LA06.026_Phân tích cấu trúc cầu các sản phẩm thịt và cá nghiên cứu thực nghiệm theo tiếp cận kinh tế lượng cho trường hợp Việt Nam
Luận án này tiến hành một phân tích kinh tế lượng về cấu trúc cầu các sản phẩm thịt và cá ở Việt Nam, có tính đến sự khác nhau trong hành vi cầu giữa các hộ gia đình ở khu vực thành thị và nông thôn, cũng như giữa các nhóm thu nhập khác nhau. Qua đó xác định các kiểu hình chi tiêu cho các sản phẩm thịt, cá của hộ gia đình ở Việt Nam. Mục đích chính của nghiên cứu này là nhằm xác định dạng hàm cầu nào là phù hợp nhất với dữ liệu nghiên cứu của Việt Nam cho các mặt hàng thịt và cá. Trên cơ sở hàm cầu được lựa chọn cho ước lượng, các độ co dãn của cầu theo giá và theo thu nhập cho các mặt hàng thịt và cá được tính toán nhằm xác định các kiểu hình chi tiêu và cung cấp các bằng chứng thực tiễn cho các nhà hoạch định chính sách để thiết kế các chính sách liên quan đến lĩnh vực tiêu dùng thực phẩm nói chung và cho các sản phẩm thịt và cá nói riêng. Nghiên cứu này sử dụng bộ dữ liệu chéo của một cuộc khảo sát về mức sống hộ gia đình năm 2008 VHLSS2008) được thu thập bởi Tổng cục Thống kê Việt Nam. Nghiên cứu này là khá mới bởi vì nó dựa trên dữ liệu ở mức độ hộ gia đình, trong khi hầu hết các nghiên cứu trước đây về cầu thực phẩm ở Việt Nam sử dụng dữ liệu tổng hợp cho nhóm các mặt hàng tiêu dùng thực phẩm hoặc tổng hợp các nhóm nhân khẩu học. Sử dụng dữ liệu ở mức độ hộ gia đình cho phép chúng ta phân tích các tác động của các biến nhân khẩu học quan trọng ảnh hưởng đến các kiểu hình tiêu dùng thực phẩm nói chung và thịt, cá nói riêng ở Việt Nam. Phương pháp hồi quy kiểm duyệt (censored
regression) áp dụng cho hệ thống các phương trình hàm cầu được sử dụng để phân tích các kiểu hình tiêu dùng thịt và cá. Phương pháp này cho phép bao gồm một số lượng lớn các quan sát không được tiêu dùng (zero consumption) đối với một số loại mặt hàng thịt và cá do một số hộ gia đình không mua trong suốt giai đoạn khảo sát. Hệ thống hàm cầu hai bước được ước lượng trong nghiên cứu này. Trong giai đoạn thứ nhất, tỷ lệ Mill nghịch đảo (Inverse Mill Ratio – IMR) được ước lượng bằng cách sử dụng mô hình hồi quy Probit. Ở giai đoạn thứ hai, biến IMR tính ở giai đoạn một được thêm vào các mô hình hàm cầu để ước lượng như là một biến giải thích. Mô hình hàm cầu với các ràng buộc về tính đồng nhất và tính đối xứng được áp đặt trong các mô hình được ước lượng. Các tham số của mô hình ước lượng được sử dụng để tính độ co dãn của cầu theo giá Hicksian và Marshallian và độ co dãn của cầu theo chi tiêu (thu nhập) cho các mặt hàng thịt và cá ở Việt Nam.
Nghiên cứu này sử dụng ba mô hình kinh tế lượng khác nhau cho phân tích cầu tiêu dùng các sản phẩm thịt và cá, đó là mô hình Working – Leser, mô hình LA/AIDS và mô hình LA/QUAIDS. Tác giả luận án đã tiến hành các đánh giá, so sánh để xác định dạng hàm nào là phù hợp nhất với dữ liệu nghiên cứu của Việt Nam thông qua các tiêu chuẩn để lựa chọn dạng hàm là hệ số xác định R
hiệu chỉnh và thực hiện một kiểm định thống kê (kiểm định Wald). Kết quả xác định dạng hàm LA/QUAIDS là phù hợp nhất bởi vì hệ số xác định R2 hiệu chỉnh là lớn nhất trong ba mô hình ước lượng và kết quả kiểm định Wald đã bác bỏ đặc trưng mô hình hình LA/AIDS, ủng hộ dạng hàm LA/QUAIDS. Kết quả này ngụ ý rằng dạng hàm LA/AIDS được dùng phổ biến trong phân tích cầu tiêu dùng, có đường cong Engel là tuyến tính trong chi tiêu sẽ không không đưa ra được một bức tranh chính xác về hành vi cầu của các hộ gia đình được xem xét trong nghiên cứu này.Với những phát hiện này, luận án ước lượng hệ thống hàm cầu gần như lý tưởng bậc hai (QUAIDS – Quadractic Almost Ideal Demand System). Dạng hàm QUAIDS là một tổng quát hóa của dạng hàm AIDS, nó cho phép một mối quan hệ bậc hai giữa tỷ phần ngân sách dành cho chi tiêu (budget share) và tổng chi tiêu hay thu nhập. Mô hình QUAIDS được sử dụng để ước lượng các phương trình hàm cầu cho bốn sản phẩm thịt và cá (thịt lợn, thịt bò, thịt gà và cá).
