LA41.015_Nghiên cứu tuyển chọn giống lúa ngắn ngày và một số biện pháp kỹ thuật thâm canh phục vụ sản xuất tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ
1. Tính cấp thiết của đề tài
Cây lúa (Oryza sativa L.) là loại cây lương thực chính có từ lâu đời cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Ở Việt Nam, tập quán canh tác cây lúa đã đi vào văn hóa, xã hội và hình thành nên nền văn hóa trồng lúa nước đặc sắc, riêng biệt với những nấc thăng trầm của lịch sử phát triển của đất nước. Ngoài ra, sản phẩm từ lúa gạo là thức ăn không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân Việt Nam nói riêng và của đông đảo cộng đồng dân cư trên thế giới nói chung. Việt Nam là một nước nông nghiệp với trên 75% dân số sống phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp và 100% người Việt Nam sử dụng lúa gạo làm lương thực chính. Tính đến năm 2014, diện tích đất trồng lúa ở nước ta là 7,8 triệu ha, tổng sản lượng lúa đạt 44,84 triệu tấn, năng suất trung bình đạt 57,4 tạ/ha. Vì vậy, chúng ta không những có đủ lương thực tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực mà còn dư một lượng lớn để phục vụ xuất khẩu [125].
Theo thống kê, xuất khẩu gạo năm 2014 đạt gần 6,38 triệu tấn, trị giá 2,96 tỷ USD, giảm 3,25% về lượng nhưng tăng nhẹ 1,03% về kim ngạch so với năm 2013 và đứng thứ 3 trên thế giới sau Ấn Độ, Thái Lan [126]. Góp phần vào thành tích to lớn trên trước hết phải kể đến sự đóng góp quan trọng của các giống lúa mới cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chủ trương chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp. Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB) có diện tích lúa gieo cấy hàng năm khoảng 373,3 ngàn ha, chiếm 4,78% diện tích lúa cả nước. Năm 2014, sản lượng lúa toàn vùng đạt 2,185 triệu tấn, chiếm 4,87% sản lượng lúa cả nước; năng suất lúa bình quân toàn vùng đạt 58,5 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân cả nước 1,1 tạ/ha [125]. Mặc dù diện tích và sản lượng lúa toàn vùng so với cả nước không lớn nhưng đây là vùng có điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến khá phức tạp khá bất lợi cho sản xuất nông nghiệp; Tình hình hạn hán, thiếu nước ngày càng có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu cho sản xuất lúa. Trước những thách thức đó, đòi hỏi các nhà khoa học, phải nghiên cứu và đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu tác động của thời tiết, tăng năng suất, sản lượng lúa, đảm bảo được an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững của vùng.
Những năm gần đây, các giống lúa mới có năng suất cao và biện pháp kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất đã nâng cao năng suất và sản lượng lúa gạo của vùng. Tuy nhiên, giống lúa được sử dụng chủ yếu trong sản xuất tại các địa phương trong vùng đa số là những giống lúa có năng suất cao nhưng phẩm chất gạo thấp, một số giống có thời gian sinh trưởng dài, khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận kém như Q5, Khang dân 18, DV108, Ải 32, IR17494, Xi23, NX30… Vì thế, việc nghiên cứu tuyển chọn giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, có năng suất, chất lượng khá, ít nhiễm sâu bệnh hại nhằm bổ sung vào cơ cấu giống lúa, tạo điều kiện thuận lợi để bố trí mùa vụ né tránh thiên tai hạn hán, lũ lụt ở những vùng sản xuất lúa khó khăn trong điều kiện khí hậu biến đổi như hiện nay là thực sự cần thiết. Xuất phát từ những vấn đề trên, chúng tôi tiến hành đề tài: “Nghiên cứu tuyển chọn giống lúa ngắn ngày và một số biện pháp kỹ thuật thâm canh phục vụ sản xuất tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ”
2. Mục đích đề tài
Tuyển chọn được giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh hại, năng suất cao, ổn định, chất lượng khá; và đề xuất một số biện pháp kỹ thuật canh tác (thời vụ gieo, lượng giống gieo sạ, liều lượng bón đạm) nhằm phục vụ sản xuất thâm canh lúa tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