LA20.044_Nghiên cứu giải phẫu bệnh và hóa mô miễn dịch các yếu tố tiên lượng của Carcinôm tế bào gan
Ung thư gan nguyên phát là loại ung thư thường gặp, gây tử vong cao. Theo số liệu ghi nhận ung thư quần thể năm 2004, ở Tp Hồ Chí Minh trong 10 loại ung thư thường gặp nhất thì ung thư gan đứng hàng thứ nhất ở nam (xuất độ 38,2 trường hợp trên 100.000 dân mỗi năm) và đứng hàng thứ 6 ở giới nữ (xuất độ 8,3 trường hợp trên 100.000 dân mỗi năm) [3], [7]. Ở Hà Nội, ung thư gan đứng hàng thứ 3 ở giới nam và hàng thứ 7 ở giới nữ trong 10 loại ung thư thường gặp nhất [1], [2]. Theo nghiên cứu của Cơ quan nghiên cứu ung thư thế giới (IARC) ung thư gan đứng hàng thứ 5 trong 10 loại ung thư thường gặp nhất [53], [54]. Trong ung thư gan nguyên phát, carcinôm tế bào gan (CTBG) chiếm tỉ lệ chủ yếu, từ 80-90% tùy theo các nghiên cứu khác nhau trên thế giới [137].
Nhiều yếu tố tiên lượng kinh điển như tuổi, giới, các yếu tố liên quan đến khối u như kích thước, số lượng u, mức độ hoại tử, sự xâm nhập vỏ bao, xâm nhập mạch máu,… tình trạng viêm gan, xơ hóa được y văn ghi nhận [18], [20], [35], [36], [37]. Điều trị và tiên lượng của bệnh nhân phụ thuộc vào giai đoạn bệnh lúc được chẩn đoán và những đặc điểm giải phẫu bệnh của khối ung thư và chức năng phần gan còn lại [27], [29], [61], [69], [86], [90], [125]. Tuy nhiên, việc tiên lượng thời gian sống của bệnh nhân và sự tái phát của khối u sẽ chính xác hơn khi phối hợp nhiều yếu tố tiên lượng khác nhau [52], [59], [63].
Những năm gần đây, một số dấu ấn sinh học cũng được sử dụng trong việc đánh giá khả năng sự tái phát và thời gian sống thêm của bệnh nhân [120], [121]. Trong đó, p53, Ki67 là hai yếu tố được một số tác giả khuyến cáo sử dụng để tiên lượng cho bệnh nhân CTBG [26], [56], [59], [80], [119]. Hiện nay, ở nước ta có nhiều nghiên cứu về các dấu chứng sinh học, dựa trên hóa mô miễn dịch trên ung thư đường tiêu hóa, ung thư vú, ung thư hạch,… Trong những dấu chứng sinh học được nghiên cứu trên các loại ung thư trên, p53 và Ki67 được các tác giả thấy có ý nghĩa ứng dụng nhất. P53 là một gen đè nén u, khi đột biến sẽ mất chức năng, làm tế bào rối loạn phát triển, gây ra nhiều loại ung thư khác nhau. Ki67 là dấu chứng miễn dịch liên quan đến sự tăng sinh tế bào ung thư. Theo nghiên cứu tại bệnh viện 108 của tác giả Trịnh Tuấn Dũng & cộng sự [1] năm 2007 thì tỉ lệ dương tính với kháng nguyên của p53 ở ung thư đại trực tràng là 54,55%.
Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Sào Trung và cộng sự [10] trong carcinôm ống tuyến vú xâm nhập, biểu hiện của protein p53 trên mô ung thư là 27,5% và của Ki67 là 62%. Theo nghiên cứu của tác giả Văn Tần và cộng sự [11], tỉ lệ dương tính của p53 trong 96 trường hợp CTBG được tiến hành nhuộm hóa mô miễn dịch và đo nồng độ p53 trong huyết thanh ở Singapore là 54%. Dựa trên các tài liệu thu thập được, đến nay trong nước chưa thấy công trình nghiên cứu nào dựa trên sự phối hợp nhiều yếu tố có giá trị tiên lượng khác nhau, vừa gồm các yếu tố kinh điển vừa có các yếu tố hóa mô miễn dịch, sinh học phân tử, vừa đánh giá tình trạng chủ mô gan.
Vì vậy, nghiên cứu sự biểu hiện của các dấu chứng sinh học p53, Ki67 trên hóa mô miễn dịch ở các bệnh nhân CTBG kết hợp với việc xác định mối tương quan với các yếu tố tiên lượng kinh điển cùng với việc đánh giá gián tiếp chức năng gan của phần gan còn lại xung quanh u qua mức độ xơ hóa, viêm để áp dụng vào thực tiễn là hết sức cần thiết và bức xúc hiện nay. Nghiên cứu thuộc loại nghiên cứu cơ bản này nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị và tiên lượng cho bệnh nhân ung thư tế bào gan ở Việt Nam.
Mục tiêu nghiên cứu:
1. Khảo sát các đặc điểm có ý nghĩa tiên lượng của CTBG
2. Đánh giá sự biểu hiện của p53, Ki67 trên CTBG
3. Xác định mối liên quan giữa các đặc điểm có ý nghĩa tiên lượng và biểu hiện của p53, Ki67 trên CTBG