LA02.237_Phát triển giao dịch tài chính phái sinh tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam
Chuyên ngành: Tài chính – Ngân hàng Mã số: 62.34.02.01
Nghiên cứu sinh: Đặng Hương Giang Mã NCS: NCS33.051TC
Người hướng dẫn: PGS.TS Nguyễn Hữu Tài
Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận
1. Để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến doanh số giao dịch phái sinh của các ngân hàng thương mại Việt Nam, luận án phát triển mô hình nghiên cứu của Hundman (1998) và Rivas (2011), Bendob & cộng sự (2014) về các nhân tố ảnh hưởng đến doanh số giao dịch phái sinh tại các NHTM và trên thị trường tài chính. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 4 nhân tố tác động tới doanh số giao dịch phái sinh tại các NHTM VN bao gồm: thanh khoản của NH (LIQ), quy mô NH (SIZE), độ biến động tỷ giá (abs(EXR)), độ biến động lãi suất (abs(IRT)) Biến thanh khoản là biến duy nhất có mối quan hệ ngược chiều với doanh số phái sinh và ngược với kết quả nghiên cứu của Bendob & cộng sự (2014) là giữa hiệu quả hoạt động ngân hàng (đo lường bằng chỉ số CAMEL trong đó có tính thanh khoản) có mối quan hệ tỷ lệ thuận với việc sử dụng giao dịch phái sinh, điều này có thể lý giải là các ngân hàng thương mại Việt Nam có tính thanh khoản kém sẽ có xu hướng sử dụng giao dịch phái sinh nhiều hơn để cải thiện tình hình thanh khoản của mình.
2. Vận dụng lý thuyết và các nghiên cứu định tính của Vivas, Pasiouras (2006), Brewer và cộng sự (2001), Oldani (2008), Hagino (2010) về các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển các giao dịch phái sinh. Để định lượng mức độ ảnh hưởng của các nhân tố này đến sự phát triển giao dịch phái sinh của ngân hàng thương mại Việt Nam tác giả tiến hành khảo sát với mẫu nghiên cứu 220 quan sát, kết quả cho thấy các nhân tố ảnh hưởng đến việc phát triển giao dịch phái sinh tại các ngân hàng thương mại Việt Nam bao gồm:
– Nhân tố chủ quan : Môi trường pháp lý, môi trường kinh tế, các nhân tố thuộc về đối thủ cạnh tranh, các nhân tố thuộc về khách hàng
– Nhân tố khách quan : Tiềm lực tài chính của ngân hàng thương mại, Nguồn nhân lực, Chiến lược kinh doanh, hạ tầng công nghệ thông tin, Uy tín thương hiệu của ngân hàng, Quản trị rủi ro ngân hàng.
Về mức độ quan trọng của các nhân tố tham gia vào phương trình: xét các giá trị các hệ số hồi quy chuẩn hóa theo thứ tự từ lớn đến nhỏ thì các nhân tố thuộc về môi trường kinh tế có ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp theo là các nhân tố về chính sách và hành lang pháp lý, tiếp theo nữa là các yếu tố chủ quan và cuối cùng là các yếu tố thuộc về đối thủ cạnh tranh. Kết quả nghiên cứu đã định lượng được mức độ tác động của từng nhân tố dựa trên các nghiên cứu định tính trước đó về nhân tố ảnh hưởng đến phát triển giao dịch phái sinh tại ngân hàng thương mại.
Những đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu
Giao dịch phái sinh là một trong những nghiệp vụ ngân hàng hiện đại và đây là các công cụ giúp ngân hàng thương mại thực hiện quản trị rủi ro đồng thời tìm kiếm lợi nhuận hiệu quả nhưng chưa thực sự được các nhà quản lý, các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng như các doanh nghiệp, khách hàng của ngân hàng thực sự quan tâm. Vì vậy, đòi hỏi các cơ quan quản lý, NHNN trong quá trình quản lý vận hành cần tạo ra cơ chế, hệ thống văn bản pháp luật hoàn thiện, bản thân các ngân hàng thương mại cũng cần hiểu rõ vai trò quan trọng của giao dịch phái sinh và có các chiến lược, biện pháp phù hợp nhằm phát triển các giao dịch này.
Từ kết quả nghiên cứu tác giả đề xuất một số các giải pháp phát triển giao dịch phái sinh tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, cụ thể: (1) Hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến giao dịch phái sinh (2) NHNN cần xây dựng cơ chế điều hành tỷ giá, lãi suất một cách linh hoạt. (3) Tạo điều kiện để thị trường chứng khoán phái sinh phát triển sẽ tạo thêm những công cụ mới. (4) Nâng cao hiểu biết của khách hàng đối với các giao dịch phái sinh. (5) Các ngân hàng thương mại cần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghệ, nâng cao tiềm lực về vốn đối với chiến lược phát triển các giao dịch này.