LA02.161_Phát triển hoạt động tài chính vi mô tại các tổ chức tín dụng Việt Nam
Đề tài luận án: Phát triển hoạt động tài chính vi mô tại các tổ chức tín dụng Việt Nam
Chuyên ngành: Tài chính Ngân hàng Mã số: 62340201
Nghiên cứu sinh: Phạm Bích Liên Mã NCS: NCS34.067TC
Người hướng dẫn: HD1- TS. Lê Thanh Tâm; HD2- TS. Nguyễn Đức Hưởng
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận
Trên cơ sở nghiên cứu về lý luận và thực tiễn, Luận án có những đóng góp mới về mặt học thuật như sau:
1. Sự phát triển tài chính vi mô (TCVM) đã được nhiều nghiên cứu đề cập trên giác độ là hoạt động vì mục tiêu xã hội. Luận án này nghiên cứu phát triển hoạt động TCVM tại tổ chức tín dụng (TCTD) như là một hoạt động giúp TCTD đạt được mục tiêu lợi nhuận, trên cơ sở đó Luận án tập trung làm rõ mối quan hệ giữa sự bền vững tài chính của TCTD với sự phát triển hoạt động TCVM của TCTD.
2. Luận án đã lựa chọn và điều chỉnh các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển hoạt động TCVM tại TCTCVM thành hai nhóm chỉ tiêu đánh giá sự phát triển hoạt động TCVM tại TCTD: (1) Nhóm chỉ tiêu sự bền vững tài chính được cụ thể hóa bằng lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân, lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu và tỷ lệ nợ xấu (2) Nhóm chỉ tiêu mức độ tiếp cận được cụ thể hóa bằng (i) Độ rộng tiếp cận (Số lượng khách hàng, Quy mô tiền gửi và dư nợ TCVM, Số lượng sản phẩm dịch vụ TCVM) và (ii) Độ sâu tiếp cận (Giá trị khoản vay trung bình).
3. Ứng dụng mô hình về mối quan hệ giữa mức độ tiếp cận và sự bền vững tổ chức TCVM của Christen và các cộng sự (1995) được Thys (2000), Olivares-Polanco (2005) phát triển và dựa trên các cơ sở lý thuyết cũng như để phù hợp với TCTD Việt Nam, Luận án đề xuất mô hình phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến giá trị khoản vay trung bình với các nhân tố độc lập: Thời gian hoạt động, Sự bền vững, Độ rộng tiếp cận và hai nhân tố được bổ sung là Năng suất lao động và Rủi ro tín dụng (MH1).
4. Luận án bổ sung thêm các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển hoạt động TCVM tại TCTD thông qua mức độ quan tâm của khách hàng dựa trên lý thuyết hành vi tiêu dùng của Kotler (2001), xu hướng lựa chọn TCTD của Khazeh và Decker (1992), Mokhlis (2009) và đề xuất mô hình phản ánh mối quan hệ phụ thuộc giữa nhân tố giá trị khoản vay với mức độ quan tâm của khách hàng đến sự thuận tiện, chất lượng dịch vụ, thương hiệu, giá cả và khuyến mại của TCTD và các nhân tố nhân khẩu học (MH 2).
Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu của luận án
Kết quả phân tích MH 1cho thấy mô hình phù hợp, độ rộng tiếp cận có ảnh hưởng cùng chiều với độ sâu tiếp cận và kết luận này khác với kết quả nghiên cứu trong mô hình của Olivares – Polanco (2005). Rủi ro tín dụng và Năng suất lao động có ảnh hưởng cùng chiều với độ sâu tiếp cận. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển hoạt động TCVM tại các TCTD với mức độ giảm dần như sau: (i) Độ rộng tiếp cận, (ii) Thời gian hoạt động, (iii) Rủi ro tín dụng, (iv) Năng suất lao động và (v) Sự bền vững.
Kết quả phân tích MH 2 cho thấy mô hình phù hợp, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển hoạt động TCVM của TCTD thông qua sự cảm nhận của khách hàng với mức độ giảm dần như sau: (i) Sự thuận tiện của TCTD, (ii) Thương hiệu của TCTD, (iii) Chất lượng dịch vụ, (iv) Giá cả, còn Khuyến mại không ảnh hưởng.Bên cạnh đó, các nhân tố nhân khẩu học như thu nhập, nơi sống và trình độ học vấn của khách hàng có ảnh hưởng đến sự phát triển hoạt động TCVM của TCTD.
Dựa trên kết quả nghiên cứu thì Luận án đưa ra hai nhóm khuyến nghị nhằm phát triển hoạt động TCVM tại TCTD Việt Nam bao gồm:
– Một là khuyến nghị đối với TCTD cung cấp dịch vụ TCVM ưu tiên như sau (1) Tăng cường công tác quản trị và điều hành, (2) Thiết kế và triển khai sản phẩm dịch vụ trên quan điểm “Khách hàng là trung tâm”, (3) Tăng cường tiềm lực tài chính (4) Tăng cường tính trách nhiệm trong cung cấp dịch vụ TCVM, (5) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
– Hai là khuyến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan hữu quan: (1) Sớm hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho các TCTD có hoạt động TCVM, (2) Khẩn trương triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Chiến lược phát triển ngành TCVM Việt Nam, (3) Tạo điều kiện “mở” cho các tổ chức tham gia hoạt động TCVM, (4) Tăng cường thanh tra, giám sát đối với hoạt động TCVM của các TCTD.