LA06.010_Phát huy vai trò của Nhà nước trong phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam
1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI
Ở các quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử, Nhà nước đóng vai trò rất khác nhau, song vai trò cơ bản của Nhà nước thường bao gồm: cung cấp hàng hoá công; duy trì trật tự xã hội; hoạch định khung khổ thể chế điều tiết nền kinh tế; khắc phục những bất cập của thị trường; phân phối lại thu nhập và đảm bảo công bằng xã hội; đại diện hợp pháp cho quốc gia trên trường quốc tế; khuyến khích bảo tồn và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong nhiều trường hợp, Nhà nước đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, nhưng, nhiều trường hợp khác Nhà nước cũng có thể gây ra những tác hại lớn cho xã hội xuất phát từ những hạn chế của mình như đặt ra các chính sách sai lầm; gây ra tình trạng mất ổn định; can thiệp quá sâu vào các hoạt động kinh tế; dễ bị tổn thương trước làn sóng toàn cầu hoá; bộ máy cồng kềnh dẫn tới hiệu quả hoạt động kém; làm sói mòn năng lực cá nhân; tư tưởng vị kỷ, cục bộ trong đội ngũ quan chức.
Trong lĩnh vực phát triển DNNVV, sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế để thúc đẩy, hỗ trợ sự phát triển của các DNNVV xảy ra hết sức phổ biến cả ở các nước đang phát triển cũng như các nước phát triển. Ở các nước đang phát triển, kể từ những năm 1950 của thế kỷ trước, chính sách hỗ trợ DNNVV đã được nhiều nước áp dụng nhằm giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các vùng khó khăn. Trong những năm gần đây, sự chuyển đổi của một loạt các quốc gia từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường với định hướng phát triển nền kinh tế nhiều thành phần như Trung Quốc, Việt Nam,… cũng đã tạo cơ hội to lớn cho sự phát triển của khu vực DNNVV tại các quốc gia này. Ở nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản (nơi tập trung nhiều tập đoàn kinh tế lớn, nổi tiếng thế giới), Nhà nước cũng xác định vai trò quan trọng, lâu dài của DNNVV trong nền kinh tế, vì nó là bộ phận cấu thành không thể thiếu được của nền kinh tế, có mối quan hệ tương hỗ không thể tách rời nhau với các tập đoàn kinh tế, đặc biệt trong việc tạo dựng ngành công nghiệp bổ trợ và mạng lưới phân phối sản phẩm. Bên cạnh đó, với tính năng động cao, các DNNVV là trường học khởi nghiệp cho các doanh nhân và là môi trường tạo mối liên kết, tích tụ vốn để từng bước hình thành và phát triển các doanh nghiệp lớn. Thực tế ở các nước, đặc biệt ở các nền kinh tế mới phát triển, các doanh nghiệp lớn, kể cả các tập đoàn xuyên quốc gia đều hình thành từ các DNNVV cách đây 30, 40 năm. Mặc dù vậy, đặc điểm chung của DNNVV là thiếu vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý khiến họ khó có khả năng cạnh tranh hiệu quả ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, phần lớn các nước đều xác định việc Nhà nước hỗ trợ DNNVV không phải là chính sách tạm thời mà là một sự can thiệp lâu dài, toàn diện. Tuy nhiên hỗ trợ DNNVV như thế nào, vai trò của Nhà nước trong phát triển DNNVV như thế nào,
kinh nghiệm từ các nước chỉ ra những bài học rất khác nhau. Ở một số quốc gia, Nhà nước hết sức chủ động và can thiệp sâu bằng các chương trình phát triển DNNVV, trực tiếp cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV. Ở một số nước khác, Nhà nước lại chỉ giữ những vai trò tối thiểu, như duy trì một môi trường kinh doanh tốt chung cho mọi doanh nghiệp. Các học giả trên thế giới khá dễ dàng trong việc thống nhất về vai trò quan trọng của khu vực DNNVV đối với phát triển kinh tế song lại hết sức khác biệt trong quan điểm thế nào là vai trò hợp lý của Nhà nước
trong phát triển DNNVV.
Ở Việt Nam, cùng với sự lớn mạnh của đất nước, DNNVV giữ vai trò ngày càng quan trọng. Do vậy, việc cải cách tổ chức cũng như phương thức tác động của Nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động và đẩy mạnh quá trình phát triển của khu vực DNNVV là một việc làm cấp thiết và hết sức quan trọng. Với những lý do nêu trên, chủ đề “Phát huy vai trò của Nhà nước trong phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” được chọn làm đề tài nghiên cứu cho Luận án này với hy vọng góp phần nào đó vào việc giải quyết vấn đề đặt ra.
2. MỤC ĐÍCH, PHẠM VI, GIỚI HẠN CỦA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU
Mục đích nghiên cứu của đề tài gồm: Một là, hệ thống hóa, bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hai là, từ việc nghiên cứu những bài học kinh nghiệm của các nước và phân tích thực trạng vai trò của Nhà nước trong phát triển DNNVV ở Việt Nam, Luận án sẽ đưa ra những định hướng và biện pháp chủ yếu qua đó Nhà nước có thể phát huy tốt nhất vai trò của mình để phát triển khu vực Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.
Đối tượng nghiên cứu của luận án là khu vực Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam và vai trò của Nhà nước trong việc phát triển khu vực doanh nghiệp này thể hiện qua việc xây dựng và thực thi các chính sách tạo dựng môi trường kinh doanh, chính sách điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế, các chương trình hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các biện pháp hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về hỗ trợ, phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định theo định nghĩa nêu tại quy định tại Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ quy định các chính sách trợ giúp và quản lý Nhà nước về trợ giúp phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Nghị định 56/2009/NĐ-CP).
Phạm vi nghiên cứu: Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta hiện nay, vai trò của Nhà nước là rất rộng, bao trùm nhiều khía cạnh, lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội từ việc điều tiết vĩ mô, bảo đảm giữ vững các cân đối khách quan của nền kinh tế, chăm lo điều tiết phân phối tư liệu sản xuất, phân phối thu nhập và bảo đảm phúc lợi xã hội… Luận án chỉ giới hạn trong việc nghiên cứu những tác động của việc thực thi các vai trò cơ bản của Nhà nước trong phát triển DNNVV ở Việt Nam từ khi đổi mới kinh tế (năm 1986) cho đến nay, từ đó đề ra các định hướng, giải pháp cho thời gian tới.