LA20.029_Nghiên cứu xác định hợp chất phenol từ nhựa và vỏ quả Mù u để ứng dụng trong kiểm nghiệm
Cây Mù u có tên khoa học là Calophyllum inophyllum L. Clusiaceae còn gọi là Hồ đồng, Khung tung, Khehyong, từ lâu đã được nhân dân ta sử dụng các bộ phận khác nhau như: hạt, dầu hạt, nhựa cây, rễ, lá để chữa một số bệnh. Có thể kể như: dầu ép từ hạt Mù u dùng chữa ghẻ, nấm tóc và các bệnh về da nói chung, chữa viêm dây thần kinh trong bệnh cùi, chống nhiễm khuẩn vết thương và bôi trị thấp khớp [2].
Tại Ấn độ, toàn cây Mù u dùng làm thuốc chữa bệnh thấp khớp và các bệnh ngoài da. Nước ép dùng làm thuốc tẩy xổ và dầu hạt cũng được chỉ định dùng để trị bệnh thấp khớp và các bệnh về da như: bệnh ghẻ, bệnh herpes mảng tròn, bệnh da. Vỏ cây dùng chữa xuất huyết nội và là một chất làm se. Tại Buso và Papua New Guinea, nhựa mủ từ lá được pha loãng với nước và dung dịch này được bôi lên mắt bị kích ứng. Chất gôm làm thuốc gây nôn và thuốc tẩy xổ [9]. Tổng quan về cây Mù u cho thấy có các thành phần hóa học thuộc nhóm coumarin, xanthon, flavonoid, dẫn xuất chromanon, triterpen, steroid chứa trong nhiều bộ phận khác nhau như: lá, quả, hạt, phần tiếp xúc với không khí, vỏ rễ, gỗ. Trong đó các hợp chất phenol thuộc nhóm coumarin, xanthon, flavonoid và neoflavonoid được nghiên cứu có các tác dụng sinh học đáng kể như: kháng virus, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng viêm, chống ung thư, chống oxy hóa [9], [43]. Cụ thể các inophyllum B và P có tác dụng ức chế HIV -1 Reverse Transcriptase và hoạt tính kháng HIV-1 trong môi trường nuôi cấy tế bào [21], hoặc gần đây tại Pháp, các nhà khoa học đã xác định trong nhựa tách từ dầu Mù u trồng ở Polynesia thuộc Pháp một số coumarin thuộc các họ: inophyllum, calanolid, inocalophyllin và tamanolid trong đó đáng quan tâm nhất là calophyllolid, chất có tác dụng ngăn chặn ung thư bằng cách ức chế elastase [101]. Do có nhiều chất có hoạt tính sinh học như vậy, các bộ phận của cây Mù u là đối tượng có tiềm năng rất lớn sử dụng làm thuốc và trong nghiên
cứu phát hiện các chất làm thuốc.
Tại Việt Nam, Mù u khai thác bằng cách đập quả bỏ vỏ, lấy hạt để ép dầu. Tinh chế dầu thô bằng cách loại nhựa để thu được dầu Mù u dược dụng. Nhựa loại ra khi tinh chế dầu Mù u và vỏ quả Mù u Việt nam chưa được nghiên cứu để sử dụng. Dầu Mù u được dùng riêng hoặc phối hợp với các dược liệu khác sử dụng rộng rãi để trị bỏng, viêm loét da, làm mau lành các vết thương… Về mặt tiêu chuẩn hóa thì chỉ tiêu định tính dầu Mù u theo dược điển Việt Nam chưa đủ đặc hiệu và không dễ thực hiện do chưa có dầu Mù u chuẩn hoặc chất chuẩn đối chiếu [1]. Các dược điển: Hoa kỳ 2012, Anh 2013, châu Âu 7.0, Nhật 2006, Quốc tế 4, Trung quốc 2010 đều chưa thấy có chuyên luận về các bộ phận dùng cũng như các chế phẩm từ dược liệu Mù u.
Tiêu chuẩn cơ sở của dầu Mù u cũng như các chế phẩm từ dầu Mù u này tuy đã có nhưng chưa đáp ứng với các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc đối với cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu của tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO) [121] mà Bộ Y tế đã đưa ra lộ trình áp dụng kể từ ngày 01/01/2014 vì không có chỉ tiêu xác định thành phần có hoạt tính hoặc chất điểm chỉ do thiếu chất chuẩn đối chiếu và phương pháp phân tích, kiểm nghiệm tin cậy.
Tại Việt nam, ngoài công trình của tác giả Trần Thanh Thạo về phân lập và xác định cấu trúc của calophyllolid từ hạt cây Mù u mọc tại Việt Nam [5], có rất ít công trình nghiên cứu xác định hợp chất phenol từ nhựa loại bỏ khi tinh chế dầu Mù u cũng như vỏ quả Mù u. Vì vậy, đề tài: “Nghiên cứu xác định hợp chất phenol từ nhựa và vỏ quả Mù u để ứng dụng trong kiểm nghiệm” được thực hiện với các mục tiêu nghiên cứu cụ thể sau:
– Nghiên cứu xác định hợp chất phenol từ nhựa và vỏ quả Mù u mọc ở Việt Nam bằng một số kỹ thuật sắc ký và phổ nghiệm để chọn chất điểm chỉ dùng trong kiểm nghiệm nguyên liệu và chế phẩm từ dược liệu Mù u.
– Nghiên cứu thiết lập 01 chất chuẩn đối chiếu để định tính và 01 dùng cho định lượng trong số các hợp chất phenol phân lập được.
– Ứng dụng chất chuẩn đối chiếu đã thiết lập để kiểm nghiệm nguyên liệu và chế phẩm từ dược liệu Mù u. Để đạt được các mục tiêu trên, chúng tôi đã tiến hành các nội dung sau đây:
– Xây dựng quy trình chiết xuất một số hợp chất phenol từ nhựa và vỏ quả Mù u.
– Phân lập, tinh chế và xác định cấu trúc một số hợp chất phenol từ nhựa và vỏ quả Mù u.
– Xây dựng bộ dữ liệu nhận dạng chất chuẩn đối chiếu, các chỉ tiêu chất lượng và phương pháp phân tích để đánh giá chất lượng của chất chuẩn đối chiếu.
– Xây dựng và thẩm định một số phương pháp xác định chất điểm chỉ để ứng dụng trong kiểm nghiệm nguyên liệu và chế phẩm từ dược liệu Mù u.
Việc nghiên cứu xác định các hợp chất phenol và ứng dụng trong kiểm nghiệm này cũng nhằm mở ra triển vọng khai thác, tận thu bằng cách xác định giá trị của nhựa cũng như vỏ quả là những phần được xem là dư phẩm trong quá trình sản xuất dầu Mù u dược dụng