp định tính, cụ thể gồm các phương pháp sau:
– Phương pháp thống kê: Tác giả sử dụng số liệu thống kê thích hợp để phục vụ cho việc phân tích thực trạng phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam.
– Phương pháp phân tích tổng hợp: Trên cơ sở phân tích từng nội dung cụ thể, tác giả đưa ra những đánh giá chung về thực trạng phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam.
– Phương pháp so sánh, đối chiếu: Nội hàm việc phát triển thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam được xem xét trên cơ sở có sự so sánh đối chiếu giữa các giai đoạn, cũng như so sánh với thực trạng phát triển thị trường mua bán nợ xấu ở các nước trên thế giới.
Các nguồn số liệu phục vụ việc nghiên cứu:
– Các nguồn tài liệu thứ cấp bao gồm: Các số liệu thống kê, các văn bản của các cơ quan Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê…, các công trình nghiên cứu, luận án, các ấn phẩm xuất bản, các bài báo có liên quan đến đề tài. Thu thập và hệ thống tài liệu của các tác giả trong và ngoài nước.
– Các số liệu và tư liệu sơ cấp: Các số liệu thu thập trên các nguồn có tính chính xác, có sự đối chiếu, có tính đầy đủ, kịp thời, hoàn toàn phù hợp với đề tài nghiên cứu.
Phân tích số liệu:
– Đối với dữ liệu thứ cấp: Tiến hành phân tích, so sánh, tổng hợp và đánh giá.
– Đối với dữ liệu sơ cấp: Xử lý kết quả trên Excel hoặc phần mềm Microsoft SQL data management studio.
5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
Ý nghĩa khoa học: Trên cơ sở sưu tầm, tổng hợp, chắt lọc và kế thừa, luận án đã hệ thống hóa và làm rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nợ xấu, xây dựng khung lý luận cơ bản về thị trường mua bán nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ xấu. Bên cạnh đó, luận án cũng đã sưu tầm kinh nghiệm về phát triển thị trường mua bán nợ xấu của một số quốc gia trên thế giới, từ đó rút ra những kinh nghiệm có thể tham khảo, vận dụng cho việc phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam.
Ý nghĩa thực tiễn: Luận án đã tổng hợp và phân tích một cách hệ thống vềthực trạng phát triển thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015. Trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được, những hạn chế, luận án cũng đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam. Kết hợp với kinh nghiệm quốc tế, luận án đã đề xuất một hệ thống các giải pháp đồng bộ, khả thi, có căn cứ khoa học và thực tiễn nhằm phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam trong thời gian tới.
7. Những đóng góp mới của Luận án
– Thứ nhất: Luận án đã hệ thống hóa và xây dựng khung lý luận cơ bản về thị trường mua bán nợ xấu, phát triển thị trường mua bán nợ xấu.
– Thứ hai: Luận án đã đưa ra hệ thống tiêu chí đo lường sự phát triển thị trường mua bán nợ xấu.
– Thứ ba: Luận án đã trình bày khái quát kinh nghiệm nghiên cứu thị trường mua bán nợ xấu ở một số nước, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam.
– Thứ tư: Luận án đã đánh giá khái quát tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam, hoạt động của các công ty mua bán nợ giai đoạn 2011-2015, áp dụng hệ thống các tiêu chí định tính và định lượng để từ đó có những nhận xét, đánh giá sát thực tế việc phát triển thị trường mua bán nợ xấu cả về chiều rộng và chiều sâu, chỉ rõ những kết quả đạt được, tồn tại và nguyên nhân của những tồn tại về phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015.
– Thứ năm: Trên cơ sở định hướng phát triển thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam đến năm 2025, luận án đã đề xuất hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi, có cơ sở khoa học và thực tiễn, đồng thời đề xuất các kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm giải pháp được triển khai một cách hiệu quả nhằm phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam đến năm 2025.
8. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục công trình của tác giả đã công bố liên quan đến luận án và danh mục tài liệu tham khảo, kết cấu của luận án gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận về phát triển thị trường mua bán nợ xấu.
Chương 2: Thực trạng phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam.
Chương 3: Giải pháp phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam đến năm 2025.