Kết quả nghiên cứu đã kết luận rằng kiểu hình chi tiêu các sản phẩm thịt và cá của người dân Việt Nam hiện nay là tương tự như kiểu hình chi tiêu ở các nước phương Tây cách đây 20 năm về trước. Hay nói cách khác, kiểu hình chi tiêu của người dân Việt Nam hiện nay đã có sự thay đổi đáng kể. Kết quả cũng khẳng định mặt hàng cá đã giành được một vị trí quan trọng trong chế độ ăn uống của người dân Việt Nam như được chỉ ra bởi độ co dãn theo chi tiêu cao (co dãn nhiều) và độ co dãn theo giá riêng thấp (ít co dãn). Kết quả phân tích còn chỉ ra rằng thịt lợn là hàng hóa thiết yếu, trong khi đó thịt bò, thịt gà và cá là hàng hóa xa xỉ. Đối với mặt hàng thịt lợn và cá, cầu hai mặt hàng này là ít co dãn theo giá. Ngược lại, cầu cho hai mặt hàng thịt bò và thịt gà lại nhạy cảm hơn về giá. Tất cả các độ co dãn bù đắp (Hicksian) theo giá chéo đều dương nên có thể kết luận rằng các mặt hàng thịt và cá là thay thế ròng cho nhau. Kết quả nghiên cứu còn chỉ ra rằng các kiểu hình chi tiêu
là khác nhau giữa những hộ gia đình ở khu vực thành thị và nông thôn, cũng như giữa các hộ gia đình ở các nhóm thu nhập khác nhau. Điều này ngụ ý rằng một phân tích chính xác các kiểu hình chi tiêu cho các sản phẩm thịt và cá ở Việt Nam đòi hỏi một phân tích tách biệt theo các nhóm có tính đến sự khác biệt trong hành vi cầu tiêu dùng cụ thể. Nghiên cứu cũng cho thấy các biến nhân khẩu học như: quy mô hộ gia đình, giới tính, học vấn của chủ hộ và các biến địa lý học như: yếu tố khu vực thành thị và nông thôn, yếu tố vùng miền có ảnh hưởng có ý nghĩa lên cầu tiêu dùng các sản phẩm thịt và cá.
Một số kiến nghị về chính sách chủ yếu cũng được đưa ra, chẳng hạn như: (1) Đối với mặt hàng cá, đề nghị rằng các nhà làm chính sách nên thiết kế các chính sách hướng vào thu nhập (ví dụ như làm tăng thu nhập của hộ gia đình) sẽ có tác động lớn hơn vào việc thúc đẩy tiêu dùng mặt hàng này hơn là các chính sách giá có liên quan. (2) Còn đối với các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, và thịt gà nên thực hiện một sự phối hợp cả hai chính sách giá cả và thu nhập mới có thể đem lại hiệu quả hơn trong việc tác động đến kiểu hình tiêu dùng thịt lợn, thịt gà và thịt bò hơn là chỉ sử dụng một trong hai chính sách đó. (3) Khuyến nghị Chính phủ nên hướng vào việc gia tăng sản lượng sản xuất hai mặt hàng cá và thịt lợn để vừa mang lại lợi ích cho người dân, vừa góp phần phát triển kinh tế đất nước. Để chính sách khuyến khích sản xuất (tăng cung) có hiệu quả thì Chính phủ cần phải có các chính sách hỗ trợ người sản xuất như hỗ trợ lãi suất vay vốn hoặc giảm thuế thu nhập hoặc trợ giá, chính sách đầu tư,…(4) Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các can thiệp về giá của Chính phủ có thể không dẫn đến những tác động trở lại về giá đáng kể nào trong nền kinh tế đối với các mặt hàng thịt và cá. (5) Các chính sách về thực phẩm nên được thiết kế dựa trên các kiểu hình tiêu dùng cụ thể theo từng khu vực thành thị và nông thôn, cũng như theo từng nhóm hộ gia đình có thu nhập khác nhau