ThS01.184_Phân tích đánh giá thực trạng sử dụng đất trong mối quan hệ với Quy hoạch nông thôn mới phục vụ quản lý đất đai huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
Đất đai giữ một vai trò đặc biệt quan trọng, là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng.
Đất đai là điều kiện chung đối với mọi quá trình sản xuất và hoạt động của con người, là điều kiện cho sự sống của động – thực vật và con người trên trái đất. Đất đai tham gia vào tất cả các ngành kinh tế của xã hội. Tuy vậy, đối với từng ngành cụ thể đất đai có vị trí khác nhau. Trong công nghiệp và các ngành khác ngoài nông nghiệp, trừ công nghiệp khai khoáng, đất đai nói chung làm nền móng, làm địa điểm, làm cơ sở để tiến hành các thao tác. Trái lại, trong nông nghiệp đặc biệt là ngành trồng trọt đất đai có vị trí đặc biệt. Đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp, nó vừa là đối tượng lao động, vừa là tư liệu lao động. Bởi vậy việc sử dụng đất tiết kiệm có hiệu quả và bảo vệ lâu bền nguồn tài nguyên vô giá này là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp bách đối với mỗi quốc gia.
Với sự phát triển của nền kinh tế – xã hội hiện nay cùng với sự bùng nổ về dân số đã tạo áp lực rất lớn cho vấn đề sử dụng và bảo vệ đất. Vấn đề sử dụng quỹ đất một cách hợp lý và bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Mặt khác, nông dân và nông thôn là một bộ phận không thể tách rời trong sự phát triển chung của toàn xã hội. Thực tế hiện nay cho thấy sự phát triển giữa nông thôn và đô thị phân cách ngày càng xa. Khu vực nông thôn chưa được quan tâm phát triển một cách toàn diện. Từ những thực tế trên, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/04/2009 về bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới và Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/06/2010 về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 để thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện về nông thôn. Quy hoạch nông thôn mới là quy hoạch tổng hòa của quy hoạch sử dụng đất – quy hoạch sản xuất – quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là một trong 14 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Long An có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa khá nhanh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm qua ổn định ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch rất nhanh từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại – dịch vụ. Từ tháng 01 năm 2012, huyện đã triển khai thực hiện công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên 17 xã của địa bàn huyện Đức Hòa. Bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực về diện mạo nông thôn, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Công tác quản lý, sử dụng đất đai trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển mạnh về kinh tế – xã hội của huyện cũng đã phát sinh nhiều vấn đề về môi trường, về sử dụng đất như: ô nhiễm môi trường nặng nề ở các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, ô nhiễm ở các khu dân cư, đô thị… Nhiều khu công nghiệp, khu dân cư mới, khu dân cư vượt lũ chưa khai thác hết tiềm năng theo quy hoạch gây lãng phí tài nguyên đất, một số khu dân cư, chợ tự phát xung quanh khu công nghiệp không theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường. Một số quy hoạch sử dụng đất đã duyệt chưa được triển khai thực hiện, kê biên đã lâu nhưng chưa áp giá bồi thường… gây thiệt hại về kinh tế cho cả Nhà nước lẫn nhân dân.
Với những lý do nêu trên, nhằm đánh giá lại thực trạng sử dụng đất, thực trạng công tác xây dựng nông thôn mới và đề xuất hướng sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên đất trên địa bàn huyện Đức Hòa, tôi thực hiện đề tài “Phân tích đánh giá thực trạng sử dụng đất trong mối quan hệ với Quy hoạch nông thôn mới phục vụ quản lý đất đai huyện Đức Hòa, tỉnh Long An”.