LA03.232_Nghiên cứu hành vi quá tự tin của nhà quản trị trong việc ra quyết định tài chính đối với các doanh nghiệp Việt Nam
1.3 Mục tiêu nghiên cứu của luận án
Từ hàm ý và kết quả thực nghiệm trước đây, luận án tập trung vào “Nghiên cứu hành vi của nhà quản trị trong việc ra quyết định tài chính – đối với các doanh nghiệp Việt Nam” với phạm vi nghiên cứu là tính quá tự tin của CEO (không bao gồm các chức danh khác không trực tiếp ra quyết định trong doanh nghiệp bao gồm CFO của một số doanh nghiệp lớn, Chủ tịch hội đồng quản trị và ban quản trị) trong các doanh nghiệp niêm yết trong khoảng thời gian từ 2007-2016. Qua đó,
– Xác định sự tồn tại của mối quan hệ giữa sự quá tự tin và quyết định đầu tư tại Việt Nam. (Sự quá tự tin có tác động lên quyết định đầu tư hay không? Chúng tác động như thế nào – cùng hay ngược chiều? Mối quan hệ đó giống và khác gì với nghiên cứu trước đây ở các thị trường phát triển? Mức độ tin cậy của các bằng chứng ra sao? Theo các mô hình tương tự và theo các mô hình sử dụng cách thức loại bỏ hiện tượng nội sinh thì mô hình có tốt hơn không?)
– Xác định sự tồn tại của mối quan hệ giữa sự quá tự tin và quyết định đầu tư tại Việt Nam dưới điều kiện của sự phát triển tài chính. (Quá tự tin quyết định đến đầu tư như thế nào khi có tương tác với điều kiện phát triển tài chính? Điều kiện phát triển tài chính đóng vai trò gì? Các biến có ý nghĩa thống kê không?)
– Xác định sự tồn tại của mối quan hệ giữa sự quá tự tin và quyết định tài trợ tại Việt Nam. (Quá tự tin tác động như thế nào đến quyết định tài trợ? Mô hình ra quyết định đối với các CEO quá tự tin khác gì với mô hình của CEO lý trí? Nêu ra một sốđiểm khác biệt giữa kết quả thực nghiệm tại Việt Nam và thị trường các nước phát triển.)
– Xác định sự tồn tại của mối quan hệ giữa sự quá tự tin và quyết định tài trợ tại Việt Nam dưới điều kiện thâm hụt tài chính. (Mối quan hệ giữa quá tự tin và quyết định tài trợ thay đổi như thế nào khi doanh nghiệp bị thâm hụt tài chính? Phải chăng CEO quá tự tin sẽ phản ứng khác với CEO lý trí khi công ty bước vào giai đoạn khó khăn?)
– Xác định sự tồn tại của mối quan hệ giữa sự quá tự tin và quyết định chi trả cổ tức tại Việt Nam. (Mức chi trả cổ tức phụ thuộc vào sự quá tự tin như thế nào? Mối quan hệ có bền vững khi áp dụng các kĩ thuật hồi quy khác nhau không? Có mâu thuẫn nào xuất hiện đối với thị trường phát triển không? Có rủi ro nào phát sinh từ vấn đề này không?)
– Xác định sự tồn tại của mối quan hệ giữa sự quá tự tin và quyết định chi trả cổ tức tại Việt Nam dưới điều kiện xuất hiện cơ hội tăng trưởng. (Khi cơ hội tăng trưởng xuất hiện rõ rệt, CEO quá tự tin phản ứng như thế nào?) Cuối cùng, khi những vấn đề về mối quan hệ trên được làm sáng tỏ, nghiên cứu sẽ thiết lập để đưa đến kết luận và khuyến nghị cho doanh nghiệp nhằm hạn chế hành vi quá tự tin của nhà quản trị, dưới góc độ của việc phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp (từ cấu trúc vốn, chi trả cổ tức cho đến sử dụng dòng tiền cho các dự án đầu tư).
