LA32.022_Pháp luật về quyền của người chưa thành niên phạm tội ở Việt Nam
1. Tính cấp thiết của đề tài
Người chưa thành niên phạm tội (NCTNPT) là hiện tượng tồn tại ở tất cả các nước trên thế giới. Mọi quốc gia đều giải quyết vấn đề NCTNPT theo những mức độ, cách thức khác nhau tùy thuộc vào điều kiện, tập quán và pháp luật của mỗi nước. Ở góc độ quyền con người, quyền của NCTNPT được công nhận là quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Pháp luật về quyền của NCTNPT là công cụ quan trọng để NCTNPT bảo vệ quyền ngay cả khi các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi phạm tội, đồng thời là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn các chủ thể xâm phạm quyền của các đối tượng này trong quá trình tố tụng. Xuất phát từ quan điểm luôn coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam nên trong Chiến lược về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 định hướng 2020 chỉ rõ: “xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân” [7]. Đối với quyền của NCTNPT, Đảng và Nhà nước có chính sách pháp luật phù hợp với mức độ hành vi, sự phát triển về tâm, sinh lý và nhận thức của các đối tượng này, trong đó có chính sách hình sự đối với NCTNPT.
Hiện nay ở Việt Nam, dưới góc độ lý luận pháp luật về quyền của NCTNPT đã được nghiên cứu ở khía cạnh này hoặc khía cạnh khác. Tuy nhiên, chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện, có hệ thống về vấn đề này để làm nền tảng lý luận cho việc đánh giá thực trạng pháp luật về quyền của NCTNPT.
Về mặt thực tiễn, từ khi phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em (gọi tắt là Công ước quyền trẻ em) vào năm 1990, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, theo hướng nội luật hóa các nguyên tắc của Công ước quyền trẻ em vào pháp luật và thực tiễn quốc gia. Chính sách pháp luật của nước ta từ trước tới nay đều hướng đến việc cải tạo NCTNPT thành những công dân có ích cho xã hội. Hệ thống các văn bản pháp luật về giáo dục, đối xử và bảo vệ các quyền hợp pháp của NCTNPT được ban hành tạo nên sự hài hoà hơn với Công ước quyền trẻ em. Các văn bản pháp luật này, cùng với các biện pháp đã được áp dụng trong thực tiễn góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống vi phạm pháp luật ở người chưa thành niên (NCTN), mặt khác tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc bảo vệ quyền của NCTNPT. Trong thời gian qua, Nhà nước tiếp tục quan tâm ghi nhận các quyền của NCTNPT trong các văn bản quy phạm pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Những văn bản quy phạm pháp luật này là cơ sở pháp lý quan trọng để NCTNPT được hưởng quyền, đồng thời đó chính là các bảo đảm về mặt pháp lý yêu cầu các chủ thể có thẩm quyền phải tiến hành nhằm đáp ứng việc hưởng quyền của NCTNPT. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, một số quy phạm pháp luật về quyền của NCTNPT còn bất cập, chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống, thiếu tính khả thi, lạc hậu, thậm chí mâu thuẫn. Tất cả những điều này đã và đang làm cho một số trường hợp NCTNPT không được hưởng quyền, lợi ích chính đáng của mình; bên cạnh đó cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền của các đối tượng này còn chưa phù hợp, gây khó khăn, cản trở quá trình thực thi pháp luật.
Thực trạng nêu trên đặt ra yêu cầu cấp thiết nghiên cứu hoàn thiện hệ thống các quy phạm pháp luật về quyền của NCTNPT nhằm nâng cao hiệu quả ngăn ngừa vi phạm quyền của các đối tượng này, đồng thời đảm bảo NCTN vẫn được hưởng quyền khi tham gia vào các quan hệ pháp luật với tư cách là người phạm tội. Đặc biệt, trong xu thế mở cửa hội nhập sâu với thế giới, Việt Nam đã
ký nhiều điều ước quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em trong đó có các quyền của NCTNPT thì việc nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về quyền của NCTNPT rất cấp thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Xuất phát từ những lý do trên nghiên cứu sinh đã chọn đề tài: “Pháp luật về quyền của người chưa thành niên phạm tội ở Việt Nam” để nghiên cứu viết luận án tiến sĩ Luật học