LA06.034_Phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ở Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế
1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu
Trong thương mại quốc tế ở thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu như hiện nay, tiêu chuẩn có vai trò quan trọng ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Tiêu chuẩn thường được sử dụng làm những điều khoản được chấp nhận chung khi xác lập các quan hệ giao dịch giữa các đối tác. Đặc biệt, khi có tranh chấp, tiêu chuẩn chính là cơ sở kỹ thuật cho việc thảo luận, giải quyết và tài phán. Ngày nay, không ai còn nghi ngờ khi nói rằng tiêu chuẩn có vai trò và tác dụng to lớn đối với cuộc sống hàng ngày của mỗi người nói riêng và đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, hội nhập quốc tế nói chung…
Nhận thức rõ vai trò của tiêu chuẩn và phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong hội nhập kinh tế quốc tế, những năm qua Việt Nam đã rất chú trọng phát triển hệ thống này và đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như vẫn chưa bao quát hết các lĩnh vực cần xây dựng; tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực có tăng lên nhưng hiệu quả chưa cao; tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia được xây dựng theo phương pháp không tương đương còn khá cao; tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia được soát xét thay thế, hủy bỏ để đảm bảo phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ chưa nhiều… Tất cả những hạn chế đó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại nói riêng và tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, khi phần lớn các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia đều bước sang giai đoạn cắt giảm sâu, xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu, thì bài toán phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia như thế nào để đáp ứng tình hình mới lại càng trở nên bức thiết hơn.
Để góp phần vào giải quyết vấn đề này, cần có những nghiên cứu cơ bản về lý luận, tìm hiểu kinh nghiệm thực tiễn và phân tích, đánh giá thực trạng, từ đó phát hiện ra các nguyên nhân, tìm kiếm giải pháp nhằm phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, nghiên cứu sinh chọn đề tài: “Phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ở Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế” làm đề tài luận án tiến sĩ, chuyên ngành Kinh tế phát triển vừa có tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài luận án
2.1. Mục đích nghiên cứu: Đánh giá thực trạng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ở Việt Nam từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực thi hành (năm 2007) đến năm 2016 và đề xuất những phương hướng và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu: (i) Hệ thống hóa và xây dựng cơ sở lý luận về phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia; (ii) Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước về phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong hội nhập kinh tế quốc tế để rút ra một số bài học đối với phát triển hệ thống này ở Việt Nam; (iii) Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam từ năm 2007 đến năm 2016, chỉ ra những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém; (iv) Đề xuất phương hướng và những giải pháp chủ yếu nhằm phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu của đề tài luận án là sự phát triển của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam giai đoạn 2007 – 2016 dưới góc độ Kinh tế phát triển, tức là nghiên cứu về mở rộng quy mô và độ bao quát của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong các hoạt động kinh tế – xã hội; phát triển cấu trúc của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế và gia tăng đóng góp của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
– Hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam gồm hai bộ phận là: (1) Tiêu chuẩn quốc gia, ký hiệu là TCVN; (2) Tiêu chuẩn cơ sở, ký hiệu là TCCS. Đề tài luận án tập trung nghiên cứu về phát triển hệ thống TCVN, không nghiên cứu TCCS trong nội tại của khu vực các doanh nghiệp.
– Đề tài luận án nghiên cứu sự phát triển của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
– Đề tài luận án nghiên cứu thực trạng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ở Việt Nam giai đoạn 2007 – 2016 và đề xuất phương hướng phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lý luận
Luận án được tiến hành dựa trên cơ sở lý luận về phát triển của phép biện chứng duy vật và của Kinh tế phát triển. Đồng thời, luận án dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
– Phương pháp nghiên cứu chủ yếu được sử dụng
Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu, trong đó chủ yếu là phương pháp hệ thống hóa, phân tích, tổng hợp, thống kê, so sánh…
– Nguồn tài liệu nghiên cứu
Nguồn tài liệu thứ cấp được sử dụng, tổng hợp, phân tích trong luận án chủ yếu là các tài liệu đã được công bố trên sách, báo, tạp chí, các công trình nghiên cứu có liên quan trong và ngoài nước; Danh mục tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát hành hàng năm từ năm 2008 – 2017.
5. Đóng góp mới của luận án
– Luận án đã xây dựng khái niệm phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, xác định nội dung, các chỉ tiêu đánh giá và các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong hội nhập kinh tế quốc tế;
– Luận án đã đánh giá đúng thực trạng phát triển của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ở Việt Nam từ năm 2007 đến năm 2016.
– Luận án đề xuất phương hướng và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ở Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
6. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận án gồm 4 chương và 10 tiết.