LA15.022_Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến cán cân vãng lai của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Những đóng góp mới
Luận án đã phát triển một hướng nghiên cứu mới về cán cân vãng lai (CCVL) bằng việc sử dụng mô hình nghiên cứu phối hợp nhiều cách tiếp cận và phân tích ảnh hưởng của nhiều yếu tố đến các cán cân thành phần của CCVL. Nghiên cứu này đã làm rõ nhiều yếu tố tác động đến CCVL của Việt Nam có tác động đến các cán cân thành phần với chiều hướng có thể khác nhau và triệt tiêu nhau và do đó làm thay đổi chiều hướng tác động tới CCVL nói chung; điều này góp phần giải thích cho sự đa dạng của các kết quả nghiên cứu quốc tế trước đây về chiều hướng tác động của nhiều yếu tố đến cán cân vãng lai.
Kết quả nghiên cứu của luận án cho thấy: (1) khủng hoảng kinh tế năm 2008 có tác động tích cực đến CCVL trực tiếp và thông qua cán cân thu nhập trong khi không thể hiện rõ chiều hướng tác động đến cán cân thương mại, (2) giá quốc tế của các nhóm hàng khác nhau ảnh hưởng đến CCVL theo chiều hướng khác nhau, trong đó nguyên liệu nông sản và năng lượng có tác động tích cực còn nguyên liệu công nghiệp và thực phẩm có tác động tiêu cực, (3) lãi suất quốc tế có ảnh hưởng tích cực đến CCVL và các cán cân thành phần trong cả ngắn hạn và dài hạn, (4) giai đoạn phát triển kinh tế ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân vãng lai do trình độ phát triển kinh tế còn ở mức chưa đủ để sự thặng dư của cán cân vãng lai bù đắp cho thâm hụt do vay mượn để đầu tư phát triển thời kỳ trước, (5) FDI trực tiếp tác động tiêu cực đến cán cân vãng lai mặc dù khối doanh nghiệp FDI quyết định thặng dư thương mại, (6) các yếu tố lãi suất trong nước, lạm phát, giai đoạn phát triển và NFA có tác động tiêu cực còn độ mở thương mại có tác động tích cực đến cán cân vãng lai nhưng các yếu tố có tác động theo chiều hướng khác nhau đến các cán cân thành phần của cán cân vãng lai.
Những đề xuất rút ra từ kết quả nghiên cứu
Từ các kết quả phân tích đặc điểm cán cân vãng lai và ảnh hưởng của các yếu tố đến CCVL của Việt Nam, luận án đã xác định những nguy cơ mất cân bằng bền vững của CCVL của Việt Nam và đưa ra các kiến nghị nhằm đảm bảo cân bằng bền vững gồm: (1) tập trung vào hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế, (2) tiếp tục khuyến khích FDI nhưng tập trung vào một số ngành trọng điểm và có biện pháp khích lệ tái đầu tư, (3) tăng năng lực sản xuất trong nước theo hướng chú trọng vào công nghiệp phụ trợ và gia công chế biến có lựa chọn (4) chính sách tỷ giá linh hoạt theo các biến động của thị trường, (5) thu hẹp dần chênh lệch lãi suất trong nước và quốc tế, (6) tiếp tục khuyến khích kiều hối và sử dụng hàng tiêu dùng nội địa.