LA20.091_Nghiên cứu sự thay đổi nồng độ cortisol máu, hoc mon tăng trưởng, hoc mon tuyến giáp và hoc mon tuyến sinh dục ở bệnh nhân chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não (CTSN) là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế nhiều nhất, với nhiều hậu quả nghiêm trọng như: mất ý thức, thay đổi hành vi, rối loạn tâm thần… Tại Mỹ, có khoảng 180-250 người bị chấn thương sọ não mỗi năm trên 100.000 dân [23]. Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt trong năm 2013 cả nước đã xảy ra 31.266 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.805 người, bị thương 32.253 người (trung bình mỗi ngày có 27 người chết, 88 người bị thương) trong đó chủ yếu là chấn thương sọ não. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, trong 06 tháng đầu năm 2014 có 7.183 bệnh nhân chấn thương sọ não nhập viện, trong đó có 521 bệnh nhân tử vong, chiếm tỷ lệ 7,3%. Chấn thương sọ não có thể dẫn đến suy tuyến yên. Phẫu thuật tử thi trên những bệnh nhân chết do chấn thương sọ não nặng đã phát hiện hoại tử tuyến yên trên 1/3 các trường hợp [30],[31],[76]. Nhiều nghiên cứu hồi cứu, báo cáo ca bệnh và các nghiên cứu tiền cứu gần đây đã chứng minh có tình trạng suy tuyến yên cấp hoặc mạn tính sau chấn thương sọ não [25],[54]. Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu khảo sát chức năng tuyến yên trên bệnh nhân chấn thương sọ não. Nghiên cứu của tác giả Fatih Tanriverdi (2006) cho thấy tỷ lệ thiếu hụt hoc mon ACTH, FSH/LH, TSH trong giai đoạn cấp của chấn thương sọ não lần lượt là 9,8%, 41,6%, 5,8%; và tỷ lệ này sau 12 tháng theo dõi là 19,2%, 7,7%, 5,8% [96].
Hoạt động của tuyến yên là cơ chế bảo vệ quan trọng trong giai đoạn cấp sau chấn thương sọ não, đặc biệt là trục hạ đồi – tuyến yên – thượng thận. Rối loạn của trục này có thể đe dọa tính mạng người bệnh; suy thượng thận không được điều trị có thể làm tình trạng huyết động không ổn định và dự hậu xấu. Nghiên cứu của tác giả Bernard [26] cho thấy việc dùng hydrocortisone trên bệnh nhân suy thượng thận sau chấn thương sọ não sẽ cải thiện di chứng (đánh giá bằng thang điểm tiên lượng Glasgow) sau 6 tháng. Ngoài ra, thiếu hụt các hoc mon khác của tuyến yên như hoc mon tăng trưởng, hoc mon hướng giáp và hoc mon hướng sinh dục có thể xảy ra trong giai đoạn cấp hoặc giai đoạn di chứng sau chấn thương sọ não. Tỷ lệ mới mắc suy tuyến yên gia tăng theo thời gian sau chấn thương sọ não, những bệnh nhân có chức năng tuyến yên bình thường trong giai đoạn cấp có thể trở nên suy tuyến yên sau 03 – 06 tháng. Suy tuyến yên, đặc biệt là suy thượng thận thứ phát, trong giai đoạn cấp CTSN có thể đe dọa tính mạng người bệnh; trong khi suy tuyến yên giai đoạn di chứng sau CTSN có thể làm suy giảm quá trình hồi phục và giảm chất lượng cuộc sống bệnh nhân [48],[54],[88].
Suy tuyến yên sau chấn thương sọ não vẫn chưa được quan tâm trong khi số lượng bệnh nhân chấn thương sọ não ở Việt Nam rất nhiều. Tại Việt Nam hiện nay chưa có nghiên cứu nào đánh giá chức năng tuyến yên trên bệnh nhân chấn thương sọ não trong giai đoạn cấp, cũng như trên bệnh nhân bị di chứng sau chấn thương sọ não. Vì những lý do trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm xác định tỷ lệ của suy tuyến yên trong giai đoạn cấp và giai đoạn 06 tháng sau chấn thương sọ não. Mục đích nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng và cần chẩn đoán sớm suy tuyến yên sau chấn thương sọ não tại Việt Nam.
MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
1. Xác định tỷ lệ suy thượng thận thứ phát, giảm hoc mon tăng trưởng, suy giáp thứ phát và suy sinh dục thứ phát ở bệnh nhân chấn thương sọ não giai đoạn cấp.
2. Xác định mối liên quan của thiếu hụt các hoc mon tuyến yên giai đoạn cấp và tử vong trong vòng 06 tháng sau chấn thương sọ não.
3. Xác định tỷ lệ mới mắc và tỷ lệ hồi phục suy thượng thận thứ phát, giảm hoc mon tăng trưởng, suy giáp thứ phát và suy sinh dục thứ phát ở bệnh nhân chấn thương sọ não giai đoạn sau 06 tháng.
4. Xác định mối liên quan của độ nặng chấn thương sọ não, di chứng chấn thương sọ não, tuổi, giới tính với tỷ lệ suy tuyến yên