LA20.011_Nghiên cứu mối liên quan giữa biểu hiện tim với mục tiêu theo khuyến cáo ESC-EASD ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có tăng huyết áp
1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu
Đái tháo đường (ĐTĐ) và Tăng huyết áp (THA) là hai bệnh lý mãn tính không chỉ chiếm tỷ lệ khá cao mà còn đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng trên toàn cầu. Thống kê của Liên đoàn đái tháo đường thế giới năm 2013 cho thấy có 382 triệu người mắc bệnh ĐTĐ và ước tính sẽ tăng đến 592 triệu người vào năm 2035 [43]. Tương tự, THA cũng gia tăng từ 972 triệu người mắc bệnh năm 2000
(26%) lên đến 1,56 tỷ người vào năm 2025 (29%) [45]. Bệnh THA thường đi kèm với ĐTĐ đã được chứng minh qua nhiều công trình nghiên cứu [68], [69], [96], với tần suất ước tính dao động từ 40% đến 80% [45], [47], [48].
Kết hợp không mong muốn của THA và ĐTĐ đã tạo nên gánh nặng cho hệ thống tim mạch. Thật vậy, các nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ số khối cơ thất trái gia tăng một cách đáng kể trên bệnh nhân đái tháo đường có kèm tăng huyết áp . Grossman và cộng sự ghi nhận tỷ lệ phì đại thất trái trên bệnh nhân đái tháo đường có tăng huyết áp chiếm 72%, nhưng tỷ lệ này chỉ chiếm 32% ở bệnh nhân tăng huyết áp không có đái tháo đường với cùng mức độ tăng huyết áp [63]. Phì đại thất trái đã được chứng minh là yếu tố dự báo các biến cố tim mạch, vì thế kết quả này cho thấy sự gia tăng phì đại thất trái cũng đồng nghĩa với sự gia tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong trên đối tượng đái tháo đường có tăng huyết áp. Nghiên cứu Framingham cũng đã chứng minh rằng THA kết hợp ĐTĐ làm tăng 30% nguy cơ tử vong chung và 25% các biến cố tim mạch [45]. Kết quả này góp phần khẳng định lại nhận định của các nghiên cứu trước đây rằng THA thật sự là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra các biến chứng tim mạch trên bệnh nhân ĐTĐ [45].
Sự gia tăng đáng kể của gánh nặng bệnh tật và tử vong do tim mạch trên đối tượng ĐTĐ kèm THA [63], [94], đã thúc đẩy các hiệp hội tim mạch và đái tháo đường đưa ra khuyến cáo đánh giá nguy cơ tim mạch trở thành mục tiêu hàng đầu trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong số các khuyến cáo của các hiệp hội đái tháo đường hay hiệp hội tăng huyết áp, chỉ có khuyến cáo của hội tim mạch và nghiên cứu đái tháo đường Châu Âu ( ESC-EASD) là có sự kết hợp thống nhất của các chuyên gia có kinh nghiệm trong cả ha i chuyên ngành Tim mạch và Nội tiết nhằm đưa đến cách tiếp cận tối ưu nhất. Cụ thể khuyến cáo đã đề nghị tầm soát bệnh tim đái tháo đường từ giai đoạn chưa có biểu hiện lâm sàng thông qua đánh giá toàn diện các yếu tố nguy cơ tim mạch trên bệnh nhân
ĐTĐ týp 2 có THA.
Bên cạnh các yếu tố nguy cơ tim mạch truyền thống, ESC-EASD đã kiến nghị nên tầm soát thêm nhóm yếu tố nguy cơ tim mạch không truyền thống bao gồm các dấu chỉ điểm sinh học và hình ảnh học giúp phát hiện sớm tổn thương cơ quan đích ở giai đoạn tiền lâm sàng [54], [98]. Bệnh nhân ĐTĐ khi có tổn thương cơ quan đích sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch độc lập với các nguy cơ có sẳn của bệnh nhân [60], vì thế các đối tượng này sẽ được xếp vào nhóm có nguy cơ tim mạch cao hay rất cao [98].
Tại Việt Nam, áp dụng khuyến cáo ESC-EASD trong thực hành lâm sàng và trong nghiên cứu vẫn còn riêng lẻ, cũng như nhận thức để tầm soát bệnh tim đái tháo đường ở giai đoạn tiền lâm sàng vẫn còn khá hạn chế. Vì thế, chúng tôi nhận thấy cần thiết phải nâng cao tầm quan trọng của đánh giá nguy cơ tim mạch toàn diện và tầm soát bệnh tim đái tháo đường ở giai đoạn sớm, thông qua việc tiến hành đề tài “Nghiên cứu mối liên quan giữa biểu hiện tim với mục tiêu theo khuyến cáo ESC-EASD ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có tăng huyết áp”.
Mục tiêu nghiên cứu
1- Đánh giá theo mục tiêu khuyến cáo điều trị của ESC-EASD, một số yếu tố nguy cơ tim mạch và biểu hiện tim (nồng độ NTproBNP huyết thanh, hình thái, cấu trúc và chức năng thất trái qua siêu âm tim) trên bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có tăng huyết áp không có bệnh tim thiếu máu cục bộ.
2- Xác định mối liên quan và sự thay đổi giữa mục tiêu khuyến cáo và yếu tố nguy cơ tim mạch với biểu hiện tim trước và sau 12 tháng theo dõi