LA06.025_Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu với xoá đói, giảm nghèo ở tỉnh Lào Cai
1. Tính cấp thiết của đề tài
Duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, ổn định, gắn với bảo vệ môi trường, giải quyết có hiệu quả các vấn đề kinh tế – xã hội, trọng tâm là xoá đói giảm nghèo trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế luôn là vấn đề cấp thiết đối với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Xu thế toàn cầu hoá, hợp tác, mở cửa và hội nhập khu vực đang trở thành nhu cầu tất yếu của mỗi quốc gia. Mối quan hệ bang giao, hợp tác được phát triển dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, phát triển cùng có lợi, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường bền vững. Điều đó đặt ra nhu cầu và đòi hỏi các quốc gia cần có chiến lược phát triển kinh tế vùng biên, đặc biệt là phát triển Khu kinh tế cửa khẩu, mà tâm điểm là đầu mối giao lưu cửa khẩu biên giới đất liền thông thoáng với hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng thuận lợi, trên cơ sở pháp lý cùng những chính sách phát triển phù hợp.
Lào Cai – một tỉnh miền núi, biên giới, địa đầu của tổ quốc có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Là tỉnh có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, sản phẩm nông nghiệp hàng hoá, các ngành công nghiệp chế biến, thương mại và dịch vụ kinh tế cửa khẩu. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, điều kiện sản xuất
còn nhiều khó khăn, Lào Cai hiện vẫn là một tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 70% của cả nước. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010-2015 đã chỉ rõ “Xây dựng tỉnh Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là địa bàn quan trọng về hợp tác và giao lưu quốc tế của vùng và cả nước. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng – an ninh, giữ gìn biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị…” [2].
Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Lào Cai xác định xây dựng KKTCK là khâu đột phá, là trọng điểm phát triển kinh tế của cả tỉnh. Thực tiễn cho thấy từ khi có Quyết định thành lập và đi vào hoạt động, KKTCK Lào Cai bước đầu khẳng định vị thế, đóng góp của mình vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và khu vực. Trong nhiều năm liên tục, tốc độ TTKT của tỉnh đạt bình quân 14%; tốc độ tăng bình quân về tổng kim ngạch XNK đạt 27,6%/năm; thu ngân sách tại KKTCK tăng nhanh, bình quân thời kỳ 2006-2010 đạt 29,4%, riêng năm 2013 đạt 1.870 tỷ đồng; chiếm 38% tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh [84]. Phát triển KKTCK đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 3-5%/năm; năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh là 22,21%, giảm 20,78% so với năm 2010 [79]. Việc nâng cao hiệu quả phát triển KKTCK với xoá đói, giảm nghèo là vấn đề kinh tế – chính trị – xã hội trọng tâm, cấp bách hiện nay và trong tương lai của nước ta, đặc biệt đối với một tỉnh biên giới, vùng cao, miền núi, nhiều đồng bào dân tộc và còn nghèo như tỉnh Lào Cai thì càng có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc, là vấn đề thời sự, cấp thiết trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương, bảo đảm an ninh biên giới, bảo vệ lợi ích quốc gia một cách bền vững. Đó là lý do nghiên cứu sinh chọn đề tài “Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu với xoá đói, giảm nghèo ở tỉnh Lào Cai” làm luận án tiến sĩ kinh tế, chuyên ngành kinh tế phát triển”