LA02.087_Phát triển bền vững hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân ở Việt Nam
Về lý luận
– Đưa ra quan điểm về phát triển bền vững (PTBV) hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND): Dựa trên cơ sở quan điểm chung về phát triển bền vững để hệ thống hóa, luận giải có tính biện chứng về phát triển bền vững nói chung và khái niệm về phát triển bền vững hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân nói riêng, phù hợp với đặc điểm của loại hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã.
– Lựa chọn các chỉ tiêu để đánh giá sự phát triển bền vững của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân: Chỉ tiêu định tính, chỉ tiêu định lượng và các chỉ tiêu liên kết hệ thống để đánh giá mức độ phát triển bền vững của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân ở Việt Nam.
Về mặt thực tiễn
– Phân tích thực trạng phát triển của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân về: Tổ chức hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân; Tổ chức, hoạt động của các tổ chức hỗ trợ hệ thống; Quản lý nhà nước đối với Quỹ tín dụng nhân dân để đánh giá sự phát triển bền vững của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân từ khi được thành lập đến nay trên các tiêu chí: Tính bền vững về mô hình tổ chức; Tính bền vững về các chỉ tiêu hoạt động; Tính bền vững thông qua các chỉ tiêu bền vững hệ thống. Từ đó xác định những hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các Quỹ tín dụng nhân dân, cũng như của hệ thống.
– Trên cơ sở tổng hợp, phân tích cơ hội, thách thức; xác định rõ định hướng phát triển Quỹ tín dụng nhân dân để đề xuất các giải pháp có cơ sở khoa học cho việc đảm bảo phát triển bền vững Quỹ tín dụng nhân dân ở Việt Nam trong thời gian tới: Giải pháp phát triển bền vững đối với từng Quỹ tín dụng nhân dân; Tăng cường tính liên kết giữa các Quỹ tín dụng nhân dân; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mô hình tổ chức, hoạt động cho các Quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức liên kết phát triển hệ thống; Tăng cường công tác thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước; Hỗ trợ, ủng hộ của chính quyền địa phương, của các tổ chức chính trị, xã hội; và sự tham gia của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.