1.6 Sơ lược ý nghĩa nghiên cứu trong luận án
1.6.1 Ý nghĩa khoa học
Luận án phần nào cung cấp thêm bằng chứng thực nghiệm liên quan đến ba quyết định tài chính trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp (quyết định đầu tư, quyết định tài trợ và quyết định chi trả cổ tức). Trước đây, từ học thuyết chuẩn tắc của Modigliani và Miller (1958) đã có rất nhiều nhà nghiên cứu triển khai ra các nhánh nghiên cứu khác nhau nhằm bổ sung những trường hợp thực nghiệm để đi lý giải cho học thuyết này và giúp mở rộng học thuyết “thoát ra” khỏi những giả định. Qua đó, những nhà điều hành doanh nghiệp, nhà đầu tư, chủ nợ có thể phần nào phán đoán được tình hình hoạt động điều hành của doanh nghiệp và cảm thấy an tâm hơn khi lợi ích của họ được đảm bảo. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu lại lấy các học thuyết kinh tế học chuẩn tắc khác để lý giải cho một học thuyết MM, điều này dẫn đến việc khả năng lập luận cho lý thuyết bị ràng buộc bởi một số điều kiện như con người là lý trí và luôn biết tối ưu các lựa chọn.
Ngày nay, khi kinh tế học và tài chính hành vi phát triển hơn, các nhà nghiên cứu đã tiến hành đo lường và xác định những biểu hiện của con người phi lý trí, từ đó dần lý giải rõ ràng hơn cho những bất thường trong quản trị doanh nghiệp. Một trong những nhà nghiên cứu rất thành công khi kết hợp tài chính hành vi trong việc ra quyết định phi lý trí (tự tin quá mức) của CEO là Malmendier và Tate (2005). Mặc dù vậy, nghiên cứu chỉ mới tập trung vào thị trường tài chính các nước phát triển. Vậy nên, đây là một khe hổng nghiên cứu để luận án nắm bắt và nghiên cứu bằng chứng thực nghiệm tại thị trường Việt Nam – thị trường mới nổi. Luận án tin rằng, ở thị trường mới nổi có những đặc thù riêng xuất phát từ việc lĩnh vực tài chính trong thị trường này chưa phát triển, phần lớn các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn vốn được cung từ các ngân hàng thương mại. Chính điều này phần nào sẽ làm cho quyết định của CEO quá tự tin có sự khác biệt rõ rệt. Cho nên, theo luận án, các quốc gia có thị trường mới nổi sẽ có điểm tương đồng vì vậy, từ nghiên cứu của Việt Nam, luận án hay các nhà nghiên cứu trong tương lai sẽ dựa vào luận án này để làm nền tảng phát triển nghiên cứu này ở các quốc gia tương tự.
1.6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Nghiên cứu sẽ làm rõ hơn mối quan hệ giữa sự quá tự tin của CEO và các quyết định tài chính ở thị trường Việt Nam. Nhà đầu tư, nhà quản trị, cổ đông và các bên liên quan có thể sử dụng kiến thức từ nghiên cứu này để phán đoán tín hiệu của doanh nghiệp (liệu doanh nghiệp có đang gặp rủi ro vay nợ? liệu CEO có quá tự tin? mức trả cổ tức cao hơn liệu có tốt không?…). Nếu áp dụng bằng chứng thực nghiệm từ các nghiên cứu khác tại một thị trường khác như ở Mỹ vào bối cảnh Việt Nam thì các phán đoán sẽ không chính xác, bởi quyết định còn bị ảnh hưởng một phần bởi tâm lý, trình độ, mức độ phát triển của hệ thống tài chính. Ở những thị trường mới nổi như Việt Nam, các bằng chứng thực nghiệm sẽ có ít nhiều sự khác biệt đối với thị trường phát triển. Ngoài ra, nghiên cứu còn là nền tảng Nghiên cứu sinh tham gia giảng dạy ở trong trường, sinh viên sẽ có thêm cơ sở lập luận đối chiếu với thực tế nếu như có sự khác biệt giữa lý thuyết và thực tiễn đang diễn ra tại Việt Nam.
1.7 Bố cục của luận án
Luận án bao gồm 5 chương, nội dung tóm tắt của các chương tiếp theo như sau:
Chương 2. Khung lý thuyết của Luận án và các bằng chứng thực nghiệm của các nghiên cứu trước đây
Giới thiệu khung lý thuyết nền tảng cho toàn bộ bài luận án, với hướng tiếp cận đi dọc theo chiều dài phát triển của lý thuyết tài chính hành vi từ khởi đầu là các khái niệm vay mượn từ lý thuyết tâm lý học nhận thức. Cụ thể, chương này bắt đầu bằng những giới thiệu vắn tắt về các mẫu hình lệch lạc trong nhận thức con người. Dựa trên phân tích về tính lý trí không hoàn hảo – một khác biệt mang tính đặc trưng của lý thuyết kinh tế/ tài chính hành vi so với các mô hình lý thuyết truyền thống/ chuẩn tắc – trọng tâm của chương này nhấn mạnh vào đặc tính lệch lạc nhận thức quan trọng là hành vi quá tự tin (tự tin thái quá) của Nhà quản trị doanh nghiệp, cụ thể là người điều hành cấp cao nhất: Giám đốc điều hành, CEO.
