LA17.059_Phát triển đội ngũ hiệu trưởng trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội theo tiếp cận năng lực
Giáo dục đại học (GDĐH) là bậc học và trình độ đào tạo cao nhất trong hệ thống giáo dục quốc gia. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển của nền kinh tế tri thức hiện nay, GDĐH đang chịu những tác động mạnh mẽ của các xu thế mới và cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc đổi mới GDĐH là một yêu cầu tất yếu “nhằm đảm bảo tính độc lập về trí tuệ, sáng tạo và nâng cao tri thức, nhằm giáo dục và đào tạo những công dân có trách nhiệm và sáng suốt và những chuyên gia có chất lượng mà nếu không có họ thì không một dân tộc nào có thể đạt được những tiến bộ về kinh tế, xã hội, văn hóa hoặc chính trị” [70]. Tuyên ngôn của “Hội nghị thế giới về GDĐH thế kỷ 21 – Tầm nhìn và Hành động” (Paris, 10/1998) nhấn mạnh: “Vì xã hội ngày càng dựa vào tri thức, GDĐH và nghiên cứu hiện nay hoạt động như là các thành phần quan trọng của sự phát triển bền vững văn hóa, kinh tế – xã hội và môi trường đối với mọi người, mọi cộng đồng và mọi dân tộc” [70]. Do đó, sự phát triển của GDĐH phải trở thành một trong các ưu tiên cao nhất của quốc gia.
Đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), lãnh đạo trường đại học nói chung, hiệu trưởng trường đại học nói riêng chính là những người cầm lái, những người ở vị trí tiên phong dẫn dắt sự nghiệp thay đổi và thực hiện sứ mạng này của các trường đại học. Hiệu trưởng trường đại học là những nhân vật chủ chốt, nắm giữ trọng trách lãnh đạo về chuyên môn, học thuật, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các lĩnh vực hoạt động toàn diện của nhà trường, là người ra các quyết định quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển sống còn của nhà trường đại học, đặc biệt là khi cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội và trao quyền đã được nhận thức và hiện hữu trong thực tế và khi đổi mới GDĐH đã trở thành trào lưu quốc tế.
Ở Việt Nam, công cuộc đổi mới đất nước và đổi mới giáo dục trong những năm qua đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Nghị quyết về đổi mới cơ bản và toàn diện GDDH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã nhận định: “GDĐH đã phát triển rõ rệt về quy mô, đa dạng hóa về loại hình và các hình thức đào tạo, bước đầu điều chỉnh cơ cấu hệ thống, cải tiến chương trình, quy trình đào tạo đào tạo và huy động được nhiều nguồn lực xã hội. Chất lượng GDĐH ở một số ngành, lĩnh vực, cơ sở GDĐH có những chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội,… Tuy nhiên, những thành tựu nói trên của GDĐH chưa vững chắc, chưa mang tính hệ thống cơ bản, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu học tập của nhân dân và yêu cầu hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. Những bất cập, yếu kém về cơ chế quản lý, cơ cấu hệ thống, cơ cấu ngành nghề, mạng lưới cơ sở GDĐH, quy trình đào tạo, phương pháp dạy và học, đội ngũ giảng viên và CBQL giáo dục,… và một số hoạt động khác cần sớm được khắc phục” [16]. Gần đây nhất, Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 04 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã khẳng định “phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo” là một nhiệm vụ và giải pháp căn bản của công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay [17]. Thực tiễn và đường lối đó đã thúc đẩy và tác động mạnh mẽ đến yêu cầu phát triển đội ngũ hiệu trưởng mỗi cơ sở GDĐH, đặt ra nhiệm vụ cấp thiết cho các cơ sở GDĐH và các cấp lãnh đạo phải có chiến lược hành động phát triển đội ngũ hiệu trưởng trường đại học trong bối cảnh mới. Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, hiện có gần 165 trường đại học, cao đẳng với gần 21.000 CBQL, giảng viên (trong đó có 7.600 thạc sỹ, 2.700 tiến sỹ và tiến sỹ khoa học, hơn 1.200 giáo sư và phó giáo sư) đang làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và giảng dạy cho gần 50 vạn sinh viên, học viên các hệ, các trình độ đào tạo đại học. Đội ngũ hiệu trưởng các trường đại học trên thực tế đã có sự đáp ứng cơ bản về số lượng, tuy nhiên, sự phù hợp về cơ cấu, nhất là sự tăng trưởng về trình độ, năng lực quản lý, lãnh đạo đáp ứng đòi hỏi mới của sự nghiệp đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH trong điều kiện mới còn bộc lộ nhiều bất cập.
Hàng năm, các cơ quan quản lý cấp trên và trường đại học đã có tiến hành đánh giá đội ngũ hiệu trưởng, nhưng mới xét ở một số tiêu chí chung nhất, thiếu toàn diện và có phạm vi còn hạn chế; các hướng dẫn đánh giá của các cấp quản lý mới nêu các yêu cầu và tiêu chuẩn chung, chưa có những yêu cầu và tiêu chuẩn cụ thể cho hiệu trưởng từng loại hình trường đại học, chưa có tiêu chí về khung năng lực hiệu trưởng trường đại học. Mặt khác, vấn đề phát triển đội ngũ hiệu trưởng trường đại học của các cơ quan chủ thể quản lý nhà nước về GDĐH cũng chưa thực sự được coi là một chiến lược then chốt trong phát triển đội ngũ với tầm nhìn dài hạn, với hệ thống giải pháp phát triển mang tính khoa học được đúc kết trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn đang thay đổi của GDĐH Việt Nam.
Trước yêu cầu đổi mới và phát triển GDĐH trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và những tác động ngày càng tăng của mặt trái cơ chế thị trường, cần có một công trình nghiên cứu chuyên sâu về phát triển đội ngũ hiệu trưởng các trường đại học có cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất hệ giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ hiệu trưởng các trường đại học. Do đó, chúng tôi đã lựa chọn đề tài: “Phát triển đội ngũ hiệu trưởng trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội theo tiếp cận năng lực” để nghiên cứu.