LA01.086_Phát triển bền vững du lịch tỉnh Ninh Bình trong điều kiện hiện nay
2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
Mục tiêu nghiên cứu : Nhằm đề xuất giải pháp phát triển bền vững du lịch tỉnh Ninh Bình
Nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài:
– Hệ thống hóa và làm rõ hơn một số vấn đề lý luận cơ bản về phát triển bền vững du lịch của một địa phương.
– Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển bền vững du lịch Ninh Bình nhằm tìm ra những ưu điểm và hạn chế, đồng thời xác định các nguyên nhân của thực trạng đó làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp, kiến nghị.
– Nghiên cứu đề xuất giải pháp và kiến nghị nhằm phát triển bền vững du lịch tại Ninh Bình đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững du lịch Ninh Bình.
Phạm vi nghiên cứu
– Về nội dung: Đề tài tập trung nghiên cứu phát triển bền vững du lịch, các tiêu chí, mô hình và các nhân tố ảnh hướng đến phát triển bền vững du lịch.
– Về không gian: Nghiên cứu tại Ninh Bình, các dữ liệu sơ cấp được khảo sát tại những điểm du lịch nổi trội như danh thắng Tràng An, Vân Long,..
– Về thời gian: Đề tài tập trung nghiên cứu thực trạng từ 2007 đến năm 2016 và đề xuất giải pháp đến năm 2020 tầm nhìn 2030.
4. Những đóng góp mới của luận án
Đóng góp mới về mặt khoa học
– Tổng hợp các lý luận về phát triển bền vững du lịch của một địa phương trong ngoài nước, những nghiên cứu trước, những kinh nghiệm của những địa phương phát triển bền vững du lịch đi trước, làm rõ phát triển bền vững du lịch của địa phương theo tiêu chí bền vững kinh tế, tài nguyên, môi trường, xã hội.
– Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá bền vững du lịch cho một địa phương cấp tỉnh.
– Làm rõ bức tranh thực trạng phát triển bền vững du lịch của một địa phương, thông qua kết quả phân tích, chạy mô hình, chỉ ra những hạn chế cả về sốlượng, chất lượng hoạt động phát triển bền vững du lịch.
Đóng góp về mặt thực tiễn
Phân tích đánh giá về phát triển bền vững du lịch hiện nay của Ninh Bình, với những điều kiện ưu đãi về chính sách của nhà nước, rút ra những kết luận, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân những hạn chế từ đó đề xuất những giải pháp kiến nghị nhằm phát triển bền vững du lịch Ninh Bình:
Đối với Ủy Ban Nhân Dân, Sở Du lịch Ninh Bình: Phổ biến cơ chế, chính sách, pháp luật về du lịch cho các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cán bộ, nhân dân trong tỉnh; Đẩy mạnh công tác thực hiện quy hoạch chi tiết cho toàn tỉnh, đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư để phát triển du lịch; củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực; giải pháp tăng cường xúc tiến du lịch, kêu gọi đầu tư, liên kết hợp tác trong phát triển du lịch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động du lịch trên địa bàn; khắc phục những hạn chế bất cập, đối với phát triển bền vững du lịch trên địa Ninh Bình thời gian tới.
Đối với các doanh nghiệp du lịch: Có phương án kinh doanh, phương án bảo tồn tôn tạo tài nguyên du lịch, tài nguyên nhân văn hiệu quả, dựa trên những định hướng, những chính sách, quy hoạch sản phẩm, vùng, không gian phát triển du lịch của địa phương có phương hướng đầu tư vào sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Đối với cộng đồng địa phương: Thực hiện chủ trương định hướng của cơ quan quản lý về phát triển bền vững trên địa bàn. Tham gia đóng góp, kiến nghị với chính quyền, cơ quan quản lý về phát triển bền vững du lịch, quy hoạch du lịch tại địa phương.
5. Kết cấu của luận án
Nội dung chính của luận án được kết cấu thành 4 chương.
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu của đề tài
Chương 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững du lịch của một địa phương.
Chương 3. Thực trạng phát triển bền vững du lịch của Ninh Bình 2007-2016.
Chương 4. Một số giải pháp, kiến nghị nhằm phát triển bền vững du lịch Ninh Bình đến năm 2020, tầm nhìn 2030