LA01.050_Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực của các doanh nghiệp may tỉnh Tiền Giang
Nguồn nhân lực là nguồn lực con người luôn được xem là một yếu tố tạo nên sự thành công của mọi tổ chức, quốc gia và vùng lãnh thổ. Là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định năng suất, chất lượng hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác trong hệ thống nguồn lực của doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu và hội nhập kinh tế quốc tế, tất cả các nước đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia. Đối với các doanh nghiệp may, nguồn nhân lực luôn là yếu tố có tính quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp may có số lượng lao động được sử dụng trong các doanh nghiệp may rất lớn.
Ngành may là ngành công nghiệp có đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động từ cả khu vực nông thôn và thành thị. Ngành công nghiệp may tác động sâu sắc đến quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt là khu vực nông thôn tạo động lực cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với đặc trưng là ngành công nghiệp gia công trong quá trình chuyển tiếp từ giai đoạn thâm dụng lao động sang thâm dụng công nghệ và vốn, từng bước tiếp cận trình độ sản xuất trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, ở bất kỳ giai đoạn nào của trình độ sản xuất, nguồn nhân lực được xem là yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định năng suất, chất lượng hiệu quả, năng lực cạnh tranh, hội nhập kinh tế thế giới của từng doanh nghiệp và của toàn bộ nền kinh tế. Kết quả sau hơn 20 năm liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân trên 15%/năm, năm 2014 ngành dệt may vẫn tiếp tục giữ vững vị trí quán quân trong bảng xếp hạng các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 24,46 tỷ USD tăng 15,9% so với năm 2013, chiếm 16,24% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và sử dụng gần 2,5 triệu lao động. Sắp tới đây, khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP), cũng như Hiệpđịnh thương mại tự do song phương Việt Nam – EU (FTA) được ký kết trong thời gian tới, nhiều cơ hội lớn được mở ra, tạo đà cho ngành dệt may vươn lên tầm cao mới. Nhưng ngành dệt may chỉ có thể nắm bắt được cơ hội, một khi tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết, trong đó nguồn nhân lực là điều kiện tiên quyết.
Hiện nguồn nhân lực của ngành dệt may nói chung, dệt may của các địa phương nói riêng vừa thiếu lại vừa yếu, với Tiền Giang cũng không phải là ngoại lệ. So với cả nước ngành may Tiền Giang còn khá non trẻ, với 72 doanh nghiệp đang hoạt động tạo việc làm cho hơn 52 nghìn lao động từ cả khu vực nông thôn và thành thị. Hiện Tiền Giang còn nhiều dư địa để phát triển ngành may nhưng muốn phát triển hiệu quả thì cần phải có nguồn nhân lực mạnh về chất, đủ về lượng.
Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Tiền Giang đến năm 2020 thì nhu cầu lao động mới có chuyên môn trong các doanh nghiệp may mặc là 35.000 lao động. Vì thế bài toán về chất lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn để đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp may trong tương lai là không hề đơn giản trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên vấn đề nguồn nhân lực trong doanh nghiệp may Tiền Giang có những đặc thù riêng như thế nào, đồng thời gặp những khó khăn gì và làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp may trong quá
trình hội nhập kinh tế vẫn là câu hỏi chưa có lời giải thích thỏa đáng. Chính vì vậy việc nghiên cứu về vấn đề này ở các doanh nghiệp may Tiền Giang là cần thiết khách quan.
Từ thực trạng và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp may tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới, tác giả chọn đề tài “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực của các doanh nghiệp may tỉnh Tiền Giang” để nghiên cứu. Việc nghiên cứu sâu các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp may tỉnh Tiền Giang” sẽ giúp các nhà nghiên cứu hoạch định chính sách của Nhà nước, các chuyên gia hiểu rõ hơn những tồn tại khó khăn về các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp may để từ đó đưa ra các chính sách phù
hợp để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp may. Kết quả của nghiên cứu này sẽ giúp cho nhà quản trị doanh nghiệp rút ra bài học phù hợp nhằm để phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp của mình trong thời gian tới.