LA08.048_Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi cung ứng tại các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ Việt Nam
1.4 MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
Trong luận án này thì mục tiêu nghiên cứu chính là xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi cung ứng tại các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ Việt Nam nhằm làm cơ sở khoa học để đưa ra các giải pháp giúp các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ Việt Nam có thể cạnh tranh và phát triển trước sức ép từ các đối thủ nước ngoài.
Dựa trên các câu hỏi nghiên cứu tại phần trên, luận án cần phải hoàn thành các mục tiêu cụ thể sau:
– Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi cung ứng trong hoàn cảnh của Việt Nam.
– Xác định mối quan hệ giữa các nhân tố này và cường độ tác động của các mối quan hệ được nghiên cứu.
– Đề xuất các hàm ý quản trị phù hợp với hoạt động của chuỗi cung ứng trong ngành bán lẻ tại Việt Nam.
1.5 ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Đối tượng được nghiên cứu trong luận án này là: Chuỗi cung ứng, hoạt động của chuỗi cung ứng, các nhân tố ảnh hưởng và mối quan hệ giữa chúng trong hoạt động của chuỗi cung ứng bán lẻ. Các vấn đề liên quan đến hoạt động của chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ Việt Nam là doanh nghiệp trung tâm của chuỗi cung ứng mà họ đang tham gia.
Đối tượng khảo sát là các chuyên gia của ngành bán lẻ, các lãnh đạo của các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ và các nhân viên của các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ hàng đầu Việt Nam đang hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể ở đây là Saigon Co.op, Satra và Vingroup.
Phạm vi nghiên cứu của luận án:
Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên việc khảo sát các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ Việt Nam, đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam và do các doanh nghiệp Việt Nam nắm giữ quyền kinh doanh. Do nguồn lực có hạn nên luận án sẽ tập trung nghiên cứu vào hoạt động chuỗi cung ứng bán lẻ tại một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ lớn của Việt Nam đang hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh như của Saigon Coop (Co.opmart, Co.op Food, Co.op Extra, Co.opSmile), SATRA (Satra Foods, Satramart), Vingroup (Vinmart, Vinmart+), … Thành phố Hồ Chí Minh được chọn làm địa điểm nghiên cứu vì đây là nơi tập trung các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ hàng đầu Việt Nam và cũng là trung tâm điều hành các chuỗi cung ứng bán lẻ phát triển mạnh nhất Việt Nam hiện nay. Số liệu thứ cấp được thu thập từ năm 1993 tới thời điểm nghiên cứu, trong đó bao gồm các báo cáo của Bộ Công thương, Tổng cục thống kê, báo chí, các báo cáo nội bộ của Saigon Co-op, SATRA, …Dữ liệu sơ cấp được lấy từ phỏng vấn các lãnh đạo cao và trung cấp tại các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ Việt Nam, từ bảng khảo sát các nhân viên đang làm việc trong chuỗi kinh doanh bán lẻ có liên quan đến hoạt động của chuỗi cung ứng Việt Nam (dự tính số lượng khảo sát khoảng 300) trong năm 2016-2017.
1.8 NHỮNG ĐÓNG GÓP VÀ TÍNH MỚI CỦA LUẬN ÁN
Luận án này có điểm mới so với các nghiên cứu trước đây là nghiên cứu sâu vào hoạt động chuỗi cung ứng của ngành kinh doanh bán lẻ với những đặc thù riêng và mang những đặc điểm của một nền kinh tế chuyển đổi vốn ít được các nhà khoa học nghiên cứu trước đây. Đây chính là “khe hổng” mà hiện chưa có nhiều các nghiên cứu tìm hiểu về hoạt động của chuỗi cung ứng cho ngành bán lẻ (Randall và ctg, 2011), nhất là tại Việt Nam. Luận án này là một công trình nghiên cứu được thực hiện dựa trên các lý thuyết về chuỗi cung ứng được các nhà nghiên cứu thực hiện từ trước và dựa trên tình hình thực tế của ngành bán lẻ tại Việt Nam. Trong đó, đại đa phần các nghiên cứu tham khảo được thực hiện trong 15 năm gần đây sẽ giúp cho luận án đưa ra được những cái nhìn mang tính mới và bám sát thực tế nghiên cứu trên thế giới về hoạt động của chuỗi cung ứng. Số liệu thực tế về ngành bán lẻ Việt Nam cũng được lấy từ các báo cáo mới nhất thực hiện trong năm 2017 sẽ giúp những vấn đề mà luận án trình bày mang tính thời sự.
