LA29.001_Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin phục vụ du lịch tại Việt Nam
1. Tính cấp thiết của đề tài luận án
Trong vài thập kỉ gần đây, cùng với những thành tựu phát triển kinh tế của đất nước, ngành du lịch đã mang lại cho nền kinh tế quốc dân một nguồn thu đáng kể.Đảng và Nhà nước ta xác định “Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, X cũng chỉ rõ “Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, xếp thứ hai về doanh thu trong số các ngành xuất khẩu của Việt Nam”. Để phát triển nhanh, bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, ngành du lịch không chỉ tự thân nỗ lực, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thông tin và hoạt động thông tin du lịch (HĐTTDL). Có thể thấy, thông tin được tổ chức tốt là cơ sở để các nhà quản lí hoạch định chính sách phát triển du lịch, để cán bộ du lịch nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn. Ngoài ra, thông tin còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân địa phương về vai trò của du lịch. Đặc biệt, thông tin là chiếc “cầu nối” giữa điểm du lịch với du khách, là công cụ tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến hữu hiệu làm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và khách du lịch.
Hiểu được tầm quan trọng của thông tin, những năm qua, ngành du lịch đã dành nguồn kinh phí không nhỏ đầu tư cho hoạt động thông tin (HĐTT) với một mạng lưới các cơ quan thông tin (CQTT) rộng khắp trên toàn quốc và phát hành nhiều loại sản phẩm thông tin (SPTT) du lịch nhằm giới thiệu đất nước, con người và du lịch Việt Nam… Các SPTT du lịch này được đưa tới người dùng tin (NDT) qua các dịch vụ như cung cấp tài liệu gốc, thông tin du lịch trực tuyến, trao đổi thông tin, tư vấn thông tin, phổ biến thông tin… và được truyền tải trên nhiều phương tiện thông tin khác nhau. Những hoạt động này phần nào đáp ứng được nhu cầu tin (NCT) của NDT và các lĩnh vực liên quan. Bên cạnh những mặt đạt được, HĐTT phục vụ du lịch còn nhiều hạn chế, các CQTT hoạt động còn mang tính đơn lẻ, chưa mang tính hệ thống, thiếu sự điều hành giám sát của cơ quan quản lí các cấp. Các sản phẩm và dịch vụ thông tin (SP&DVTT) du lịch còn trùng lặp, thiếu tính chuyên nghiệp, việc cung cấp thông tin nhiều khi chưa kịp thời, chính xác, thậm chí nhiều doanh nghiệp vì mục đích lợi nhuận đã đưa ra những thông tin quảng cáo thiếu tính trung thực… Điều này không những gây tâm lí không tốt, không thiện cảm cho khách, cho doanh nghiệp du lịch, mà còn dẫn đến tình trạng khó quản lí thông tin, hoạch định chính sách phát triển thị trường du lịch Việt Nam.
Nguyên nhân của những hạn chế trên có nhiều, song chủ yếu là do HĐTTDL chưa được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương. Đến nay vẫn chưa có một cơ sở dữ liệu (CSDL) du lịch dùng chung cho toàn ngành, thiếu sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lí, doanh nghiệp du lịch, người làm du lịch, thậm chí cả của những người dân địa phương và du khách… dẫn đến
HĐTTDL đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Xuất phát từ thực tiễn trên, việc nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin phục vụ du lịch (HTTTDL) đảm bảo sự thống nhất từ trung ương đến địa phương, từ cơ quan quản lí các cấp đến từng đơn vị, đảm bảo việc bổ sung, chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các CQTT trong toàn ngành với mục tiêu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời đến NDT du lịch trong và ngoài nước trở nên cần thiết và cấp bách. Vì vậy, chúng tôi chọn “Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin phục vụ du lịch tại Việt Nam” làm đề tài luận án tiến sĩ chuyên ngành khoa học thông tin – thư viện