LA41.017_Nghiên cứu tuyển chọn giống lúa ngắn ngày và một số biện pháp kỹ thuật thâm canh phục vụ sản xuất tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ
1. Tính cấp thiết của đề tài
Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB) có diện tích lúa hàng năm khoảng 373,3 ngàn ha, chiếm 4,78% diện tích lúa cả nước. Năm 2014, sản lượng lúa toàn vùng đạt 2,185 triệu tấn, chiếm 4,87% sản lượng lúa cả nước; năng suất lúa bình quân toàn vùng đạt 58,5 tạ/ha[125]. Mặc dù diện tích và sản lượng lúa toàn vùng so với cả nước không lớn nhưng đây là vùng có điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến khá phức tạp khá bất lợi cho sản xuất nông nghiệp; Tình hình hạn hán, thiếu nước ngày càng có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu cho sản xuất lúa. Trước những thách thức đó, đòi hỏi các nhà khoa học, phải nghiên cứu và đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu tác động của thời tiết, khí hậu để tăng năng suất, sản lượng lúa, đảm bảo được an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững của vùng.
Những năm gần đây, các giống lúa mới có năng suất cao và biện pháp kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất đã nâng cao năng suất và sản lượng lúa gạo của vùng. Tuy nhiên, giống lúa được sử dụng chủ yếu trong sản xuất tại các địa phương trong vùng đa số là những giống lúa có năng suất cao nhưng phẩm chất gạo thấp, một số giống có thời gian sinh trưởng dài, khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận kém như Q5, Khang dân 18, DV108, Ải 32, IR17494, Xi23, NX30… Vì thế, việc nghiên cứu tuyển chọn giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, có năng suất, chất lượng khá, ít nhiễm sâu bệnh hại nhằm bổ sung vào cơ cấu giống lúa, tạo điều kiện thuận lợi để bố trí mùa vụ né tránh thiên tai hạn hán, lũ lụt ở những vùng sản xuất lúa khó khăn trong điều kiện khí hậu biến đổi như hiện nay là thực sự cần thiết. Xuất phát từ những vấn đề trên, chúng tôi tiến hành đề tài: “Nghiên cứu tuyển chọn giống lúa ngắn ngày và một số biện pháp kỹ thuật thâm canh phục vụ sản xuất tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ”
2. Mục đích của đề tài
Tuyển chọn được giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh hại, năng suất cao, chất lượng khá; và đề xuất một số biện pháp kỹ thuật chủ yếu (thời vụ gieo, mật độ sạ, liều lượng bón đạm) nhằm phục vụ sản xuất thâm canh lúa tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