ThS31_022_Phát huy tính tích cực tự lực của học sinh miền núi khi dạy học bài tập vật lí chương động lực học vật rắn (vật lí 12 – nâng cao)
I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Mục tiêu tổng quát của giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mĩ và hướng nghiệp, là đào tạo con người có nhân cách, có trí tuệ, năng động và sáng tạo, chủ động thích ứng với nền kinh tế tri thức và sự phát triển của thời đại. Mục tiêu này đã được đưa vào Luật giáo dục, thể hiện qua các nghị quyết của Đảng Cộng sản và cụ thể hoá trong các chương trình hành động của các cấp quản lí giáo dục, như văn kiện đại hội Đảng lần thứ X của Ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng sản khoá IX khẳng định: “…ưu tiên hàng đầu cho việc nâng cao chất lượng dạy và học. Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học…Phát huy khả năng sáng tạo và độc lập suy nghĩ của học sinh…”.
Điều 28 Luật giáo dục (2005) quy định: “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh, phù hợp với đặc điểm của từng môn học, lớp học, bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh…” Trong những năm gần đây định hướng đổi mới này đã và đang được thực hiện ở tất cả các cấp học, các môn học, được thể hiện bằng việc đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa và vận dụng các phương pháp dạy học tích cực trong dạy học. Việc làm này đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong dạy học và giáo dục. Tuy nhiên đối với một số trường THPT ở các tỉnh miền núi còn gặp
nhiều khó khăn trong việc đổi mới phương pháp dạy học, điều đó ảnh hưởng không ít đến việc đào tạo ra những con người có đủ năng lực và phẩm chất để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Trong dạy học, bài tập Vật lí là một phần hữu cơ của quá trình dạy học Vật lí vì nó cho phép hình thành và làm phong phú các khái niệm Vật lí, phát triển tư duy và thói quen vận dụng kiến thức Vật lí vào thực tiễn. Về phương diện giáo dục, việc giải các bài tập Vật lí sẽ giúp hình thành các phẩm chất cá nhân của học sinh như tình yêu lao động, trí tò mò, sự khéo léo, khả năng tự lực, hứng thú đối với học tập.
Trong thực tế dạy học, nhiều khi người học hiểu và nắm được nội dung lí thuyết, song cũng gặp rất nhiều khó khăn khi áp dụng kiến thức vào thực tiễn, vào việc giải các bài toán. Chẳng hạn học sinh có thể nhắc lại các định luật, quy tắc, công thức nhưng không biết vận dụng chúng như thế nào để giải một bài tập. Vì vậy việc rèn luyện, hướng dẫn học sinh giải các bài tập Vật lí là đặc biệt quan trọng, là biện pháp rất có hiệu quả để phát triển tư duy Vật lí cho học sinh.
Giải các bài tập Vật lí được xem như là mục đích, là phương pháp dạy học, là một phương pháp đơn giản để kiểm tra, hệ thống hoá kiến thức, kỹ năng và thói quen thực hành, cho phép mở rộng và làm sâu sắc kiến thức đã học. Qua giảng dạy và tìm hiểu thực tế dạy học vật lí ở một số trường THPT miền núi chúng tôi nhận thấy chất lượng học tập của học sinh còn thấp, học sinh chưa có
hứng thú học tập và đặc biệt đa số học sinh rất ngại làm bài tập. Có thể kể ra một số thực trạng sau:
* Về phía giáo viên:
– Trình độ năng lực tổ chức hoạt động dạy học của nhiều giáo viên còn hạn chế, phương pháp dạy học chủ yếu vẫn là truyền thụ một chiều.
– Thiếu kỹ năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại nên khó trực quan kiến thức làm cho học sinh giảm niềm tin vào khoa học.
* Về phía học sinh:
– Chưa xác định được động cơ học tập đúng đắn.
– Lối tư duy thụ động, ít quan tâm đến hiện tượng nên không hiểu bản chất, nên khi đọc bài tập học sinh rất khó định hướng cách giải mà trông chờ vào sự hướng dẫn của giáo viên.
– Nhiều học sinh ngại lao động trí óc, do dành nhiều thời gian vui chơi giải trí nên không chịu suy nghĩ làm bài tập, chỉ chờ “chép” bài của bạn hoặc trong sách giải bài tập.
– Một yếu tố khách quan là nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn nên các em có ít thời gian dành cho học tập, có ít tài liệu tham khảo, ít giao lưu, rụt rè, nhút nhát nên trình độ tư duy lí luận thấp.
Trước tình hình đó giáo viên cần trau dồi và tự nâng cao kiến thức và năng lực tổ chức hoạt động dạy học; cải tiến phương pháp dạy học cho phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế ở vùng miền. Là giáo viên dạy môn Vật lí ở trường THPT miền núi tôi mong muốn tìm ra một số giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn và hạn chế của việc dạy học bài tập Vật lí ở các trường THPT, góp phần từng bước nâng cao chất lượng dạy và học ở trường THPT miền núi. Với những lí do trên chúng tôi xác định đề tài nghiên cứu: “Phát huy tính tích cực, tự lực của học sinh miền núi khi dạy học bài tập Vật lí chƣơng “Động lực học vật rắn”(Vật lí 12 – Nâng cao)