LA20.075_Nghiên cứu lâm sàng, hình ảnh siêu âm và hình thái mô bệnh học của polyp túi mật
Polyp túi mật là tổn thương nhô ra từ niêm mạc vào lòng túi mật, chiếm khoảng 5% trong dân số và thay đổi từ 1,3 đến 6,9% [19], [32], [39], [52], [78]. Bản chất của polyp có thể là u hoặc dạng u: trong các tổn thương u thì u tuyến chiếm vào khoảng 5%; trong dạng u thì polyp cholesterol gặp nhiều nhất, tỷ lệ từ 50 – 90% [20], [27], [33], [125]. Triệu chứng lâm sàng có giúp gì cho chẩn đoán polyp túi mật hay không? nhiều nghiên cứu trên thế giới [19], [120], [124] cho biết polyp túi mật có triệu chứng thường không đặc trưng, nghèo nàn: triệu chứng đau bụng theo Li [67] là 72,2%, Akyurec [19] 59%; đầy bụng chậm tiêu theo Sugiyama [121] là 28%; triệu chứng sốt theo Ito [52] là 1%. Trong nước [1], [10], chưa có công bố nào mô tả rõ về cơn đau do polyp gây ra, hầu như trong thực hành lâm sàng khó có thể xác định được triệu chứng và diễn tiến đau bụng như thế nào là của polyp túi mật. Vì vậy, chúng tôi nghiên cứu mục tiêu này nhằm xác định polyp túi mật có hay không có triệu chứng? Polyp túi mật có thể là lành hoặc ác tính nhưng thương tổn polyp hầu hết được phát hiện qua siêu âm bụng. Tuy nhiên, siêu âm khó có thể chẩn đoán chính xác về hình thái học của polyp và khi polyp ác tính. Theo Pandey [89] dựa vào hình ảnh học có thể phát hiện chính xác ung thư biểu mô tuyến dạng polyp giai đoạn tiến triển khoảng 70-82% nhưng ở giai đoạn sớm chỉ vào khoảng 23%. Độ nhạy và độ đặc hiệu theo Shi [106] là 92,5% và 95,8% đối với polyp lành và ác tính. Theo Đào Văn Long [11], độ nhạy của siêu âm chẩn đoán polyp túi mật là 73,3%. Như vậy
đặc điểm và giá trị của siêu âm chẩn đoán polyp túi mật cũng rất cần được nghiên cứu dựa vào đối chiếu với hình thái mô bệnh học. Siêu âm là phương tiện rất phổ biến, dễ thực hiện và không nguy hại, có thể thực hiện cho bệnh nhân rất nhiều lần.
Mô bệnh học cho biết rõ về đặc điểm polyp túi mật, từ đó có hướng điều trị và xử trí thích hợp. Trong phân loại của Christensen [37] vào năm 1970, dựa trên mô bệnh học chia polyp ra làm hai nhóm: u lành và dạng u. U lành có nguồn gốc từ biểu mô như u dạng tuyến (tuyến ống, tuyến nhánh, tuyến ống nhánh); u có nguồn gốc không phải biểu mô (u sợi, u mỡ, u cơ trơn, u mạch…). Dạng u gồm u tăng sản dạng tuyến, u lạc chỗ (niêm mạc dạ dày, gan, tụy, niêm mạc ruột), polyp viêm, và polyp cholesterol… Các yếu tố nguy cơ ác tính trong polyp túi mật cần được xác định mặc dù khả
năng ác tính hoặc hóa ác là không cao 0,2-1% [90]. Khi polyp ác tính có tiên lượng rất xấu, thời gian sống thêm sau mổ 5 năm khoảng 5 đến 7% [82], [106]. Hiện nay, quan điểm điều trị polyp túi mật vẫn chưa thống nhất, hầu hết dựa vào tiêu chuẩn điều trị của thế giới: (1) đối với polyp có triệu chứng hoặc kích thước ≥ 10 mm thì có chỉ định phẫu thuật do có thể có nguy cơ ung thư hóa cao [37], [56], [124]; (2) đối với polyp không triệu chứng và hoặc có kích thước < 10 mm, các ý kiến còn chưa thống nhất về chỉ định khi nào mổ, khi nào theo dõi và theo dõi như thế nào? Một số tác giả chủ trương chỉ định mổ cho cả polyp không triệu chứng và hoặc có kích thước < 10 mm nếu có các yếu tố nguy cơ như: kích thước polyp tăng nhanh trong quá trình theo dõi, polyp không cuống, tuổi người bệnh ≥ 50 và polyp kết hợp với sỏi [69], [121].
Cho đến nay chưa có công trình nào trong nước nghiên cứu với qui mô và số lượng lớn về polyp túi mật. Công trình nghiên cứu này dựa trên các đặc điểm lâm sàng, hình ảnh siêu âm và mô bệnh học nhằm đưa ra các khuyến cáo về chỉ định điều trị bệnh polyp túi mật với các mục tiêu sau:
1- Xác định triệu chứng lâm sàng bệnh polyp túi mật
2- Xác định đặc điểm siêu âm chẩn đoán polyp túi mật đối chiếu với bệnh phẩm và hình thái mô bệnh học; qua đó xác định độ nhạy, độ chính xác của siêu âm khi polyp có kích thước ≥ 10 mm và < 10 mm.
3- Xác định các yếu tố nguy cơ ác tính của polyp qua mối liên quan giữa siêu âm, bệnh phẩm và mô bệnh học nhằm đề xuất chỉ định điều trị bệnh polyp túi mật