Sự khác biệt của lý thuyết tài chính hành vi với lý thuyết tài chính chuẩn tắc được làm rõ thông qua việc đào sâu vào các nghiên cứu hành vi đóng vai trò bổ sung và giải thích cho những bài toán chưa tìm được lời giải thích thỏa đáng từ tiếp cận nghiên cứu lý thuyết truyền thống. Ở phương diện này, phần cuối của chương trình bày một mô hình lý thuyết được xây dựng nhằm gắn kết hành vi quá tự tin nhà quản trị vào trong các mối quan hệ tài chính doanh nghiệp. Từ đó, những hàm ý quan trọng cho 3 quyết định doanh nghiệp gồm đầu tư, tài trợ và cổ tức sẽ được đưa ra và được hỗ trợ bởi một hệ thống các nghiên cứu thực nghiệm trên bình diện quốc tế. Cuối cùng, chương kết thúc bằng một phân tích mang tính hệ thống về các nghiên cứu tài chính hành vi (với trọng tâm vào mối quan hệ giữa quá tự tin nhà quản trị và các quyết định doanh nghiệp) đã được thực hiện cho bối cảnh Việt Nam tính đến thời điểm luận án này được viết. Quan trọng nhất, hưởng của hành vi quá tự tin nhà quản trị lên đầu tư sẽ được làm phân tích kỹ trên cơ sở tiếp cận độ nhạy cảm đầu tư – dòng tiền. Luận án tiếp theo trình bảy các cách tiếp cận đo lường tâm lý quá tự tin trong nghiên cứu thực nghiệm với sự tập trung lên 2 tiếp cận cơ bản của Malmendier và Tate (2005a, 2005b, 2008) – tiếp cận dựa trên quyền chọn và tiếp cận dựa trên thông tin báo chí. Qua việc phân tích bản chất các mối quan hệ tài chính hành vi này, luận án đưa ra các giả thuyết của mình để làm tiền đề xây dựng mô hình, thu thập dữ liệu trong phần kế tiếp. Trong chương 2, luận án cũng đề cập đến các điều kiện được bổ sung vào phương trình để tạo thêm tính vững cho lý thuyết.
Chương 3. Phương pháp nghiên cứu
Trình bày cách thu thập dữ liệu từ các nguồn dữ liệu và xây dựng mô hình
nghiên cứu để tìm ra bằng chứng thực nghiệm ủng hộ hoặc bác bỏ các giả thuyết được đưa ra trong chương 2 đối với thị trường Việt Nam. Từ các lý thuyết cơ bản, luận án thêm các biến số vào để hoàn thiện mô hình, cố gắng chọn lọc các biến không tương quan hoàn toàn.
Chương 4. Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của quá tự tin của CEO lên quyết định tài chính
Biểu diễn các kết quả thực nghiệm thu được từ việc chạy mô hình trong chương 3; phân tích và đối chiếu với các kết quả thu được với các kết quả trong những nghiên cứu trước đây. Để tăng tính chặt chẽ và xác thực của kết quả, đối với mỗi một phương trình, luận án thêm vào các biến và cuối cùng sử dụng mô hình GMM (hay các mô hình GMM cải tiến) để khẳng định thêm.
Chương 5. Kết luận về sự quá tự tin của CEO và các quyết định tài chính
Tổng kết lại toàn bộ nội dung nghiên cứu của luận án và dẫn ra một số khuyến nghị đối với phong cách quản lý và ra quyết định của CEO. Theo đó, ta coi như việc quá tự tin của CEO là khá rủi ro. Trong một số trường hợp, ví dụ việc chi trả quá nhiều cổ tức sẽ dễ khiến cho nhà đầu tư lầm tưởng khả năng sinh lợi của doanh nghiệp, hoặc việc quá tự tin của CEO dẫn đến việc vay nợ quá mức dẫn tới khả năng rủi ro thanh khoản.