Những kết quả của nghiên cứu này sẽ giúp các nhà quản trị trong các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ Việt Nam và nước ngoài tập trung sự chú ý vào một số các yếu tố quan trọng mà không cần dàn trải ra những yếu tố không quan trọng bằng nhằm đem lại sự phát triển thành công cho chuỗi cung ứng mà mình đang tham gia nói chung và cho doanh nghiệp nói riêng. Cụ thể các đóng góp của luận án như sau:
1) Từ việc tổng kết, phân tích các nghiên cứu trước, luận án đã đưa ra khái niệm mới cho riêng chuỗi cung ứng bán lẻ. Khái niệm này phù hợp với các đặc điểm riêng của ngành kinh doanh bán lẻ, và cũng phù hợp với thực tế của chuỗi cung ứng Việt Nam khi các nhà bán lẻ Việt Nam hiện nay chỉ quan tâm tới các nhà cung cấp hàng hóa trực tiếp với mình (đầu vào) mà vẫn chưa quan tâm đến việc phát triển các vùng nguyên liệu cho sản phẩm của hệ thống (nghĩa là chưa quan tâm đến đảm bảo nguồn cung ứng). Luận án cũng hệ thống hóa lại các lý thuyết về bán lẻ và chuỗi cung ứng. Từ đó, luận án đã đưa ra được khoảng trống trong nghiên cứu nhằm giải quyết những vấn đề hiện tại trong các chuỗi cung ứng tại những doanh nghiệp Việt Nam nói chung và những doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ nói riêng. Trong thời đại hội nhập quốc tế như hiện nay, những kết quả của luận án sẽ cung cấp cho các nhà quản trị tại các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ và các nhà nghiên cứu khác một nguồn tài liệu tham khảo có giá trị.
2) Luận án đã thực hiện nghiên cứu định lượng với mẫu khảo sát 201 đối tượng là lãnh đạo tại các chuỗi cung ứng bán lẻ nhằm gạn lọc lại 15 nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi cung ứng bán lẻ đã được xác định tại nghiên cứu định tính. Phương pháp này đã đảm bảo tăng tính chính xác của phương pháp nghiên cứu định tính, tăng sự thuyết phục của mô hình nghiên cứu được luận án đề xuất, và từ đó, giúp cho kết quả nghiên cứu của luận án thêm phần tin cậy.
3) Kết quả nghiên cứu của luận án đã giúp các nhà quản trị các chuỗi cung ứng bán lẻ tập trung vào một số nhân tố thành công quan trọng (CSF – Critical Success Factor) của chuỗi cung ứng nhằm tiết kiệm nguồn lực hữu hạn của mình. Nhất là sự cần thiết nâng cao tầm ảnh hưởng của các lãnh đạo và ý thức của họ về việc sự ủng hộ của mình sẽ giúp hoạt động của chuỗi cung ứng trở nên hiệu quả hơn. Dựa trên cường độ tác động của các mối quan hệ đã được kiểm chứng trong mô hình nghiên cứu, các nhà quản trị cũng biết cần phải thực hiện các biện pháp phù hợp dựa trên việc đánh giá các mức độ ưu tiên.
4) Nghiên cứu này cũng mở ra hướng nghiên cứu khác cho các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về hoạt động của chuỗi cung ứng, không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ mà còn cho các lĩnh vực khác, các thể loại chuỗi cung ứng khác. Luận án đã chỉ ra tầm quan trọng của Lãnh đạo và Thông tin trong hoạt động của chuỗi cung ứng bán lẻ. Điều này càng ngày càng đúng khi các chuỗi cung ứng ngày nay có xu hướng mở rộng. Việc mở rộng này không chỉ giới hạn trong phạm vi nội địa mà càng ngày càng có xu hướng kết nối với các quốc gia khác. Do đó, các nghiên cứu khác có thể tìm hiểu sâu hơn về các khía cạnh này nhằm đem lại những hiểu biết sâu sắc hơn về hoạt động của chuỗi cung ứng.
1.9 BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN
Ngoài các phần mở đầu, kết luận, danh mục hình, bảng, tài liệu tham khảo, phụ lục, để hoàn thành các mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu được trình bày ở phần chính thì bố cục của luận án được trình bày trong 5 chương như sau:
– Chương 1: Tổng quan về nghiên cứu. Trong chương này, luận án trình bày vấn đề nghiên cứu, lý do thực hiện và mục tiêu của nghiên cứu. Ngoài ra, các nghiên cứu trước có liên quan đến luận án cũng được giới thiệu.
– Chương 2: Cơ sở khoa học về bán lẻ và chuỗi cung ứng bán lẻ. Trong chương này luận án sẽ trình bày các khái niệm về bán lẻ và chuỗi cung ứng bán lẻ. Đồng thời, dựa trên các nghiên cứu trước, luận án đưa ra các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi cung ứng bán lẻ. Luận án cũng trình bày về tình hình phát triển của ngành bán lẻ tại Việt Nam.
– Chương 3: Thiết kế nghiên cứu. Luận án sẽ trình bày phương pháp và cách thức xây dựng nên mô hình. Sau đó, luận án sẽ trình bày các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong luận án nhằm giải quyết các mục tiêu nghiên cứu đề ra.
– Chương 4: Kết quả nghiên cứu và thảo luận. Trong chương này, luận án trình bày và thảo luận về các kết quả mà nghiên cứu đạt được về hoạt động của chuỗi cung ứng bán lẻ Việt Nam nhằm làm cơ sở để đưa ra các giải pháp trong chương 5.
– Chương 5: Kết luận. Dựa trên kết quả đạt được của nghiên cứu, tác giả sẽ đưa ra các hàm ý quản trị có liên quan và đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của các chuỗi cung ứng bán lẻ Việt Nam. Cuối cùng, luận án sẽ trình bày những hạn chế của nghiên cứu và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo.