LA03.073_Phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững tại tỉnh Bình Định
1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu
Ngày nay, phát triển kinh tế biển được các quốc gia cũng như các địa phương có biển trên thế giới đặc biệt quan tâm. Biển ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, là thành phần không thể thiếu trong lợi ích của các địa phương, các quốc gia có biển nói riêng và của thế giới nói chung.
Bình Định là tỉnh ven biển có nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nguồn nhân lực dồi dào chưa khai thác hết, có tiềm năng phát triển các ngành kinh tế đang vươn lên mạnh như: kinh tế hàng hải (vận tải biển, cảng biển), hải sản (khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản), du lịch biển,… Trong thời gian qua, kinh tế biển là thế mạnh của Tỉnh Bình Định, có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của Tỉnh. Tỉnh Bình Định đã tập trung đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh.
Với cách tiếp cận theo góc độ quản lý nhà nước về phát triển kinh tế biển bền vững, trong những năm qua, Chính quyền tỉnh Bình Định đã có nhiều chủ trương, chiến lược, quy hoạch, chính sách, cải tiến nhằm phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Tuy nhiên những chủ trương, quy hoạch, chính sách, cải tiến này mới là bước đầu, chưa đồng bộ, nhất quán, chưa tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Do đó, việc phân tích đánh giá tiềm năng, thực trạng quản lý phát triển kinh tế biển tỉnh Bình Định, trên cơ sở đó tìm ra những giải pháp quản lý nhằm phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững tại tỉnh Bình Định là cấp thiết, có tính thời sự cao, có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận và thực tiễn. Chính vì vậy, “Phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững tại tỉnh Bình Định” được nghiên cứu sinh lựa chọn làm đề tài luận án tiến sĩ của mình.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan
2.1. Các công trình nghiên cứu về quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững của Việt Nam và nước ngoài
2.1.1. Các công trình nghiên cứu về quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững của Việt Nam
Các công trình nghiên cứu đã khẳng định: Việt Nam là quốc gia có tiềm lực kinh tế biển to lớn đặc biệt là phát triển du lịch biển, cảng biển và khai thác hải sản. Tuy vậy, các tác giả cho rằng, sự phát triển của kinh tế biển ở nước ta vẫn chưa xứng tầm với các điều kiện và lợi thế sẵn có. Đồng thời, các tác giả đưa ra một số giải pháp để phát triển kinh tế biển bền vững.
2.1.2. Các công trình nghiên cứu về quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững của nước ngoài
Các tác giả tập trung nghiên cứu quá trình phát triển kinh tế ở các vùng biển và ven biển, nghiên cứu các chiến lược, chính sách được thực thi đối với việc phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển và đầu tư phát triển cảng biển, nghiên cứu về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu tác động đến đời sống người dân ven biển. Đồng thời, các tác giả đưa ra một số giải pháp để phát triển kinh tế biển bền vững.
2.2. Các công trình nghiên cứu về quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững tại các địa phương của Việt Nam
Các tác giả trên cơ sở nghiên cứu điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh kinh tế – xã hội, thực trạng phát triển kinh tế biển khác nhau của các địa phương đã tìm ra được những ngành ưu tiên phát triển cho địa phương mình nghiên cứu. Đồng thời các tác giả cũng đã đề cập đến một số nội dung về quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững cho địa phương, một số giải pháp về hoàn thiện bộ máy quản lý, hệ thống văn bản, quy hoạch, chính sách, kiểm tra, giám sát,… cũng được các tác giả đề cập đến trong nghiên cứu của mình.
2.3. Các công trình nghiên cứu về kinh tế biển và quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững tại tỉnh Bình Định
Các tác giả khẳng định: lợi thế so sánh đã tạo cho Bình Định phát triển kinh tế biển. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp năng lực yếu, không đủ sức cạnh tranh; thị trường một số loại dịch vụ hàng hải chưa lớn, tăng trưởng kinh tế chưa thật sự gắn liền với các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Các tác giả đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế nêu trên.
