ThS16.12_Nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng phát triển và biện pháp kỹ thuật tăng năng suất khoai tây trên đất ruộng một vụ lúa tại tỉnh bắc kạn
1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI
Cây khoai tây (Solanum Tuberosum.L) là cây lương thực của nhiều nước châu Âu và ở một số nước khoai tây là cây lương thực chủ yếu (Đường Hồng Dật, 2005)[7]. Củ khoai tây chứa 20% lượng chất khô trong đó có 80 – 85% là tinh bột, 3 – 5% là protein và một số vitamin khác (Trần Như Nguyện và cs, 1990; Nguyễn Văn Thắng và cs, 1996)[23], [40]. Nếu so sánh về năng suất chất khô trên một đơn vị trồng trọt thì khoai tây cao hơn lúa mì 3 lần, cao hơn lúa nước 1,3 lần và cao hơn ngô 2,2 lần (Leviel, 1986)[163].
Khoai tây có tiềm năng năng suất khá cao tới 100 – 120 tấn/ha. Tuy nhiên sự biến động về tiềm năng năng suất giữa các vụ và các vùng là khá lớn (Caldiz et al., 2001)[69] do khoai tây chịu tác động mạnh của những yếu tố từ bên ngoài.
Nhiệt độ thích hợp cho thân lá phát triển là 180 C, củ phát triển là 16 – 17 C; ánh sáng ngày dài thích hợp cho giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng, giai đoạn củ hình thành thì cây lại yêu cầu sánh sáng ngày ngắn. Yêu cầu về ẩm độ cũng thay đổi theo các thời kỳ sinh trưởng và phát triển, trước khi hình thành củ ẩm độ cần là 60%, thời kỳ hình thành củ ẩm độ đất phải đạt 80%. Để đạt được năng suất cao, khoai tây còn yêu cầu lớp đất mặt phải rất tơi xốp, đất thịt nhẹ, đất cát pha thích hợp với cây khoai tây (Đường Hồng Dật, 2005)[7]. Đồng bằng Bắc bộ có một mùa đông lạnh với nhiệt độ trung bình khoảng 20 – 30 0C, phù hợp cho cây khoai tây sinh trưởng phát triển. Mặt khác, diện tích
đất phù sa, đất cát pha, đất thịt nhẹ lớn, hệ thống thuỷ nông hoàn chỉnh là điều kiện thuận lợi cho phát triển và mở rộng sản xuất loại cây trồng này. Trong những năm gần đây diện tích khoai tây cả nước dao động trong khoảng 35.000 ha, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng (Đào Huy Chiên, 2002)[3]. Do những ưu điểm của cây trồng này, nhà nước có chủ trương mở rộng diện tích ra các vùng sinh thái phù hợp. Tuy nhiên, do quỹ đất canh tác nông nghiệp ở đồng bằng thấp, cùng với sức ép của việc đô thị hoá và công nghiệp hoá nên việc mở rộng diện tích khoai tây ở đồng bằng có nhiều hạn chế. Để giải quyết vấn đề đó, việc khai thác hợp lý nguồn tài nguyên đất đai ở miền núi trong đó có mở rộng diện tích khoai tây được coi là hướng phát triển chiến lược và bền vững trong tương lai.
Bắc Kạn là một tỉnh miền núi nghèo, thu nhập bình quân đầu người năm 2006 thấp với 337,2 nghìn đồng/tháng, đặc biệt ở khu vực nông thôn chỉ có 162,5 nghìn đồng/tháng, bình quân lương thực là 289,4 kg thóc/người/năm (Cục thống kê tỉnh Bắc Kạn, 2006)[5]. Do thu nhập của người dân thấp nên tỷ lệ hộ đói nghèo rất cao là 41,42%, nhiều hộ thiếu ăn 2 – 6 tháng/năm (Sở Lao động và TBXH)[27]. Thực tế Bắc Kạn có diện tích đất ruộng khá lớn: 13.273 ha (Sở NN&PTNT Bắc Kạn, 2006)[28], tuy nhiên hầu hết chỉ được cấy một vụ lúa Mùa, diện tích đất bỏ hoá trong vụ Đông (12.333 ha) và vụ Xuân (4.964 ha) rất phổ biến. Trong khi lực lượng lao động địa phương dư thừa, điều kiện thời tiết khí hậu khá thuận lợi cho nhiều cây trồng như ngô, khoai tây, đậu đỗ….. sinh trưởng, phát triển thì việc việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là mở rộng diện tích cây vụ Đông là một trong những giải pháp cần được quan tâm đẩy mạnh nhằm nâng cao thu nhập tiến tới xóa đói giảm nghèo cho nông dân.
Khoai tây là cây trồng có nguồn gốc ôn đới. Điều kiện thời tiết khí hậu ở Bắc Kạn rất phù hợp với sinh trưởng của cây khoai tây với nhiệt độ bình quân từ 14,3 – 28,3 0C; lượng mưa từ 0,3 – 322,5 mm; ẩm độ trung bình từ 77 – 89%. Trong những năm gần đây khoai tây đã được đưa vào cơ cấu cây trồng vụ Đông và khẳng định được vị thế của mình nhưng việc mở rộng diện tích còn chậm. Một số nguyên nhân dẫn đến điều đó là do thiếu giống và chưa có bộ giống tốt, các giống khoai tây chủ yếu đang trồng đã bị thoái hoá, tỷ lệ nhiễm bệnh virus cao khoảng 53,2% đến 59%; trình độ canh tác của nông dân thấp, chưa có quy trình kỹ thuật phù hợp với điều kiện sinh thái, đặc biệt là trên đất ruộng một vụ lúa của địa phương. Để mở rộng diện tích khoai tây trên đất ruộng một vụ lúa, vấn đề cấp thiết là phải có bộ giống cho năng suất cao, ổn định và biện pháp kỹ thuật phù hợp.
Xuất phát từ thực tế đó chúng tôi thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng, phát triển và biện pháp kỹ thuật tăng năng suất khoai tây trên đất ruộng một vụ lúa tại tỉnh Bắc Kạn”