LA02.133_Nghiên cứu tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nhân tố hấp thụ lên tăng trưởng kinh tế
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.
o Đối tượng nghiên cứu.
Đối tượng nghiên cứu của luận án: Mối quan hệ của FDI và tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Xem xét mối quan hệ đó trong tác động của các nhân tố hấp thụ và một số biến kiểm soát nhằm xem xét tính vững trong khủng hoảng thể hiện qua các nhân tố như tăng trưởng kinh tế, FDI, thể chế kinh tế, giáo dục, tự do kinh tế, cơ sở hạ tầng, minh bạch chính phủ và tập hợp các biến kiểm soát có liên quan.
o Phạm vi nghiên cứu.
• Không gian nghiên cứu.
Dữ liệu được thu thập cho nghiên cứu gồm 33 quốc gia theo các tiêu chí: thứ nhất, những quốc gia được Ngân hàng Thế giới phân loại vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình hoặc thấp bao gồm các quốc gia có tổng thu nhập quốc gia trên đầu người từ 876 đến 3.465 USD một năm. Thứ hai, các quốc gia có dân số vào năm 2014 trên 3,5 triệu người để bộ dữ liệu đồng bộ, tránh trường hợp những quốc gia có dân số quá ít, có khả năng có GDP trên đầu người quá cao dẫn đến kết quả thống kê bị lệch lạc. Thứ ba, những quốc gia được chọn trong mẫu nghiên cứu có thực hiện chiến lược phát triển kinh tế hướng ngoại với trọng tâm là thu hút vốn FDI, căn cứ theo mục tiêu hành động trong giai đoạn và chính sách thu hút đầu tư FDI của các quốc gia đó. Ngoài ra, chọn lọc các quốc gia trong mẫu nghiên cứu trên có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam như cùng gắn liền với một số hiệp định thương mại và lưu chuyển dòng vốn, cùng đặc điểm dân cư,… để có thể so sánh.
• Khoảng thời gian.
Dữ liệu về các biến trong mô hình được thu thập từ bộ dữ liệu World Development Indicators (WDI) phát hành bởi Ngân hàng Thế giới (World Bank), ngoại trừ chỉ số tự do kinh tế Index of economic freedom (IEF) do tổ chức The Heritage Foundation và Wall Street Journal thu thập và tính toán, trong giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2014 (từ năm 1995, dữ liệu cho toàn bộ các quốc gia được chọn nghiên cứu mới có sẵn).
Ngoài ra, các dữ liệu về thực trạng ở Việt Nam về tăng trưởng kinh tế, tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài được thu thập chủ yếu chủ yếu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam và Cục Đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 1988 -2014.
5. Kết cấu của luận án.
Luận án được trình bày trong sáu phần. Cụ thể:
i. Phần giới thiệu: đặt vấn đề, lý do lựa chọn đề tài, câu hỏi nghiên cứu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đềtài;
ii. Chương 1: Tác động của FDI và các nhân tố hấp thụ lên tăng trưởng kinh tế: khung lý thuyết và bằng chứng thực nghiệm.
iii. Chương 2: Thực trạng về FDI và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam giai đoạn 1988 – 2014.
iv. Chương 3 : Mô hình và phương pháp nghiên cứu
v. Chương 4: Phân tích tác động của FDI và các nhân tố hấp thụ lên tăng trưởng kinh tế
vi. Chương 5: Tổng kết và hàm ý chính sách.
6. Một số phát hiện và đóng góp lý luận của nghiên cứu
Một mô hình dựa trên các điều kiện yếu tố vĩ mô sẽ không thực sự vững vàng nếu mô hình đó chỉ được kiểm chứng trong góc độ quốc gia. Vì vậy, luận án đã tiến hành lựa chọn và đề xuất những yếu tố phù hợp nhất, cũng như lựa chọn những biến đại diện cho các yếu tố đó trên cơ sở các quốc gia nhằm lập thành bộ dữ liệu bảng.
Sau đây là một số tóm tắt về phát hiện của luận án:
Xét về yếu tố FDI, kết quả cho thấy ở những quốc gia có thu nhập trung bình thấp, FDI không có tác động tức thời lên tăng trưởng kinh tế mà phải sau khoảng một năm thì FDI mới thực sự phát huy vai trò thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, sau khoảng hai năm, có vẻ như các quốc gia đã không sử dụng tốt nguồn vốn này nên dẫn tới việc làm thu hẹp và hạn chế tăng trưởng kinh tế. Vì vậy có thể nói rằng, việc quá kỳ vọng tác động tích cực sẽ kéo dài sẽ là điều sai lầm ở các quốc gia này.
Nền kinh tế tự do (ECOFREE), có tác động cùng chiều lên sự phát triển kinh tế tại nhóm nước trong mẫu nghiên cứu, thể hiện tác động tăng cường của ECOFREE đến hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng của FDI. Đối với Việt Nam, cần tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tham gia các khu vực mậu dịch tự do với các đối tác kinh tế – thương mại quan trọng nhằm mở rộng quan hệ ngoại thương, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu.
Chất lượng lao động (chỉ số phát triển con người – HDI), có tác động lên tăng trưởng kinh tế trong hầu hết trường hợp. Kết quả cho thấy ở Việt Nam, việc phát triển con người cao hơn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn FDI, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Việt Nam cũng như từng địa phương cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực vừa đảm bảo và không nên quá tập trung vào số lượng để đảm bảo chất lượng phục vụ tăng trưởng kinh tế, hướng đến những chuẩn mực của thế giới, nhất là khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và toàn cầu.
Về yếu tố Minh bạch chính phủ (chỉ số minh bạch chính phủ – TRANS). Kết quả nghiên cứu của luận án cho thấy ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp nói chung (trong đó có Việt Nam), thì hệ số của biến tương tác gặp phải nghịch lý. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hệ số tương tác (FDI*TRANS*VN) có ý nghĩa kinh tế rất cao và có tương quan dương điều đó thể hiện trong những năm gần đây, khi Chính phủ thực sự chú trọng đến việc tăng cường hiệu quả quản lý đã tạo được tác động tích cực góp phần gia tăng hiệu quả của dòng vốn FDI vào GDP.
Cơ sở hạ tầng (INFRAS) thể hiện sự đổi mới công nghệ, đầu tư xây dựng cơ bản của quốc gia có tác động cùng chiều và là nhân tố giúp hấp thụ FDI. Theo như hệ số của biến tương tác thì khi Việt Nam xây dựng tốt cơ sở hạ tầng thì sẽ đón nhận được hiệu quả lớn hơn từ FDI mang lại. Điều này dẫn đến khuyến nghị về việc cần phải hoạch định xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại hoá trong tương lai