ThS33.059_Nhận diện ca dao người Việt từ 1945 đến nay
v
1. Lí do chọn đề tài
Trong kho tàng văn học dân gian của người Việt, ca dao là phần phong phú và có giá trị nhất về mặt trí tuệ, tình cảm cũng như nghệ thuật biểu hiện. Nếu như tục ngữ thiên về nhận thức lý tính, đúc kết kinh nghiệm từ thực tế cuộc sống thì ca dao lại mang nội dung trữ tình, là tấm gương trung thực phản ánh cuộc sống tình cảm muôn màu, muôn vẻ của nhân dân. Cũng như văn học viết và các thể loại văn học dân gian khác, ca dao người Việt luôn có sự vận động qua các giai đoạn. Trong đó đáng chú ý là mảng ca dao người Việt từ 1945 đến nay. Mặc dù mới xuất hiện trong hơn nửa thế kỉ –
khoảng thời gian không dài so với tiến trình lịch sử – song đã có rất nhiều công trình lấy ca dao người Việt từ 1945 đến nay làm đối tượng nghiên cứu. Trong những công trình ấy, các nhà khoa học chủ yếu nghiên cứu sự vận động của ca dao về phương diện đề tài, cảm hứng sáng tác, nhân vật trữ tình, ngôn ngữ, thể thơ không gian – thời gian nghệ thuật, hình thức diễn xướng, thi pháp… mà
chưa có nghiên cứu nào đề cập đến việc nhận diện ca dao người Việt từ 1945 đến nay. Xuất phát từ thực tiễn nghiên cứu nêu trên, chúng tôi chọn Nhận diện ca dao người Việt từ 1945 đến nay làm đề tài nghiên cứu của luận văn.
Ở luận văn này, chúng tôi bước đầu nghiên cứu những tác phẩm đã được sưu tầm và biên soạn với mục đích chỉ ra được những đặc điểm của ca dao người Việt trong sự tồn tại, vận động của thể loại. Từ đó thấy được sự kế thừa, tiếp thu cũng như sự sáng tạo các yếu tố thuộc thể loại của ca dao người Việt từ 1945 đến nay so với ca dao người Việt truyền thống. Thấy được ý nghĩa của ca dao người Việt từ 1945 đến nay trong tiến trình tồn tại, vận động của thể loại. Qua đó, chúng tôi có thể khám phá được những giá trị đặc sắc về mặt nội dung, nghệ thuật cũng như nhận diện được ca dao người Việt từ 1945 đến nay