ThS16.21_Nghiên cứu phát triển các mô hình sinh thái rừng phòng hộ ven hồ Hoà Bình
Vùng đầu nguồn sông Đà là vùng phòng hộ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ta. Trong những năm qua, cùng với việc xây dựng đập Hoà Bình là việc khai thác rừng bừa bãi, tập quán canh tác trên đất dốc không đúng kỹ thuật của dân cư địa phương rất phổ biến (như đốt nương làm rẫy và thức sử dụng đất không hợp lý…). Hậu quả là tài nguyên đất, rừng nơi đây đang đứng trước nguy cơ suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, kinh tế xã hội cũng như đời sống cộng đồng dân cư trong khu vực. Do vậy, việc phục hồi, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn khu vực xung yếu nói chung và ở khu vực vùng lòng hồ sông Đà nói riêng đang là vấn đề cấp bách trong những năm gần đây.
Theo Đặng Huy Huỳnh (1990), diện tích lưu vực hồ Hoà Bình là 2.567.000 ha, trong đó diện tích rừng trên lưu vực chỉ còn 266.000 ha. Lượng bùn cát lắng đọng hàng năm do mưa, bão, trượt lở trung bình khoảng 83,6 triệu tấn. Với tốc độ đó sau 25 năm lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình sẽ mất 60% dung tích chính. Theo Lưu Danh Doanh (Trung tâm khảo quản lý và khảo sát môi trường) [38] thì “Lưu vực sông Đà và hồ chứa Hoà Bình thuộc khu vực có cường độ xói mòn vào loại mạnh nhất so với các lưu vực sông khác ở nước ta. Trung bình hàng năm trên 1km bị mất đi khoảng 20.000 – 40.000 tấn đất màu. Mức độ bồi lắng của hồ Hoà Bình thuộc loại nghiêm trọng”.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do rừng phòng hộ trong khu vực đã, đang bị suy thoái nghiêm trọng, chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường của rừng bị suy giảm. Hậu quả trực tiếp của việc mất rừng và suy thoái rừng là xói mòn, mất đất, bồi lắng lòng hồ do các nguyên nhân khác nhau. Do vậy, kiểm soát sự mất đất do xói mòn đã trở thành vấn đề mang tính cấp thiết. Một trong những biện pháp quan trọng là trồng rừng hay phục hồi lại rừng đã mất. Trong những năm qua, nhà nước đã triển khai rất nhiều các chương trình, dự án nhằm khôi phục lại diện tích rừng đã bị tàn phá tại khu vực ven hồ sông Đà (như chương trình PAM, dự án 661, dự án RENFODA- JICA…). Các chương trình, dự án đã thiết kế và triển khai nhiều mô hình trồng rừng và bước đầu mang lại những hiệu quả nhất định về mặt môi trường vùng đầu nguồn. Tuy vậy, những nghiên cứu chuyên sâu mang tính quan trắc theo thời gian của các công trình trên còn hạn chế. Vì vậy để đóng góp các cơ
sở khoa học cho vấn đề này, chúng tôi tiến hành đề tài “Nghiên cứu phát triển các mô hình sinh thái rừng phòng hộ ven hồ Hoà Bình. (Thí điểm tại tiểu khu 54 lòng hồ sông Đà và Khoảnh 3 xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình)”.