LA17.068_Phát triển nguồn nhân lực trong các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam hiện nay
2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
2.1. Mục tiêu của đề tài
Trên cơ sở làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về nguồn nhân lực và phát triển thực trạng phát triển đội ngũ giảng viên (ĐNGV) các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ở Việt Nam, đề tài đề xuất những giải pháp có căn cứ khoa học nhằm phát triển ĐNGV ở các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam hiện nay.
Từ mục tiêu trên, đề tài tập trung trả lời những câu hỏi sau:
Một là, vấn đề phát triển đội ngũ giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã được nghiên cứu như thế nào?
Hai là, để phát triển đội ngũ giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cần khung lý thuyết như thế nào?
Ba là, đâu là những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân hạn chế trong công tác phát triển ĐNGV ở các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua?
Bốn là, cần có những giải nào để phát triển đội ngũ giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ở Việt Nam hiện nay?
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
– Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án nhằm tìm ra khoảng trống khoa học và xác định các vấn đề mà luận án tiếp tục nghiên cứu, phát triển.
– Luận giải cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế trong phát triển đội ngũ giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập.
– Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển ĐNGV các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam trong thời gian qua.
– Đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm phát triển ĐNGV các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam đến năm 2030.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Phát triển nguồn nhân lực ở các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
– Về nội dung nghiên cứu: NNL trong các trường ĐH, CĐ NCL bao gồm nhiều lực lượng khác nhau, nhưng luận án chỉ tập trung nghiên cứu phát triển đội ngũ giảng viên – lực lượng chủ yếu của NNL của các trường này, giữ vai trò quyết định trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo của nhà trường, trong đó chú trọng vào các mặt quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo và đãi ngộ ĐNGV trong các trường ĐH, CĐ NCL.
– Về không gian: Luận án nghiên cứu phát triển ĐNGV ở các trường ĐH, CĐ NCL trên lãnh thổ Việt Nam.
– Về thời gian: Luận án nghiên cứu khảo sát các nội dung phát triển ĐNGV ở các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam trong giai đoạn 1994-2016; Nghiên cứu dự báo và đề xuất giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên ở các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam giai đoạn 2017-2030.
4. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cách tiếp cận
Cách tiếp cận của luận án là duy vật biện chứng, duy vật lịch sử để xem xét, đánh giá NNL – ĐNGV giảng viên của các trường ĐH, CĐ NCL, bộ phận nguồn nhân lực quan trọng nhất hiện nay trong các trường ĐH, CĐ NCL trong bổi cảnh đổi mới toàn diện GD-ĐT, trên cơ sở một khung phân tích lý thuyết và thực tiễn có căn cứ khoa học.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
4.2.1. Về phương pháp phân tích
Từ cách tiếp cận trên, luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
– Sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, hệ thống hóa, khái quát hóa trong quá trình tiếp cận các vấn đề nghiên cứu để xây dựng cơ sở lý luận về vấn đề phát triển nguồn nhân lực, phát triển ĐNGV: (1) Nghiên cứu các văn kiện, Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam, các văn bản pháp luật của Nhà nước, của ngành GD và ĐT; (2) Nghiên cứu và phân tích các tài liệu khoa học về quy hoạch, dự báo phát triển GD và ĐT, các tài liệu, sách, tạp chí khoa học giáo dục, QLGD; (3) Nghiên cứu các công trình nghiên cứu khoa học (NCKH), các đề tài nghiên cứu luận án về giáo dục và đào tạo, về GDĐH, CĐ NCL, về giảng viên và phát triển ĐNGV của các tác giả trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài nghiên cứu luận án.
– Phương pháp tổng kết kinh nghiệm: Xem xét từ thực trạng phát triển ĐNGV các cơ sở giáo dục đại học của một số nước như: Pháp. Anh, Mỹ, Nhật… để tổng kết kinh nghiệm.
Ngoài các phương pháp kể trên, luận án còn sử dụng phương pháp thống kê, phương pháp chuyên gia và một số phương pháp khác.
4.2.2. Về nguồn dữ liệu
Để phục vụ cho việc nghiên cứu được hiệu quả, tác giả đã tiến hành thu thập và phân tích các số liệu thứ cấp và sơ cấp.
