LA01.080_Nghiên cứu năng lực cạnh tranh ngành nông nghiệp Việt Nam Tiếp cận đa cấp độ
Mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu
Luận án này có mục tiêu chung là cung cấp tổng quan lý thuyết kinh tế về năng lực cạnh tranh một cách có hệ thống đồng thời phân tích năng lực cạnh tranh ngành nông nghiệp Việt Nam ở nhiều mức độ khác nhau, phạm vi khác nhau với các cách tiếp cận khác nhau trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, tái cấu trúc ngành nông nghiệp và gia nhập vào thị trường toàn cầu. Luận án có bốn mục tiêu nghiên cứu cụ thể như sau: (i) một là đánh giá năng lực cạnh tranh tĩnh và động của ngành nông nghiệp Việt Nam; (ii) hai là nghiên cứu và so sánh năng lực cạnh tranh tĩnh và động của ngành nông nghiệp của các nước trong khu vực ASEAN; (iii) ba là đo lường lợi thế cạnh tranh của ba ngành hàng nông nghiệp canh tác trên cùng một khu vực là lúa, dừa và bưởi; (iv) cuối cùng là phân tích tính đồng nhất và so sánh về mặt lý thuyết sự khác nhau và hàm ý của các cách tiếp cận đo lường năng lực cạnh tranh khác nhau.
Để thực hiện các mục tiêu nghiên cứu trên, các câu hỏi nghiên cứu sau đây cần phải được trả lời: (i) một là liệu ngành nông nghiệp Việt Nam có lợi thế năng lực cạnh tranh tĩnh và động hay không? (ii) hai là liệu các quốc gia trong khu vực ASEAN có lợi thếcạnh tranh về ngành nông nghiệp không? Các quốc gia đó cạnh tranh hay bổ sung cho nhau trên thị trường nông sản thế giới? (iii) ba là các ngành sản xuất lúa, dừa và bưởi ở Bến Tre ngành nào có lợi thế cạnh tranh cao hơn? Người nông dân và địa phương nên đầu tư phát triển ngành nào? (iv) câu hỏi cuối cùng là liệu các chỉ số thương mại quốc tế có đồng nhất với nhau không? Các chỉ số năng lực cạnh tranh thương mại và kinh tế-sản xuất khác và giống nhau như thế nào?
1.4. Tóm tắt phương pháp, phạm vi và dữ liệu
Luận án này trước tiên sử dụng các chỉ số thương mại quốc tế như RCA, RTA, NRCA, TCI và ESI để đạt được mục tiêu nghiên cứu số một và số hai. Các phương pháp phân tích hồi quy OLS, ma trận Markov và phân tích xu hướng được áp dụng để phân tích tính biến động của năng lực cạnh tranh nông nghiệp theo thời gian. Mục tiêu nghiên cứu thứ ba đạt được bằng các chỉ số kinh tế trong mô hình PAM kết hợp với các tiếp cận phân tích độ nhạy. Cả khung phân tích kinh tế và thương mại được kiểm định và so sánh tính tương đồng và khác biệt khi đo lường năng lực cạnh tranh nông nghiệp.
Về dữ liệu, cách tiếp cận thương mại sử dụng dữ liệu thứ cấp từ UN Comtrade cho Việt Nam và các nước ASEAN trong giai đoạn 1997-2015. Các chỉ số kinh tế sử dụng sốliệu sơ cấp thu thập trực tiếp tại tỉnh Bến Tre năm 2017 và số liệu thứ cấp từ GSO, ITC, FAO, và WB.
1.5. Cấu trúc luận án
Luận án này bao gồm 7 chương. Sau chương giới thiệu, chương 2 sẽ tổng quan lý thuyết về năng lực cạnh tranh. Chương 3 giải thích các phương pháp nghiên cứu và dữ liệu sử dụng cho luận án. Chương 4, 5, 6 trình bày kết quả nghiên cứu. Chương 7 sẽ đưa ra kết luận và các gợi ý chính sách.