2.4. Tổng hợp kết quả nghiên cứu của các công trình liên quan và khoảng trống nghiên cứu đặt ra cho đề tài luận án
2.4.1. Những kết quả nghiên cứu của các công trình nghiên cứu có liên quan
Thứ nhất: nhóm các công trình nghiên cứu về các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về biển, kinh tế biển, quản lý phát triển kinh tế biển. Thứ hai: nhóm các công trình phân tích về các nguồn tài nguyên biển, lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, vai trò của quản lý kinh tế biển của Việt Nam. Thứ ba: nhóm các công trình nghiên cứu về các nội dung và giải pháp quản lý phát triển kinh tế biển. Thứ tư: nhóm các công trình nghiên cứu về quản lý phát triển kinh tế biển của các địa phương. Thứ năm: nhóm các công trình nghiên cứu về quản lý phát triển kinh tế biển tỉnh Bình Định.
2.4.2. Khoảng trống nghiên cứu đặt ra cho đề tài luận án
Thứ nhất, nghiên cứu vấn đề quản lý phát triển kinh tế biển trong đó gồm các ngành kinh tế hàng hải, hải sản và du lịch biển theo hướng bền vững tại địa phương cấp tỉnh thì chưa có công trình nào nghiên cứu. Thứ hai, chưa có công trình nào có đối tượng, phạm vi nghiên cứu trực diện về quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững tại tỉnh Bình Định. Thứ ba, nghiên cứu quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững dưới góc độ tiếp cận của quản lý kinh tế gồm đầy đủ các nội dung quản lý: xây dựng chiến lược, quy hoạch; ban hành chính sách; tổ chức bộ máy quản lý; kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhằm phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững thì cũng chưa có công trình đi trước nào thực hiện. Vì vậy, có thể thấy đề tài luận án “Phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững tại tỉnh Bình Định” có hướng nghiên cứu mới, một mặt kế thừa những kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước, một mặt không trùng lặp với các công trình nghiên cứu trước đây về chủ đề này và có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững; khảo sát, phân tích và đánh giá thực trạng quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững tại tỉnh Bình Định; Luận án đưa ra các giải pháp mang tính khả thi, có luận cứ khoa học, thực tế và kiến nghị nhằm quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững tại tỉnh Bình Định trong thời gian đến năm 2020 và tiếp theo.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Một là, nghiên cứu cơ sở lý luận của quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững ở địa phương cấp tỉnh, đúc kết những bài học kinh nghiệm về phát triển kinh tế biển ở một số địa phương và rút ra bài học cho tỉnh Bình Định. Hai là, khảo sát, phân tích và đánh giá thực trạng quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững tại tỉnh Bình Định, tìm ra những thành công, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế. Ba là, đưa ra một số giải pháp và kiến nghị đối với quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững tại tỉnh Bình Định trong những năm tới.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu: nghiên cứu quản lý nhà nước của chính quyền địa phương cấp tỉnh đối với phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững có liên quan đến rất nhiều chủ thể: nhà nước, doanh nghiệp, các nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân. Mỗi chủ thể khác nhau có những vai trò và tác động khác nhau. Dưới góc độ quản lý nhà nước, luận án tập trung nghiên cứu quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững dưới góc nhìn của nhà nước, cụ thể là chính quyền tỉnh Bình Định trong việc quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Về nội dung: với cách tiếp cận theo góc độ quản lý nhà nước về phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, luận án tập trung vào nghiên cứu những nội dung cơ bản sau: xây dựng chiến lược, quy hoạch; ban hành chính sách; tổ chức bộ máy quản lý; kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhằm phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững tại tỉnh Bình Định. Về không gian: nghiên cứu đối với địa bàn vùng biển và bờ biển, hoạt động quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững của chính quyền tỉnh Bình Định. Về thời gian: thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc nghiên cứu được thu thập trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2017. Các giải pháp được áp dụng cho thời gian đến năm 2020 và tiếp theo.