– Về nguồn dữ liệu thứ cấp: tác giả luận án sử dụng những số liệu đã được công bố từ những nguồn chính thức như Tổng cục Thống kê, Bộ GD – ĐT…
– Về nguồn dữ liệu sơ cấp: tác giả luận án thu thập dữ liệu sơ cấp dựa trên việc khảo sát ý kiến của nhà quản lý, ĐNGV các trường ĐH, CĐ NCL của Việt Nam. Những kết quả phân tích dữ liệu sơ cấp trong luận án giúp làm rõ hơn về công tác phát triển ĐNGV các trường ĐH, CĐ NCL của Việt Nam trong thời gian qua, cung cấp cơ sở khoa học đáng tin cậy cho việc đề xuất xây dựng các giải pháp.
– Về điều tra khảo sát thực tế: tác giả luận án lựa chọn khảo sát thực tế để thu thập số liệu sơ cấp và thứ cấp tại 05 trường: (1) Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; (2) Trường Đại học Thăng Long; (3) Trường Đại học dân lập Phương Đông; (4) Trường ĐH Duy Tân; (5) Đại học Bình Dương; (6) Đại học Hoa Sen; (7) Đại học Hồng Bàng; (8) Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội; (9) Cao đẳng Quảng Ngãi; (10) Cao đẳng Bách Việt [Phụ lục 1].
Xem thêm: Khái niệm phát triển nguồn nhân lực
Trên cơ sở điều tra và khảo sát các trường trên, luận án rút ra điểm tương đồng trong công tác phát triển ĐNGV các trường ĐH, CĐ NCL của Việt Nam.
Đối tượng điều tra, phỏng vấn phục vụ cho việc thu thập số liệu sơ cấp là các giảng viên và các nhà quản lý.
– Về phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu sơ cấp
Thứ nhất, phương pháp điều tra xã hội học: công cụ khảo sát là các phiếu điều tra. Tác giả đã xây dựng 2 mẫu phiếu dành cho 2 đối tượng khảo sát: các nhà quản lý (phụ lục 2), giảng viên (phụ lục 3). Quy trình thiết kế phiếu điều tra, thang đo sử dụng, nội dung phiếu điều tra, số lượng phiếu điều tra tại mỗi trường khảo sát được tiến hành như sau:
Phiếu điều tra khảo sát được xây dựng trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia, tổng hợp từ lý thuyết, tài liệu tham khảo có liên quan: luận án tiến sĩ kinh tế của Lê Thị Mỹ Linh (2009), luận án tiến sĩ khoa học giáo dục của Nguyễn Văn Lâm (2015), luận án tiến sĩ của Nguyễn Trọng Đặng (2017) để xây dựng 2 mẫu phiếu dành cho 2 đối tượng khảo sát: các nhà quản trị, giảng viên.
Tất cả các tiêu chí đánh giá đều sử dụng thang đo Likert 5 mức độ (5 điểm), thang đo Likert là dạng thang đo thứ bậc (thang đo thứ bậc, thang chia hạng). Thang đo Likert được dùng phổ biến trong nghiên cứu để đo lường thái độ, ý kiến, quan điểm, nhận thức và sở thích. Đây là loại thang thường sử dụng để hỏi những câu hỏi nhằm đánh giá một cách tổng quát về một chủ đề nghiên cứu mà mức đánh giá phụ thuộc vào một phạm vi rộng các khía cạnh và có tính phức tạp cao.
Nguyên tắc đặt câu hỏi với thang đo Likert về một chủ đề hay một đối tượng nghiên cứu nào có thể sử dụng câu hỏi mang đặc điểm tích cực hoặc câu hỏi mang đặc điểm tiêu cực về chủ đề đó. Cách mã hóa câu trả lời là ngược nhau giữa câu hỏi tích cực và câu hỏi tiêu cực. Mức đánh giá bảng tổng cộng số điểm của các câu trả lời thu được.
Ý kiến trả lời được sắp xếp từ nhỏ đến lớn với số càng lớn là càng tốt/quan trọng/cần thiết với nhận định đưa ra (1: Rất kém, 2: Kém, 3: Bình thường/Trung bình…, 4: Tốt, 5: Rất tốt).
Thang đo Likert 5 mức độ trong bảng khảo sát. Khi đó giá trị khoảng cách = (Maximum – Minimum) / n = (5-1)/5 = 0.8; Ý nghĩa các mức như sau: 1.00 ÷ 1.80: rất kém; 1.81 ÷ 2.60: kém; 2.61 ÷ 3.40: bình thường/trung bình; 3.41 ÷ 4.20: tốt; 4.21 ÷ 5.00: rất tốt.
