LA06.027_Phát triển bền vững ngành chế biến thủy sản tỉnh Bến Tre
Với vị trí tiếp giáp biển Đông và có đường bờ biển trãi dài trên 3.200 km, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng, lợi thế về phát triển ngành thuỷ sản so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, ngành CBTS Việt Nam đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế thông qua tỷ trọng đóng góp khá lớn trong cơ cấu GDP của các địa phương có biển, nhất là các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo số liệu thống kê, Việt Nam thuộc nhóm 04 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất trên thế giới, đứng đầu về sản phẩm cá tra, đứng thứ 3 về sản lượng tôm và hiện nay sản phẩm thủy sản chế biến của Việt Nam đã có mặt tại 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vì vậy, CBTS được nhiều tỉnh trong cả nước, trong đó có Bến Tre, xác định là ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung phát triển, nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành CBTS Việt Nam ngày càng đối mặt với nguy cơ thiếu bền vững. Vấn đề này được Chính phủ, cơ quan quản lý ngành quan tâm nghiên cứu, ban hành các chính sách và đề ra nhiều giải pháp khắc phục, nhằm góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định của ngành, nhưng kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Thực tế cho thấy, hoạt động chế biến thủy sản ở nước ta vẩn còn nhiều bất cập, đã và đang là thách thức, gây trở ngại cho sự phát triển bền vững của ngành, cụ thể như:khi duy trì tăng trưởng ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào thì xuất hiện những bất cập trong công đoạn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đạt được mục tiêu phát triển kinh tế thì phải giải quyết những vấn đề phát sinh về môi trường và xã hội,… Bên cạnh đó, những nghiên cứu về lý thuyết phát triển ngành CBTS qua lược khảo cho thấy chủ yếu tập trung phân tích, đánh giá các yếu tố tác động trên từng khía cạnh riêng biệt về kinh tế, xã hội và môi trường, chưa đi sâu nghiên cứu mối quan hệ, tác động qua lại giữa các trụ cột trong từng công đoạn hoạt động của ngành, cụ thể là từ đầu vào, sản xuất đến đầu ra. Theo đó, những kết quả nghiên cứu hiện hành chỉ công bố các tiêu chí đánh giá trên từng trụ cột và đề xuất các giải pháp riêng lẻ, chưa khái quát được những nhóm chính sách tạo hiệu ứng tương tác giữa ba trụ cột kinh tế xã hội-môi trường. Và cho đến nay, vẫn chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu xây dựng mô hình PTBV ngành CBTS theo hướng tiếp cận trên từng công đoạn hoạt động của ngành (đầu vào – sản xuất – đầu ra) kết hợp với xem xét mối tương quan giữa các yếu tố tác động đến lĩnh vực chế biến thủy sản, từ đó đề xuất chính sách PTBV phù hợp ngành CBTS Việt Nam.
Xuất phát từ yêu cầu đặt ra trong thực tiễn và nhằm đóng góp vào khoảng trống lý thuyết, tác giả luận án đã hình thành ý tưởng nghiên cứu, với mục tiêu chủ yếu là xây dựng khung phân tích PTBV ngành CBTS. Với quy trình và phương pháp nghiên cứu thích hợp, tác giả đã thiết lập mô hình lý thuyết PTBV ngành CBTS Việt Nam trong mối tương quan giữa các trụ cột kinh tế – xã hội – môi trường, đặc biệt là có xem xét sự gắn kết của các trụ cột trên từng công đoạn hoạt động của ngành, Trong đó, tác giả đặc biệt quan tâm vai trò thể chế trong điều phối phát triển hài hoà giữa các trụ
cột cấu thành sự phát triển bền vững của ngành CBTS. Trong nội dung của luận án, tác giả sẽ trình bày cụ thể phương pháp vận dụng mô hình đề xuất để kiểm định thực tiễn tại tỉnh Bến Tre – một địa phương có tiềm năng, lợi thế về chế biến thuỷ sản. Nội dung nghiên cứu sẽ tập trung phân tích, làm rõ những giả thuyết về mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành sự phát triển bền vững và vai trò điều tiết của Chính phủ đối với từng khía cạnh kinh tế – xã hội – môi trường thông qua kết quả kiểm định như sau:
(1) Hoạt động cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào tăng về chất lượng và số lượng sẽ là điều kiện tiên quyết giúp tăng sản lượng và đảm bảo chất lượng đầu ra, cũng như đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;
(2) Những giá trị đạt được về kinh tế sẽ tạo ra nguồn lực để góp phần đảm bảo phúc lợi và tạo việc làm cho người lao động, đồng thời là động lực thu hút nguồn lao động từ xã hội, ngược lại khi phúc lợi của người lao động được đảm bảo sẽ khuyến khích, thúc đẩy lực lượng lao động trong xã hội học nghề, phát triển ý tưởng và sáng tạo trong lao động, góp phần tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra lợi nhuận,thúc đẩy kinh tế phát triển;
(3) Hoạt động kinh tế có thể gây tác động tiêu cực đối với khả năng nuôi dưỡng, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Thực tế đã chứng minh, khi nguồn lợi thủy sản bị xâm hại sẽ không đảm bảo khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào cho hoạt động kinh tế;
(4) Phát thải từ hoạt động nuôi trồng sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào và gián tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của các chủ thể tham gia vào hoạt động chế biến thủy sản trong tương lai. Tuy nhiên, ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên và sự đa dạng chủng loại thủy sản của các chủ thể hoạt động trong ngành sẽ có tác động tích cực đến vấn đề bảo vệ môi trường nước, xử lý phát thải, nhằm góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu đã chứng minh có sự tương tác giữa các trụ cột cấuthành sự PTBV của ngành chế biến thủy sản, nhất là có sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi hoạt động của ngành (từ đầu vào, sản xuất đến đầu ra). Đây là những đóng góp mới của tác giả luận án đối với ngành chế biến thủy sảnViệt Nam mà các nghiên cứu trước đây chưa đề cập. Những khám phá mới này sẽ giúp các cơ quan hoạch định, phân tích chính sách đề ra giải pháp hạn chế tác động của những yếu tố bất lợi và gia tăng mức độ ảnh hưởng tích cực từ những hiệu ứng chính sách trong quá trình điều phối các hoạt động của ngành chế biến thủy sản, góp phần duy trì sự phát triển ổn định của ngành trong hiện tại và tương lai.
Tóm lại, luận án được thực hiện với mong muốn đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thực tiển, đồng thời góp phần bổ sung khoảng trống về hệ thống lý thuyết phát triển bền vững của ngành. Đồng thời, Tác giả hi vọng rằng, những kết quả nghiên cứu trên, sẽ là bộ tài liệu tham khảo, tư vấn có giá trị cho cơ quan quản lý chuyên ngành và Chính quyền các cấp nghiên cứu, khi vận dụng vào quá trình xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách PTBV ngành CBTS ở Việt Nam nói chung và tại tỉnh Bến Tre nói riêng