5. Câu hỏi nghiên cứu chủ yếu của đề tài
(1) Phát triển kinh tế biển tại tỉnh Bình Định có theo hướng bền vững không? Có đảm bảo bền vững về mặt kinh tế, bền vững về mặt xã hội và bền vững về mặt môi trường? (2) Quản lý nhà nước của chính quyền địa phương về phát triển kinh tế biển hiện tại đã đáp ứng được yêu cầu quản lý phát triển theo hướng bền vững? (3) Quản lý nhà nước của chính quyền địa phương về phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững đang có những điểm nghẽn, nút thắt, hạn chế cơ bản nào về nội dung, công cụ, phương thức quản lý như: vấn đề về xây dựng chiến lược, quy hoạch, ban hành chính sách, tổ chức bộ máy quản lý, công tác kiểm tra, giám sát,… cần giải quyết? (4) So với cơ sở lý luận, thực tiễn quản lý nhà nước của chính quyền địa phương về phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững có những sai biệt nào cần có giải pháp khắc phục? (5) Trên cơ sở lý luận, phân tích thực tiễn, đồng thời dựa vào dự báo xu hướng, bối cảnh, quan điểm, mục tiêu và phương hướng quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, chính quyền tỉnh Bình Định cần thực hiện những giải pháp cụ thể nào và có những kiến nghị gì để quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững đến năm 2020 và tiếp theo?
6. Các kết quả nghiên cứu đạt được của luận án
6.1. Về lý luận: Hệ thống hóa và cập nhật một số vấn đề lý luận về quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, xây dựng khung lý luận về quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững tại địa phương cấp tỉnh.
6.2. Về thực tiễn: Nghiên cứu kinh nghiệm quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững của một số tỉnh, thành phố trong và ngoài nước, từ đó rút ra bài học cho tỉnh Bình Định. Khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững tại tỉnh Bình Định, phát hiện những thành công, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế đối với quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững tại tỉnh Bình Định giai đoạn 2013-2017. Trên cơ sở dự báo xu hướng, bối cảnh tác động đến quản lý phát triển kinh tế biển trên thế giới và trong nước, các quan điểm, mục tiêu, phương hướng của Tỉnh, Luận án đề xuất các giải pháp, kiến nghị phù hợp với thực tiễn để quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững tại tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tiếp theo. Kết quả nghiên cứu của luận án là tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu tiếp theo về quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững của các địa phương.
7. Phương pháp nghiên cứu
7.1. Phương pháp thu thập dữ liệu
– Phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp
Luận án thu thập các loại dữ liệu có sẵn về quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững trong các văn bản luật, nghị định của Đảng, Nhà nước, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Luật Biển Việt Nam 2012; Nghị định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển,…
Nguồn dữ liệu bao gồm các tài liệu, số liệu và thông tin có sẵn qua các tạp chí, sách, báo; các kết quả nghiên cứu khoa học, báo cáo thống kê, báo cáo tổng kết về phát triển kinh tế biển của Tỉnh tại ủy ban nhân dân Tỉnh, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục thống kê; các báo cáo đánh giá thực hiện các đề án, chương trình, dự án liên quan đến phát triển kinh tế biển.
– Phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp
+ Phương pháp khảo sát: trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu sinh đã sử dụng phương pháp khảo sát thông qua phiếu khảo sát với đối tượng là cán bộ quản lý Nhà nước cấp tỉnh, huyện có bờ biển (Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, TP. Quy Nhơn), xã ven biển thuộc các huyện nói trên về phát triển kinh tế biển trên địa bàn.
+ Phương pháp phỏng vấn chuyên gia: trong quá trình nghiên cứu đề tài NCS cũng đã có những trao đổi, phỏng vấn các chuyên gia, các nhà khoa học và các nhà quản lý về vấn đề liên quan đến quản lý phát triển kinh tế biển, mục tiêu và hành động của Tỉnh trong thời gian tới.
7.2. Phương pháp phân tích dữ liệu
Luận án sử dụng phương pháp phân tích – tổng hợp, phương pháp so sánh và các phương pháp như: logic kết hợp lịch sử, thống kê, mô tả,… để phân tích tình hình nghiên cứu của đề tài. Luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp (case study) đối với ba ngành được lựa chọn trình bày trong luận án là: ngành kinh tế hàng hải, hải sản và du lịch biển. Nhập và xử lý số liệu bằng phần mềm Excel.
8. Kết cấu luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, nội dung chính của luận án được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận về quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững tại địa phương cấp tỉnh
Chương 2: Thực trạng quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững tại tỉnh Bình Định
Chương 3: Giải pháp và kiến nghị về quản lý phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững tại tỉnh Bình Định