Để tính giá trị trung bình của mỗi câu hỏi người ta lấy giá trị trung bình của tích số điểm của mỗi phương án với số lượng câu trả lời tương ứng của từng phương án.
Kích thước mẫu
Theo phương pháp ước lượng ML (Maximum Likclihood) cho rằng, kích thước mẫu tối thiểu nên từ 250 đến 300 sẽ phù hợp, trong nhiều trường hợp để khảo sát chi tiết một vấn nào đó bên cạnh kích thước mẫu lớn song song tồn tại kích thước mẫu có thể nhỏ cũng nghiên cứu vấn đề đó (tuy nhiên kích thước mẫu tổng đảm bảo số lượng tối thiểu) kết quả kháo sát cũng được chấp nhận.
Nội dung phiếu điều tra khảo sát và số lượng phiếu điều tra tại 05 trường khảo sát:
* Phiếu khảo sát dành cho các nhà quản trị các cấp/cán bộ quản lý, với các nội dung: về công tác phát triển ĐNGV.
– Số phiếu điều tra thu về là 255/270 phiếu hợp lệ, trong đó: Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: 30 người; Trường Đại học Thăng Long: 30; Trường Đại học dân lập Phương Đông: 30; Trường ĐH Duy Tân: 25; Đại học Bình Dương: 35; Đại học Hoa Sen: 35; Đại học Hồng Bàng: 35; Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội: 15; Cao đẳng Quảng Ngãi: 10; Cao đẳng Bách Việt: 10.
* Phiếu khảo sát dành cho các giảng viên, với nội dung về công tác phát triển nguồn nhân lực giảng viên.
– Số phiếu điều tra thu về là 785/800 phiếu hợp lệ, trong đó: Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: 95 phiếu; Trường Đại học Thăng Long: 75 phiếu; Trường Đại học dân lập Phương Đông: 90 phiếu; Trường ĐH Duy Tân: 70 phiếu; Đại học Bình Dương: 85; Đại học Hoa Sen: 110; Đại học Hồng Bàng: 95; Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội: 65; Cao đẳng Quảng Ngãi: 45 phiếu; Cao đẳng Bách Việt: 55 phiếu.
Thứ hai, phương pháp phân tích dữ liệu sơ cấp: Phiếu điều tra, khảo sát: sử dụng phần mềm Microsot’ Excel để tổng hợp và phân tích dừ liệu thu thập được.
5. Ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn của đề tài luận án
– Ý nghĩa khoa học:
– Hệ thống hóa và làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về phát triển ĐNGV các trường ĐH, CĐ NCL trong bối cảnh hiện nay.
– Cụ thể hóa và hoàn thiện các nội dung, tiêu chí đánh giá phát triển ĐNGV, các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển ĐNGV các trường ĐH, CĐ NCL trong bối cảnh hiện nay.
– Ý nghĩa thực tiễn:
Làm rõ thực trạng phát triển ĐNGV các trường ĐH, CĐ NCL ở Việt Nam
Đề xuất giải pháp phát triển ĐNGV ở các trường ĐH, CĐ NCL ở nước ta, góp phần tích cực phát triển ĐNGV trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trong bối cảnh hiện nay.
6. Những kết quả mới đạt được của luận án
Luận án đã đạt được những kết quả chính như sau:
– Xây dựng được khung lý thuyết về phát triển NNL của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, bao gồm khái niệm, nội dung, tiêu chí đánh giá và các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển NNL – ĐNGV ở trường ĐH, CĐ NCL.
– Trên cơ sở phân tích, đánh giá làm rõ những đặc thù trong thực trạng phát triển ĐNGV của các trường ĐH, CĐ NCL của nước ta hiện nay, luận án đã chỉ ra được những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của các hạn chế của quá trình này, từ đó đề xuất được một số giải pháp chủ yếu phát triển NNL mà cụ thể là phát triển ĐNGV cho các trường ĐH, CĐ NCL ở nước ta giai đoạn 2017 – 2030.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án được kết cấu thành 4 chương:
Chương 1. Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan đề tài.
Chương 2. Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về phát triển nguồn nhân lực trong các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập.
Chương 3. Thực trạng phát triển nguồn nhân lực trong các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ở Việt Nam
Chương 4. Phương hướng và một số giải pháp chủ yếu phát triển nguồn nhân lực ở các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ở Việt Nam.