LA09.049_Nghiên cứu chất lượng thông tin lợi nhuận kế toán công bố của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Thứ nhất, Luận án đánh giá chất lượng thông tin lợi nhuận kế toán công bố của các ngân hàng thương mại (NHTM) ở một nước đang phát triển trên cả 2 khía cạnh: mức độ hữu ích của lợi nhuận trong dự báo tương lai (thể hiện ở tính bền vững và khả năng dự báo luồng tiền trong tương lai của lợi nhuận báo cáo); và mức độ trung thực của lợi nhuận trong phản ánh tình hình tài chính của đơn vị (cụ thể số liệu kế toán có bị điều chỉnh để báo cáo mức lợi nhuận ổn định và tránh báo cáo lỗ không). Luận án góp phần làm phong phú kết quả các nghiên cứu trước ở hai điểm: (1) các nghiên cứu trước chủ yếu tập trung vào NHTM ở các nước phát triển; (2) các nghiên cứu với mẫu là NHTM ở các nước đang phát triển chủ yếu được công bố từ 2010 đến nay và chỉ đánh giá chất lượng thông tin ở một trong khía cạnh trên với một hoặc hai thước đo.
Thứ hai, với việc đưa ra các bằng chứng có ý nghĩa thống kê về việc điều chỉnh dự phòng rủi ro tín dụng (DPRRTD) để báo cáo mức lợi nhuận ổn định, luận án cung cấp thông tin hữu ích cho các bên liên quan để hiểu rõ hơn về vấn đề còn tranh cãi này trong hệ thống NHTM tại các nước châu Á. Luận án cũng lý giải vì sao kết quả nghiên cứu này mâu thuẫn với một số nghiên cứu trước về điều chỉnh lợi nhuận thông qua DPRRTD của các NHTM Việt Nam
Thứ ba, luận án đã xác định một số tiêu chí đánh giá chất lượng thông tin lợi nhuận kế toán phổ biến trong các nghiên cứu thực chứng nhưng chưa được chú ý trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, hướng khai thác và áp dụng tiêu chí này. Luận án là một trong số ít các nghiên cứu đánh giá về mức độ hữu ích của lợi nhuận báo cáo của các NHTM trong dự báo lợi nhuận và luồng tiền tương lai. Luận án cũng điều chỉnh mô hình của Lang và cộng sự (2003, 2006) so sánh giữa độ dao động của lợi nhuận và độ dao động của luồng tiền để đánh giá việc điều chỉnh số liệu nhằm ổn định lợi nhuận báo cáo trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Thứ tư, về phương pháp, trong các mô hình nghiên cứu về chất lượng thông tin lợi nhuận kế toán công bố của các NHTM (tính bền vững, khả năng dự báo luồng tiền, chất lượng biến kế toán dồn tích…), tổ hợp các biến kiểm soát được sử dụng không hoàn toàn thống nhất giữa các nghiên cứu trước, và không có mô hình tối ưu cho mọi trường hợp. Do đó, luận án đã kết hợp giữa tổng hợp từ các nghiên cứu trước với phân tích trên bộ số liệu thực tế của các NHTM Việt Nam để lựa chọn các biến và thang đo cho phù hợp. Cách làm này là một gợi ý cho việc tiếp tục phát triển các nghiên cứu về chất lượng thông tin kế toán của các NHTM.
Thứ năm, về kết quả thực nghiệm, luận án đưa ra các bằng chứng thống kê về việc các NHTM Việt Nam đã điều chỉnh số liệu nhằm tránh báo cáo lỗ và tìm cách báo cáo mức lợi nhuận ổn định. Luận án cũng chứng minh số liệu về DPRRTD của các NHTM Việt Nam bị điều chỉnh nhằm phục vụ cho các mục đích của các nhà quản lý, và chưa thực sự phản ánh hết rủi ro của trong hoạt động tín dụng của các NHTM. Chính vì vậy, lợi nhuận công bố hầu như không có ý nghĩa trong việc dự báo luồng tiền tương lai và không phản ánh trung thực kết quả hoạt động của đơn vị.