LA20.072_Nghiên cứu kết quả phẫu thuật cầu nối động mạch vành không tuần hoàn ngoài cơ thể
Bệnh động mạch vành (ĐMV) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, hẹp ĐMV là nguyên nhân lớn nhất gây ra 7.249.000 trường hợp tử vong vào năm 2008, chiếm 12,7% tổng tỷ lệ tử vong toàn cầu [65]. Ghi nhận đặc biệt ở báo cáo này là tỷ lệ tử vong do bệnh ĐMV cao nhất ở các nước có thu nhập thấp và trung bình chứ không phải ở các nước phát triển, có thu nhập cao như ở các báo cáo trước đó. Điều này được giải thích vì xu hướng gia tăng bệnh ĐMV ở những nước có thu nhập thấp và trung bình rất nhanh trong khi ở các nước có thu nhập cao, tỷ lệ tử vong do mạch vành không thay đổi vì những tiến bộ trong phòng bệnh và các kỹ thuật điều trị chỉ giúp nâng cao tuổi thọ chứ không làm giảm tử vong. Kết luận của báo cáo này là gánh nặng tử vong do bệnh ĐMV đã chuyển dần sang các nước có thu nhập thấp và trung bình do lối sống ở các nước này đã dần dần tiếp cận với lối sống của các nước có thu nhập cao. Ở Việt Nam, bệnh ĐMV cũng ngày một gia tăng và được quan tâm nhiều hơn từ hệ thống y tế và toàn xã hội [12]. Về điều trị bệnh động mạch vành, bên cạnh các biện pháp phòng bệnh, điều trị nội khoa và can thiệp qua da (nong-đặt stent) đã có rất nhiều tiến bộ với những kết quả tốt thì phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (PTBCĐMV) vẫn luôn được coi là phương pháp điều trị tốt nhất nhằm mục đích: (1) Cải thiện triệu chứng; (2) Cải thiện sống còn vì với PTBCĐMV, khả năng thực hiện được tái tuần hoàn toàn bộ ĐMV là tốt nhất.
Trong phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, có 2 kỹ thuật chính được thực hiện cho tới nay là có sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể (THNCT) và không sử dụng THNCT. Đến nay, mặc dù vẫn còn chưa có sự đồng thuận về kết quả của kỹ thuật không sử dụng THNCT [37],[63],[103],[136] nhưng tỷ lệ thực hiện trên toàn bộ các trường hợp được PTBCĐMV ở các nước Châu Âu và Bắc Mỹ là khoảng 25% cùng với khoảng 60% ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đã cho thấy vai trò của kỹ thuật này trong phẫu thuật điều trị hẹp ĐMV [22],[78],[108],[124],[147]. Các hướng dẫn và cập nhập hướng dẫn của Hội tim mạch/Trường môn tim mạch Hoa kỳ 2004 và 2011, của Hội tim mạch/Hội Phẫu thuật Lồng ngực Tim mạch Châu Âu 2010 và 2014 đều có đề cập về kỹ thuật này [70],[82]. Nhiều nghiên cứu lâm sàng có nhóm chứng ngẫu nhiên đơn trung tâm, đa trung tâm [21],[86],[87],[131] cùng các phân tích gộp [29],[97],[137],[143] đã và đang tiếp tục được thực hiện và công bố kết quả .
Ở Việt Nam, PTBCĐMV được triển khai nhiều từ cuối những năm 1990 và đa số được thực hiện với kỹ thuật có sử dụng THNCT. Phẫu thuật bắc cầu ĐMV có sử dụng THNCT đã được thực hiện thường quy tại hầu hết các trung tâm mổ tim trong cả nước. Đã có những đề tài nghiên cứu cấp tiến sĩ và thạc sĩ cùng một số bài báo [1],[6],[11],[13],[15],[19],[20] về PTBCĐMV với kỹ thuật có sử dụng THNCT cho những kết quả tương đối tốt. Kỹ thuật không sử dụng THNCT cũng đã được triển khai tại nhiều trung tâm phẫu thuật tim trong cả nước như: Bệnh viện Việt-Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện Trung ương Huế, Viện Tim TP.Hồ Chí Minh, Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh… Tuy nhiên, mới chỉ có một vài bài báo cáo nghiên cứu với những kết quả ban đầu là tương đối khả quan [2],[3],[8]. Việc nghiên cứu tiếp tục về kỹ thuật này là cần thiết, chính vì vậy chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm giải đáp câu hỏi: “Hiệu quả và sự an toàn của phẫu thuật bắc cầu động mạch vành được thực hiện với kỹ thuật không sử dụng THNCT như thế nào?”. Để trả lời cho câu hỏi này, nghiên
cứu của chúng tôi đặt ra các mục tiêu sau:
1. Xác định tỷ lệ thành công ở giai đoạn sớm và sau 12 tháng sau mổ bắc cầu động mạch vành với kỹ thuật không sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể.
2. Đánh giá sự an toàn và khả năng thực hiện tái tuần hoàn toàn bộ của phẫu thuật bắc cầu động mạch vành với kỹ thuật không sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể.
3. Tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng tới thành công và đánh giá kết quả ở một số nhóm bệnh nhân có nguy cơ phẫu thuật cao: lớn tuổi, hẹp thân chung động mạch vành trái, bệnh thận giai đoạn 3-4