LA20.083_Những thay đổi điện sinh lý thần kinh cơ trên bệnh nhân hồi sức
Bệnh thần kinh cơ do mắc bệnh trầm trọng (critical illness neuromyopathy) thường xảy ra trên bệnh nhân được điều trị tại khoa hồi sức tích cực, nhất là trên những bệnh nhân được điều trị kéo dài. Các thể bệnh thường gặp là bệnh đa dây thần kinh do mắc bệnh trầm trọng (critical illness polyneuropathy), bệnh cơ do mắc bệnh trầm trọng (critical illness myopathy) hoặc phối hợp cả hai. Hơn thế, bệnh lí này có thể làm cho bệnh nhân phải thở máy kéo dài, nằm viện kéo dài, làm giảm khả năng phục hồi, tăng chi phí điều trị và tăng tỉ lệ tử vong trong bệnh viện [22], [155]. Triệu chứng thường gặp của những rối loạn thần kinh cơ trên bệnh nhân được điều trị hồi sức là yếu liệt kiểu ngoại biên. Tuy nhiên, việc nhận ra và xác định từng thể bệnh thần kinh cơ qua thăm khám lâm sàng tương đối khó khăn. Và càng khó khăn hơn nếu bệnh nhân có rối loạn ý thức, sử dụng thuốc an thần hay có bệnh hệ thần kinh trung ương [33], [58]. Do đó, ứng dụng chẩn đoán điện vào chẩn đoán các bệnh lí thần kinh cơ trên những bệnh nhân hồi sức có biểu hiện yếu liệt kiểu ngoại biên là rất hữu ích. Các kỹ thuật khảo sát dẫn truyền thần kinh, ghi điện cơ kim cùng nhiều kỹ huật khác là công cụ hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ lâm sàng thần kinh trong việc phát hiện, xác định và theo dõi điều trị các nhóm bệnh thần kinh cơ [5], [115].
Bệnh đa dây thần kinh do mắc bệnh trầm trọng được mô tả đầu tiên vào năm 1984. Từ đó đến nay có nhiều báo cáo về bệnh thần kinh cơ do mắc bệnh trầm trọng được công bố tại các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Hà lan. Các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa hội chứng đáp ứng viêm hệ thống và suy đa cơ quan với sự xuất hiện của bệnh thần kinh cơ do mắc bệnh trầm trọng. Những yếu tố có liên quan khác gồm nhiễm trùng huyết, sử dụng thuốc chẹn thần kinh cơ, sử dụng corticosteroid, tăng đường huyết và thở máy [33]. Cho đến hiện tại, mọi nổ lực để điều trị bệnh thần kinh cơ do mắc bệnh trầm trọng tập trung vào việc ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ, điều trị tích cực bệnh lí chính, sử dụng insulin tăng cường và tập vật lí trị liệu sớm. Tuy nhiên, cơ chế bệnh sinh vẫn chưa được sáng tỏ, làm cho việc quản lí bệnh gặp nhiều khó khăn [61], [91]. Vì vậy, bệnh thần kinh cơ do mắc bệnh trầm trọng vẫn là vấn đề đang được quan tâm và nghiên cứu.
Tại Việt Nam, các tác giả Lê Quang Cường, Nguyễn Hữu Công là những người đầu tiên ứng dụng chẩn đoán điện vào chẩn đoán, theo dõi điều trị bệnh thần kinh cơ [5], [6]. Cho đến hiện tại, chuyên ngành này đang bắt đầu được chú trọng và phát triển. Năm 2010, tác giả Lê Thị Thúy An thực hiện đánh giá các tổn thương thần kinh trên bệnh nhân hồi sức bằng điện cơ. Tác giả đã xác định được tỉ lệ bệnh đa dây thần kinh trên bệnh nhân hồi sức và các yếu tố nhiễm trùng huyết và suy đa cơ quan có liên quan với thể bệnh này [1]. Tuy nhiên, cỡ mẫu trong nghiên cứu của tác giả còn hạn chế và vẫn chưa xác định được tỉ lệ chung của bệnh thần kinh cơ do mắc bệnh trầm trọng, tỉ lệ các thể bệnh cơ do mắc bệnh trầm trọng, thể hỗn hợp cũng như chưa mô tả được cụ thể sự thay đổi của các thông số điện sinh lý thần kinh cơ trên bệnh nhân hồi sức. Hiện tại, các công trình nghiên cứu tương đối đầy đủ và có hệ thống về bệnh thần kinh cơ trên bệnh nhân hồi sức trong nước vẫn còn rất ít.
Với những lí do nêu trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Những thay đổi điện sinh lý thần kinh cơ trên bệnh nhân hồi sức” nhằm cung cấp những số liệu cụ thể về những thay đổi điện sinh lý thần kinh cơ trên bệnh nhân hồi sức, từ đó xác định tỉ lệ các thể bệnh thần kinh cơ do mắc bệnh trầm trọng và các yếu tố liên quan.
MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
1. Mô tả tỉ lệ và đặc điểm lâm sàng của bệnh thần kinh cơ do mắc bệnh trầm trọng trên bệnh nhân hồi sức.
2. Mô tả những thay đổi điện sinh lý thần kinh cơ trên bệnh nhân hồi sức bằng phương pháp khảo sát dẫn truyền thần kinh và ghi điện cơ kim.
3. Xác định các yếu tố liên quan với bệnh thần kinh cơ do mắc bệnh trầm trọng trên bệnh nhân hồi sức