LA20.069_Nghiên cứu ứng dụng điều trị phẫu thuật thoát vị bẹn bằng tấm lưới nhân tạo có nút (mesh-plug)
Hiện nay, mổ thoát vị bẹn vẫn còn là một vấn đề đang được các nhà ngoại khoa quan tâm. Bằng chứng hơn 130 năm qua, dựa vào kỹ thuật mổ của Bassini đã có hơn 100 loại phẫu thuật cải biên khác của nhiều tác giả được áp dụng trên khắp thế giới nhằm mục đích chọn ra được một phương pháp tối ưu mang lại kết quả điều trị tốt nhất như: tránh tái phát, hạ thấp tỉ lệ các tai biến, biến chứng trong và sau mổ, hậu phẫu đơn giản, rút ngắn thời gian nằm viện và có tính thẩm mỹ [44]. Các phẫu thuật tái tạo thành bụng để điều trị thoát vị bẹn có sử dụng cấu trúc giải phẫu là phương pháp xuất hiện và phổ biến rộng rãi đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên, các loại phẫu thuật sử dụng cấu trúc giải phẫu này vẫn còn gặp không ít khó khăn trong những trường hợp thoát vị bẹn mà cấu trúc các thành của ống bẹn bị phá hủy, hư hại và biến đổi nhiều. Hơn thế nữa, sức căng của đường khâu gây đau kéo dài sau mổ và đôi khi gây ra sự thiếu máu làm các tổ chức liền không tốt có thể dẫn tới nguy cơ tái phát.
Để loại bỏ sự căng của đường khâu tái tạo thành bụng bằng mô tự thân một cách có hiệu quả người ta dùng tấm lưới nhân tạo vá vào vị trí suy yếu của thành sau ống bẹn. Vì vậy, người ta chấp nhận sử dụng tấm lưới nhân tạo trong điều trị thoát vị bẹn, đây là phẫu thuật không tạo nên sức căng của các cấu trúc thành ống bẹn. Năm 1965, Rives sau đó là Détrie rồi Stoppa, Rotkow, Robbins đã tiến hành mổ thoát vị bẹn bằng phương pháp đặt tấm lưới nhân tạo cho kết quả tỉ lệ tái phát thấp: kỹ thuật Stoppa (1,5%), kỹ thuật Rives (1,6%), kỹ thuật Lichtenstein (<1%). Năm 1986, Lichteinsten đã dùng mảnh ghép đặt vào khoang trước phúc mạc để điều trị thoát vị bẹn, đạt được kết quả tốt [52], [96]. Năm 1989, Lichtenstein I.L., Shulman A.G., Amid P.K. và Montlor M.M. đã dùng tấm lưới nhân tạo có nút (Mesh-Plug) để tái tạo sự khiếm khuyết của sàn ống bẹn [63]. Sau đó lần lượt Gilbert năm 1992, Rutkow và Robbins năm 1993 lần lượt đưa ra luận điểm và áp dụng kỹ thuật này. Cho đến nay kỹ thuật mổ dùng tấm lưới nhân tạo có nút (Mesh-Plug) trong bệnh lý thoát vị bẹn đã và đang được áp dụng khá rộng rãi nhờ nhiều ưu điểm nổi bật [98], [99].
Phương pháp phẫu thuật dùng tấm lưới nhân tạo có nút (Mesh-Plug) ở Việt Nam hiện còn mới mẻ, chưa được áp dụng một cách rộng rãi. Tuy nhiên, với nhiều ưu điểm như các tác giả trên thế giới đã ghi nhận, chúng tôi mạnh dạng tiến hành công trình nghiên cứu về phương pháp phẫu thuật này đối với người Việt Nam. Đồng thời góp phần làm phong phú thêm các phương pháp mổ điều trị thoát vị bẹn ở Việt Nam. Do đó, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài “NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG ĐIỀU TRỊ PHẪU THUẬT THOÁT VỊ BẸN BẰNG TẤM LƯỚI NHÂN TẠO CÓ NÚT (MESH-PLUG)” với mục tiêu:
– Nghiên cứu các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, chỉ định điều trị và đặc điểm phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn bằng tấm lưới nhân tạo có nút (Mesh-Plug).
– Đánh giá kết quả phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn bằng tấm lưới nhân tạo có nút (Mesh-Plug)